Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết đơn vị này vừa có văn bản yêu cầu Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ phải dừng thu phí nếu không chấp hành việc sao lưu dữ liệu thu phí trước ngày 10/6.
"Ngày 10/6, chúng tôi sẽ kiểm tra lần chót, nếu doanh nghiệp vẫn chưa chấp hành sẽ buộc dừng thu phí", ông Huyện nói.
Trước khi ra quyết định này, Tổng cục Đường bộ đã nhiều lần đề nghị doanh nghiệp chấp hành nghiêm việc sao lưu dữ liệu để đảm bảo minh bạch trong thu phí. Ngày 28/11/2018, đoàn công tác của Tổng cục đã kiểm tra và kết luận công ty này vẫn chưa thực hiện nghiêm công tác sao lưu dữ liệu.
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ nằm ở cửa ngõ thủ đô nên có lưu lượng phương tiện rất lớn, đồng nghĩa với nguồn thu khổng lồ cho doanh nghiệp BOT. Ảnh: Ngọc Tân. |
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là tuyến đường cửa ngõ từ thủ đô Hà Nội đi các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình... Lưu lượng xe luôn ở mức cao, đặc biệt trong những dịp lễ tết. Bình quân trên tuyến có 50.000 xe qua trong một ngày đêm thì trong những ngày tết tăng lên hơn 100.000 xe.
Cũng vì lưu lượng xe lớn nên doanh nghiệp thường bị các cổ đông nghi ngờ về số liệu báo cáo doanh thu. Vào tháng 7/2016, Tổng cục Đường bộ đã lập đoàn kiểm tra, giám sát việc thu phí tại trạm này trong 10 ngày và kết luận số thu thực tế vé lượt bình quân 1,7 tỷ đồng/ngày, trong khi số liệu được báo cáo trước đó là 1,2 tỷ đồng/ngày.
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 29 km, điểm đầu tại nút giao Pháp Vân, Hoàng Liệt (Hoàng Mai) giao cắt với đường vành đai 3; điểm cuối là Cầu Giẽ (Phú Xuyên) nối tiếp với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Dự án Đầu tư nâng cấp cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ có tổng mức đầu tư 6.731 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1, mức đầu tư là 1.973 tỷ đồng để nâng cấp lên 4 làn xe, giai đoạn 2, mức đầu tư 4.757 tỷ đồng để mở rộng cao tốc thành 6 làn xe. Thời gian thu phí hoàn vốn là 17 năm 2 tháng.