Cho đến nay, nhà vô địch Olympic Rio 2016 Hoàng Xuân Vinh đã nhận được (trên lý thuyết) khoảng hơn 3 tỷ đồng tiền thưởng, bao gồm cả mức quy định của Nhà nước lẫn những khoản thưởng nóng và treo giải từ các Mạnh Thường quân.
“Tất nhiên, Xuân Vinh xứng đáng với mức đãi ngộ đó, và con số 3 tỷ chắc chắn không phải là cuối cùng, vì đó là sự tưởng thưởng cho thành tích chưa từng có mà anh giành được”, ông Hồng Minh nhận xét.
Theo ông, với sự kiên trì, bền bỉ, nỗ lực, hy sinh cho một môn thi đấu vừa thiếu thốn cơ sở vật chất, vừa thiếu thốn tình cảm gia đình, lại vừa ảnh hưởng trực tiếp đến thể lực, tuổi thọ, Xuân Vinh dù có được tri ân gấp ba lần 3 tỷ (9 tỷ đồng) thì cũng không có gì cần bàn cãi.
Mức thưởng cho Hoàng Xuân Vinh có thể thua kém nhiều quốc gia khác, nhưng đã là rất giá trị so với mặt bằng thu nhập của người Việt Nam. |
Ông cũng cho rằng so sánh với những quốc gia giàu mạnh và đầu tư một cách mạnh mẽ cho thể thao thì rất khó, nhưng xét ở mặt bằng thu nhập của người Việt thì phần thưởng và sự tôn vinh xạ thủ Quân đội là rất giá trị.
Tuy nhiên, điều làm ông Minh trăn trở là tương lai của thể thao Việt Nam đâu chỉ dừng lại ở việc Xuân Vinh từ Rio trở về ra sao, nhận mức đãi ngộ thế nào… Lật đi lật lại, vẫn là chủ đề: Việt Nam đã đầu tư những gì để hái quả?
Như lập luận của ông Nguyễn Hồng Minh, không có bất kỳ ai trong ngành TTVN dám tin, hoặc dám đặt chỉ tiêu vàng Olympic trước ngày lên đường. Người lạc quan lắm cũng chỉ dám nghĩ đến một tấm huy chương màu đồng (hoặc bạc đã là kỳ tích) của Thạch Kim Tuấn hay Vương Thị Huyền (cử tạ).
Vì thế, thành công của Xuân Vinh là một bất ngờ động trời, ngoài mong đợi. Nó không nằm trong hoạch định của TTVN.
Xuân Vinh cũng chỉ như 48 VĐV được đầu tư trọng điểm đến Olympic, không có chế độ đặc biệt như Ánh Viên. Với “tiền sử” thất bại nhiều hơn thành công, Xuân Vinh thậm chí còn không “bị” giao trọng trách huy chương, dù anh hoàn toàn có khả năng.
Ông Hồng Minh kể: “Gần một năm trước khi đi Olympic, Xuân Vinh cũng băn khoăn lắm vì anh được đề nghị thôi VĐV để về làm Phó đoàn, Phó Giám đốc trung tâm phụ trách môn bắn súng Quân đội. Nhưng nhiều anh chị em, trong đó có HLV Nguyễn Thị Nhung khuyên anh cứ phấn đấu nốt giải này, coi như canh bạc cuối”.
Theo những tính toán của Xuân Vinh, rất có thể anh sẽ “gác súng” khi đã chạm đến đỉnh cao. Vậy tiếp sau xạ thủ mắt cận này, ai sẽ là niềm hy vọng mới?
Như phân tích của cựu Trưởng đoàn TTVN, nếu chúng ta thực sự nghiêm túc và muốn phấn đấu cho những đấu trường như Olympic hay ASIAD, thì HCV lịch sử của Xuân Vinh có thể là một “cú hích” đóng vai trò quyết định. Từ Xuân Vinh, người ta buộc phải nhìn lại câu chuyện muôn năm cũ của bắn súng (và cũng là của đại đa số các môn thể thao thành tích cao khác): lạc hậu, cũ kỹ, nghèo nàn và tạm bợ.
“Điều tôi muốn nói không phải là sẽ tặng thưởng cho Xuân Vinh huân chương gì, quân hàm nào, tiền bao nhiêu… Nhà nước và nhân dân hoàn toàn ủng hộ Xuân Vinh, coi đó là niềm tự hào vô giá. Như thế là cực kỳ đáng quý, nhưng làm thế nào để có thêm những Xuân Vinh mới, những huy chương Olympic hay thế giới mới, để có thêm những người sẽ được thưởng như thế trong tương lai, thì ngành thể thao phải chuẩn bị từ bây giờ” – ông Minh dốc bầu tâm huyết.
Là người đấu tranh đến cùng cho quan điểm đầu tư trọng điểm để “tấn công vào Olympic”, ông Hồng Minh khẳng định: đầu tư có thể thành công, có thể thất bại, nhưng nếu không đầu tư thì sẽ không có gì.
Với thành tích đặc biệt tại Rio 2016, Hoàng Xuân Vinh sẽ nhận được 160 triệu tiền thưởng cho một HCV Olympic, 60 triệu tiền thưởng lập kỷ lục Olympic, 60 triệu đồng do Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thưởng nóng, 3 tỷ đồng do các Mạnh Thường Quân treo giải… và con số này sẽ chưa dừng lại.
Năm 2000 và 2008, Trần Hiếu Ngân và Hoàng Anh Tuấn giành HCB Olympic cũng chỉ được thưởng tổng cộng khoảng 300 triệu đồng.