Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tiền vệ Tuấn Anh và kỷ niệm ghi 24 bàn trong một trận đấu

Ở bất cứ cấp độ và đội bóng nào từng thi đấu, tiền vệ mang áo số 8 của U19 Việt Nam cũng để lại những ấn tượng rất đặc biệt.

Trường tiểu học xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, nơi Tuấn Anh từng học và thi đấu ấn tượng từ các giải cấp xã.
Trường tiểu học xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, nơi Tuấn Anh từng học cấp 1 và thi đấu ấn tượng ở các giải cấp xã.

Không phải đến thời điểm này, khi Tuấn Anh được chính các HLV của U19 Nhật Bản, U19 Trung Quốc khen ngợi, được các nhà môi giới quốc tế quan tâm, anh mới là một ngôi sao. Hơn 10 năm trước, quãng chỉ 9-10 tuổi, cậu học trò của trường tiểu học xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đã là người hùng trong mắt thầy cô và bè bạn.

Cô Dương Thị Liên, nguyên hiệu trưởng trường tiểu học An Quý nhớ lại những ngày tháng đó: “Khi tôi mới về làm việc tại trường tiểu học An Quý, thành tích của trường rất tệ, xếp thứ 39/40 trong phong trào thi đua của các trường tiểu học huyện Quỳnh Phụ. Lúc đó, tôi đã trăn trở rất nhiều. Nếu muốn vươn lên bằng phong trào học tập cũng phải mất 2-3 năm nên tôi quyết định phải đẩy mạnh thêm cả phong trào thể thao để nhanh chóng cải thiện thành tích thi đua”.

Cô hiệu trưởng cũ Dương Thị Liên của Tuấn Anh.
Cô hiệu trưởng cũ Dương Thị Liên của Tuấn Anh.

Từ ý tưởng đó của cô hiệu trưởng, đội bóng của trường tiểu học An Quý ra đời. Ít người biết rằng người thầy đầu tiên dạy Tuấn Anh đá bóng lại là một kế toán.

Cô Dương Thị Liên tiếp mạch tâm sự: “Lúc đó cả trường chỉ có một mình anh Lưu Hồng Lĩnh là con trai. Chuyên môn chính của anh Lĩnh là kế toán nhưng anh cũng rất hâm mộ thể thao nên không ngần ngại nhận lời dẫn dắt đội bóng”.

Thời gian đầu, đội bóng trường tiểu học An Quý của Tuấn Anh đi thi đấu ở đâu cũng bị chế giễu là “Bọn thủng quần” vì lần nào cũng thua tơi tả. Điều đó khiến cô Liên và thầy Lĩnh buộc phải thay đổi cách làm.

Một trong những thay đổi đó là chọn ra những em biết đá bóng chứ không chỉ căn cứ vào mức độ cao lớn của họ. Tuấn Anh lúc đầu không được chọn chỉ vì hình thể quá mỏng và cố lắm cũng chỉ đứng đến mang tai các bạn. Nhưng chỉ sau vài lần nhìn Tuấn Anh đá bóng, cả cô Liên lẫn thầy Lĩnh bắt đầu nhận ra những kỹ năng rất đặc biệt và tư duy sáng tạo của cậu học trò.

Sân bóng đơn sơ đầu làng với khung thành được làm bằng mấy cây tre. Đây chính là nơi đầu tiên đã chắp cánh cho ước mơ sân cỏ của chàng tiền vệ tài hoa.
Sân bóng đơn sơ gần trường với khung thành được làm bằng mấy cây tre là nơi đầu tiên đã chắp cánh cho ước mơ sân cỏ của chàng tiền vệ tài hoa.

Từ chỗ không được đánh giá cao, Tuấn Anh bắt đầu được trao cơ hội nhiều hơn. Không phụ lòng tin tưởng, cậu học trò mảnh khảnh cứ ghi hết bàn này đến bàn khác tương ứng là những chiến thắng dành cho đội bóng của trường tiểu học xã An Quý.

Có một kỷ niệm về Tuấn Anh mà cô Dương Thị Liên vẫn nhớ đến tận bây giờ. Dạo đó, đội bóng của trường tiểu học An Quý đang xếp thứ hai ở cấp cụm do thua đội đầu bảng hiệu số bàn thắng nhưng đá ít hơn 1 trận. Muốn vào được vòng thi đấu cấp huyện, đội An Quý phải ghi được 20 bàn trong trận đấu cuối cùng.

Nhiệm vụ đặt ra quá khó khăn nhưng cả cô Dương Thị Liên và thầy Lê Hồng Lĩnh đều không muốn đặt nặng sức ép lên Tuấn Anh cùng đồng đội, chỉ bảo các con cố được đến đâu thì cố. Tuấn Anh từ nhỏ đã không thích nói nhiều một phần bởi dị tật ở môi nên chỉ nói mỗi câu: “Vâng ạ”.

Cậu bé mảnh khảnh vào sân và ngay từ lần chạm bóng đầu tiên đã tạo ra sự khác biệt. Một bàn, 2 bàn rồi 3 bàn…, bóng cứ như dính vào chân Tuấn Anh và cậu bé thoải mái phô diễn các kỹ năng khiến tất cả đều cảm thấy sửng sốt.

Tuấn Anh từ nhỏ đã bộc lộ năng khiếu chơi bóng thiên bẩm.
Tuấn Anh từ nhỏ đã bộc lộ năng khiếu chơi bóng thiên bẩm.

Con số 24 bàn thắng mà Tuấn Anh ghi được trong trận đấu đó giúp đội An Quý giành ngôi đầu bảng được đích thân cô Dương Thị Liên khẳng định chắc nịch. Cô hiệu trưởng cũ của Tuấn Anh còn cho biết thêm bóng thi đấu là loại bóng da cỡ nhỏ và đá trên sân cỏ chứ không phải bóng nhựa đá trên sân xi măng như hình dung quen thuộc về các giải nhi đồng ở cấp trường.

Tuấn Anh đương nhiên được ghi công đầu trong thành tích về thể thao của trường An Quý năm đó. Cô Dương Thị Liên hồ hởi nhắc lại: “Nhờ có thành tích thể thao mấy năm liền nằm trong tốp đầu của huyện nên có dạo An Quý từ chỗ xếp hạng 39/40 đã vươn lên thứ 8, thứ 9”.

Tên tuổi của Tuấn Anh cũng bắt đầu nổi lên, tiền vệ sinh năm 1995 lần lượt sắm vai người hùng từ cấp xã đến cấp huyện rồi toàn tỉnh Thái Bình ở các giải nhi đồng. Năm 2007, khi Học viện HAGL Arsenal JMG tuyển chọn cầu thủ ở vùng quê lúa, Tuấn Anh là thí sinh xuất sắc nhất trong số 164 cậu bé dự tuyển.

Trường tiểu học xã An Quý đã có nhiều thay đổi. Cô Dương Thị Liên giờ đã chuyển sang làm hiệu trưởng ở trường tiểu học xã An Vinh, người thầy đầu tiên dạy Tuấn Anh chơi bóng Lưu Hồng Lĩnh cũng chuyển công tác khác, có những thầy cô mới đến chỉ nghe kể về Tuấn Anh, nhưng tất cả đều dành cho anh sự khâm phục.

Tiền vệ của U19 Việt Nam là niềm tự hào lớn của quê hương.
Tiền vệ U19 Việt Nam là niềm tự hào lớn của quê hương.

“Tài năng là thiên bẩm kết hợp với khổ luyện. Có chứng kiến Tuấn Anh ngày ấy chơi bóng và hiểu tính cách hiền lành, ngoan ngoãn của cháu mới thấy thành công ngày hôm nay là lẽ đương nhiên thôi”, cô Dương Thị Liên chia sẻ về cậu học trò cũ của mình.

Tuấn Anh: Cậu bé mít ướt thành người hùng U19 VN

Tuấn Anh khi vẫn chơi ở các giải thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thái Bình và Tuấn Anh khi thi đấu cho U19 Việt Nam là một sự khác biệt, nhưng không hẳn chỉ ở kỹ năng chơi bóng.

Hoàng Minh

Bạn có thể quan tâm