Trao đổi với Zing, các chuyên gia cho rằng dù phiên tòa ở Thượng viện không thể kết tội ông Trump, sự kiện này vẫn có ảnh hưởng lớn, khi hé lộ chi tiết những gì xảy ra trong vụ bạo loạn ngày 6/1 ở trụ sở Quốc hội Mỹ.
Giáo sư Melissa Miller, từ khoa chính trị tại Đại học Bowling Green ở Ohio, cho rằng những hình ảnh mới được công bố tại phiên xử, được camera an ninh ghi lại vào ngày 6/1 tại Điện Capitol, cho thấy “các nghị sĩ gặp nguy hiểm hơn nhiều so với người ta vẫn tưởng”.
Giáo sư Melissa Miller, khoa chính trị, Đại học Bowling Green ở Ohio. Ảnh: Đại học Bowling Green. |
“Những người nổi loạn tiến rất sát tới các nghị sĩ. Nhiều người có vũ khí và nói rõ rằng họ muốn tấn công thành viên quốc hội”, bà Miller nói với Zing.
Bà chỉ ra rằng vào ngày cuối phiên xử, Thượng viện chấp nhận thêm bằng chứng, là một tuyên bố của một nghị sĩ Cộng hòa, kể lại một cuộc gọi giữa ông Trump và lãnh đạo phe Cộng hòa trong Thượng viện Kevin McCarthy.
Ông McCarthy đề nghị ông Trump cử Vệ binh Quốc gia và yêu cầu đám đông bạo loạn ra về, nhưng ông Trump thể hiện rằng mình đứng về phía những người nổi loạn.
“Đây là thông tin mới mà trước phiên xử chưa được biết đến rộng rãi”, giáo sư Miller nhận xét. “Nó là thông tin quan trọng để các nhà sử học tìm hiểu, vì cho thấy ‘trạng thái tâm lý’ của vị cựu tổng thống”.
Ông Trump kêu gọi người ủng hộ kéo tới Điện Capitol trong bài phát biểu vào trưa ngày 6/1. Ảnh: New York Times. |
Phiên xử nhắm đến “tương lai”
Bức tranh toàn cảnh về vụ bạo loạn, được trình bày một cách chi tiết bởi các hạ nghị sĩ Dân chủ đóng vai trò công tố viên trong phiên xử, giờ trở thành “một phần của hồ sơ lịch sử”, bà Miller cho biết. “Uy tín và di sản của Tổng thống Trump vĩnh viễn chịu một vết nhơ”.
Giáo sư Stephen Farnsworth, ngành khoa học chính trị và quan hệ quốc tế, Đại học Mary Washington, nói với Zing rằng phía công tố muốn trình bày các cáo buộc không chỉ nhắm tới Thượng viện, mà còn là hai đối tượng rộng hơn: Dư luận Mỹ và “tương lai”.
Ken Gormley, hiệu trưởng của Đại học Duquesne (Pittsburgh, Pennsylvania), tác giả một số cuốn sách về luận tội, cũng đồng ý. “Đảng Dân chủ và bên công tố đang nhắm tới đối tượng khác hẳn so với các phiên xử luận tội trước đây”, ông nói với New York Times.
Từ nay, “đoạn đầu tiên của mọi tư liệu lịch sử về nhiệm kỳ Trump” nhiều khả năng sẽ nhắc tới việc ông bị luận tội lần hai, sau khi phủ nhận kết quả bầu cử hợp pháp, rồi kích động đám đông xông vào chiếm Điện Capitol - ông Gormley nói.
Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski của bang Alaska, một trong những người của đảng Cộng hòa bỏ phiếu kết án ông Trump, cho rằng sau những hình ảnh mà nước Mỹ thấy được trong phiên xét xử, khả năng ông Trump tranh cử năm 2024 ngày càng hẹp.
“Thành thật mà nói, sau khi công chúng Mỹ thấy được toàn bộ câu chuyện được trình bày ở đây - không chỉ từng mẩu nhỏ, mà là toàn cảnh - tôi không tưởng tượng được bằng cách nào mà ông Donald Trump có thể tái đắc cử tổng thống”, bà Murkowski nói với các phóng viên tại phiên xử.
Lính Vệ binh vẫn ở quanh Điện Capitol từ sau vụ bạo loạn chết người ngày 6/1. Ảnh: New York Times. |
Phiên xử tổng hợp được những lời kể và bức tranh chi tiết nhất cho tới nay về vụ bạo loạn ngày 6/1. Nổi bật là sự hung bạo khi đám đông cố vượt qua cảnh sát.
81 cảnh sát Điện Capitol và 65 cảnh sát Washington, D.C. bị thương, chưa kể một cảnh sát bị thiệt mạng hôm đó, và hai người khác tự tử. Nhiều người nói cảnh tượng hôm đó còn tệ hơn chiến tranh Iraq.
“Thay vì để sự phẫn nộ bị quên đi, phía công tố (phe Dân chủ) đã tìm được cách để ông Trump phải chịu hậu quả vì hành động của mình, ngay cả khi kết quả chính thức vẫn là trắng án”, theo New York Times.
Nhân viên đang sửa chữa bên trong Điện Capitol ngay trước phiên xử luận tội. Ảnh: New York Times. |
Vụ bạo loạn sẽ “chiếm trang nhất” nhiều tháng tới
Ngoài việc tác động vĩnh viễn tới hình ảnh của ông Trump, phiên xử cũng để lại những câu hỏi lâu dài, sẽ còn tiếp tục được giới chức điều tra, được các nhà sử học hoặc luật học bàn luận.
Dù hé lộ nhiều chi tiết rùng rợn về ngày 6/1, vẫn còn nhiều câu hỏi quan trọng chưa được trả lời, như các nhóm bạo loạn do ai lãnh đạo, tài chính từ đâu, phối hợp với nhau hay với các tổ chức cực đoan, ở mức độ nào.
Vì sao an ninh lại thất bại dù có đầy đủ cảnh báo cũng là một câu hỏi quan trọng. Ngày 23/2, 3 cựu lãnh đạo Cảnh sát Quốc hội phải ra điều trần trước 2 ủy ban của Thượng viện để giải trình về những lỗ hổng an ninh trong ngày 6/1.
Quan trọng nhất là Tổng thống Trump đã làm gì trong những giờ mà Điện Capitol bị xâm chiếm, đập phá.
Những cố vấn của ông Trump, trao đổi riêng với báo chí, cho biết cựu tổng thống ban đầu cảm thấy “hài lòng”, thay vì bất bình, với việc người ủng hộ mình gây gián đoạn phiên bỏ phiếu xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden.
Các hạ nghị sĩ đảng Dân chủ, đóng vai trò bên công tố trong phiên xử ở Thượng viện, đang thảo luận trong ngày cuối của phiên xử tại Điện Capitol. Ảnh: New York Times. |
Điều khiến nhiều thượng nghị sĩ bất bình là hành động của ông Trump sau đó. Bất chấp sự khẩn cầu từ Hạ nghị sĩ McCarthy, các nghị sĩ thân cận khác, các cố vấn, và cả con gái Ivanka, ông Trump vẫn không hành động để giải cứu cựu Phó tổng thống Mike Pence và các nghị sĩ, mà chỉ chú ý tìm cách lật ngược kết quả, theo New York Times.
Ông Trump cũng không hỏi thăm ông Pence sau vụ việc.
Vệ binh Quốc gia, trong tuyên bố sau đó để nói về việc tới giải cứu Điện Capitol, ghi rõ rằng ông Mike Pence là người ra lệnh điều quân chi viện, và không nhắc gì tới Tổng thống Trump.
“Đội ngũ của ông Trump biện hộ rằng tổng thống đã hành động đúng đắn, nhưng họ không công bố thông tin mới nào về những gì xảy ra bên trong Nhà Trắng trước và trong khi vụ bạo loạn diễn ra - ngoài những gì đã được công bố”, giáo sư Farnsworth nói với Zing.
Giáo sư Stephen Farnsworth, ngành khoa học chính trị và quan hệ quốc tế, Đại học Mary Washington. Ảnh: UMW. |
“Nếu các luật sư của ông Trump có thông tin ‘trong cuộc’, có giá trị mà để cải thiện hình ảnh của ông Trump, họ đã công bố ngay rồi”, ông Farnsworth nhận xét thêm.
Việc Thượng viện tuyên trắng án chưa hẳn sẽ là dấu chấm hết trong quá trình hiểu rõ vai trò của ông Trump trong vụ việc ngày 6/1. Bởi Bộ Tư pháp Mỹ vẫn đang điều tra nhiều người tham gia bạo loạn.
Tuy các cuộc điều tra này sẽ không tập trung vào ông Trump, số lượng bằng chứng khổng lồ thu thập được vẫn sẽ vẽ nên bức tranh rõ nét hơn về ngày 6/1, có thể khắc họa thêm vai trò của ông Trump.
Chẳng hạn, những người tham gia bạo loạn đang cung cấp lời khai cụ thể hơn về việc họ hưởng ứng lời ông Trump như thế nào, tin vào các tweet sai sự thật về bầu cử của ông ra sao. Nhiều nghi phạm đã trực tiếp đổ lỗi cho ông Trump về việc mình tham gia bạo loạn.
“Cuộc điều tra diện rộng sẽ tiếp tục, có thể vài tháng, thậm chí vài năm, và các bằng chứng mới hiện ra sẽ luôn khiến công chúng Mỹ nghĩ về vụ bạo loạn, khiến hình ảnh của ông Trump ngày càng bị tổn hại, phá hỏng các dự định của ông hậu nhiệm kỳ”, New York Times bình luận.
Dù thất bại trong cuộc bầu cử tháng 11/2020, ông Trump vẫn là thế lực lớn trong đảng Cộng hòa, buộc các thượng nghị sĩ phải bỏ phiếu ủng hộ ông. Ảnh: New York Times. |
Phép thử giữa công lý và chính trị
Đảng Dân chủ lập luận rằng nếu ông Trump không bị kết án lần này, thì sẽ không có vụ việc nào phù hợp với khái niệm “vi phạm đáng bị luận tội” (impeachable offense) như hiến pháp đề ra.
Tổng thống tương lai có thể sẵn sàng lạm quyền hơn khi biết rằng khó có khả năng vừa bị luận tội ở Hạ viện, vừa bị kết án ở Thượng viện, theo giáo sư Miller.
“Một điều có thể thấy rõ là những người sáng lập nước Mỹ đặt tiêu chuẩn cho việc kết án cực kỳ cao”, phải có 2/3 số phiếu ở Thượng viện, giáo sư Miller bình luận.
Theo bà, Hiến pháp Mỹ được soạn thảo từ trước khi có các đảng chính trị ở Mỹ. Những người sáng lập chưa lường trước môi trường chính trị quá phân cực như hiện nay, khiến một đảng phải có “siêu đa số” mới có thể kết án một tổng thống.
Các lớp học về Hiến pháp và chính trị Mỹ có thể sẽ còn bàn luận lâu dài về tính chính trị trong cơ chế luận tội - vốn nhằm kiềm chế tổng thống lạm quyền.
“Phía công tố đã trình bày một cách thuyết phục về việc tổng thống kích động bạo loạn. Nếu đây là một vụ án hình sự, bên bị đơn phải tìm kiếm một thỏa thuận nhận tội từ lâu rồi”, giáo sư Farnsworth bình luận.
“Nhưng luận tội là một cơ chế đầy tính chính trị, có nghĩa nhiều thượng nghị sĩ ít chú ý tới sự thuyết phục của cáo buộc, mà chỉ muốn thể hiện sự trung thành đảng phái”, ông nói.
Ông Farnsworth nhắc lại rằng các chính trị gia luôn có động lực muốn tái đắc cử trong ngắn hạn, và các nghị sĩ Cộng hòa thừa hiểu rủi ro của việc có lập trường riêng, độc lập với quan điểm của cử tri Cộng hòa vốn vẫn đồng loạt ủng hộ ông Trump.
Nhưng giáo sư Farnsworth lưu ý các rắc rối pháp lý của ông Trump chưa chấm dứt, khi cựu tổng thống đối mặt với hàng loạt cuộc điều tra về cách thức kinh doanh, hoạt động chính trị.
“Các tòa án không mang tính đảng phái, và sẽ dựa vào bằng chứng hơn nhiều hơn (so với phiên xử luận tội)”.