Tại hội thảo "Phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam - chính sách và giải pháp thực hiện" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 15/9, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết toàn TP đang có 3 khu chế xuất và 14 khu công nghiệp hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 80%.
Qua đó, TP thu hút hơn 12 tỷ USD vốn đầu tư, giải quyết việc làm cho khoảng 276.000 lao động, có thêm 8 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng năm (chiếm khoảng 21% kim ngạch xuất khẩu của TP). Đồng thời, các doanh nghiệp trong các KCX, KCN cũng đóng góp nguồn thu ngân sách gần 50.000 tỷ đồng mỗi năm.
Dù vậy, ông thừa nhận việc phát triển các KCX, KCN thời gian qua còn nhiều hạn chế, buộc TP phải có chiến lược chuyển đổi theo chiều sâu nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các KCX, KCN.
Phải nhân rộng mới hiệu quả
Theo Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan, việc chuyển đổi các KCN, KCX hiện hữu và xây dựng mới các KCN, KCX sẽ theo các mô hình KCN chuyên ngành, KCN sinh thái, KCN phụ trợ, KCN công nghệ cao và KCN đô thị - dịch vụ như quy định tại Nghị định 35 của Chính phủ.
Trong đó, thời gian tới TP sẽ thí điểm xây dựng một khu công nghiệp sinh thái ngay từ đầu gắn với công nghệ 4.0 trên cơ sở những lợi thế, điều kiện và khả năng thực hiện của TP.
Đồng thời, TP chuyển đổi KCN Hiệp Phước sang mô hình KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ.
Các doanh nghiệp và địa phương thảo luận về giải pháp phát triển mô hình KCN sinh thái ngày 15/9. Ảnh: HCMCPV. |
Cùng với TP.HCM, các tỉnh Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng, Hải Phòng cũng tham gia chương trình này, với các KCN thí điểm lần lượt là Trà Nóc 1, 2, Amata, Hòa Khánh và Deep C.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mô hình KCN sinh thái đã được cơ quan này phối hợp với SECO và Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) bắt đầu thí điểm trong giai đoạn 2015-2019 tại Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Nhờ đó, trên 72 doanh nghiệp thực hiện hơn 900 giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, tiết kiệm 76 tỷ đồng mỗi năm và huy động được khoảng 207 tỷ đồng từ khu vực tư nhân, cắt giảm được 32 tấn khí CO2 hàng năm, bước đầu đem lại hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường.
“Thực tế, mô hình khu công nghiệp sinh thái chỉ thực sự phát huy vai trò tích cực đối với với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia khi được nhân rộng trên cả nước, với các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan trong nước và các tổ chức quốc tế”, Thứ trưởng Ngọc nhìn nhận.
Làm sao nhân rộng hiệu quả?
Hiện tại, Thứ trưởng Bộ KHĐT cho rằng quy mô triển khai KCN sinh thái còn hạn chế, đồng thời quá trình chuyển đổi thời gian qua cũng chưa đạt được kết quả như mong đợi.
Kinh nghiệm thực tế tại TP.HCM, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết những thách thức lớn nhất là chi phí để các KCN tái cấu trúc cơ sở hạ tầng, thu hút các dự án đầu tư theo tiêu chí quy định và chi phí để doanh nghiệp nâng cao công nghệ.
Bên cạnh đó có một số rào cản về cơ chế chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đạt chứng nhận doanh nghiệp sinh thái, những quy định về môi trường trong việc tái sử dụng đất, tái sử dụng chất thải. Vị lãnh đạo TP.HCM nhấn mạnh trong thời gian tới Chính phủ cần có văn bản quy định chặt chẽ, rõ ràng và mang tính đặc thù hơn liên quan đến những vấn đề này.
Các cơ chế ưu đãi về tài chính là cần thiết để khuyến khích doanh nghiệp tham gia và phát triển mô hình KCN sinh thái. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Thực tế, ngày 22/5 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 35 tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ để phát triển các KCN, khu kinh tế trong thời gian tới, trong đó có định hướng và quy định rõ ràng cho mô hình KCN sinh thái.
Để tạo điều kiện phát triển mô hình này một cách hiệu quả hơn, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá cần có thêm các hướng dẫn về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của các bộ ngành và hướng dẫn về kỹ thuật từ các chuyên gia trong nước, quốc tế, đặc biệt đối với các mạng lưới cộng sinh công nghiệp và giải pháp kinh tế tuần hoàn.
Đồng thời, việc bổ sung chính sách ưu đãi về tài chính cho các khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái như miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, ưu tiên vay vốn tín dụng... là cần thiết để khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện việc chuyển đổi và xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái.
Đến nay, cả nước có 403 khu công nghiệp đang hoạt động. Theo báo cáo tổng kết 30 năm phát triển KCN, KKT của Bộ KHĐT đã được Chính phủ đồng ý, đến năm 2030 sẽ có 40-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng KCN sinh thái mới từ bước lập quy hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư.