Tại buổi tiếp nhận trang thiết bị y tế này do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trao tặng sáng 20/8, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong đợt dịch thứ 4, với số lượng người nhiễm ở TP.HCM tăng nhanh trong thời gian ngắn, ngành y tế đã hết sức nỗ lực trong điều trị bệnh nhân nặng, kiểm soát và giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong.
Trong điều trị người mắc Covid-19, Bộ Y tế đã hướng dẫn phân 3 tầng điều trị. Riêng tại TP.HCM, Bộ Y tế đang tập trung mở rộng, thành lập các trạm y tế lưu động để quản lý, điều trị người bệnh, người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng. Chiều nay, TP.HCM sẽ khai trương một số trạm y tế lưu động.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng tập trung mở rộng số giường bệnh ở tầng 2 để người bệnh Covid-19 nào cũng được tiếp cận giường bệnh. Hiện, các cơ sở y tế thuộc tầng 2 được các bệnh viện của TP.HCM đảm nhiệm, nỗ lực.
Bộ trưởng Y tế cho biết nhu cầu máy thở ở TP.HCM đang rất cao. Ảnh: Duy Hiệu. |
Ở tầng điều trị cao nhất (tầng 3) ở TP.HCM, Bộ Y tế thành lập 5 trung tâm hồi sức tích cực do các bệnh viện hạng Đặc biệt của Bộ Y tế đảm nhiệm với số lượng giường bệnh rất lớn. Trong đó, Bệnh viện Bạch Mai đảm nhiệm 1.100 giường hồi sức tích cực, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Trung ương Huế mỗi đơn vị đảm nhiệm 500 giường, Bệnh viện Chợ Rẫy đảm nhiệm 1.000 hồi sức hiện đã lấp đầy chỗ.
Trong đợt dịch này, sự lưu hành của biến thể Delta làm gia tăng số ca bệnh diễn biến nặng. Việc hồi sức tích cực với bệnh nhân rất quan trọng do thiếu máy thở. Bộ Y tế đã phối hợp Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng nỗ lực đàm phán, trao đổi các nước để có máy thở chức năng cao phục vụ điều trị ở tầng cao nhất nhưng nhu cầu vẫn rất lớn.
“200 máy thở chức năng cao và 3.000 bộ dây thở do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hỗ trợ hôm nay rất kịp thời, quý báu. Tất cả các trang thiết bị này sẽ được chuyển vào TP.HCM để phục vụ các Trung tâm hồi sức tại thành phố này”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.