Trao đổi với Tri Thức - Znews, một tiến sĩ của Đại học Sussex (Vương Quốc Anh) cho rằng hình ảnh tấm bằng do NSND Bạch Tuyết cung cấp không phải chứng nhận Tiến sĩ (PhD) tiêu chuẩn.
Vị tiến sĩ nói đó có thể là một chứng nhận Tiến sĩ danh dự nhưng ông cũng không chắc liệu có một định dạng tiêu chuẩn nào cho loại chứng nhận này hay không vì chưa từng thấy một chứng nhận tương tự.
NSND Bạch Tuyết. |
Theo tiến sĩ này, Học viện Kịch nghệ Hoàng gia (RADA), không bao giờ cấp bằng Tiến sĩ (PhD), ngay cả ở thời điểm hiện tại hay vào năm 1995.
Ông chia sẻ rằng Học viện Kịch nghệ Hoàng gia có thể có các thành viên danh dự. Nhưng vị tiến sĩ không chắc chắn rằng họ trao bằng Tiến sĩ danh dự. Vì vậy, toàn bộ sự việc này khá kỳ lạ.
Trước đó, trên mạng xã hội, chủ đề về bằng cấp của NSND Bạch Tuyết thu hút sự quan tâm của công chúng. Nhiều người đặt nghi vấn bằng tiến sĩ của bà là giả. Ngoài ra, khi tra cứu tên của nữ nghệ sĩ trong danh sách cựu sinh viên của RADA (Học viện Kịch nghệ Hoàng gia - PV) thì không thấy.
Đến ngày 28/11, phía NSND Bạch Tuyết cung cấp các hình ảnh về bằng tiến sĩ và giấy tờ chứng nhận kèm theo.
Phóng viên Tri thức - Znews đã gửi câu hỏi cho Học viện Kịch nghệ Hoàng gia (RADA) của Vương quốc Anh và đang chờ phản hồi về vụ việc.
Hình ảnh về bằng tiến sĩ và các giấy chứng nhận do phía NSND Bạch Tuyết cung cấp. |
NSND Bạch Tuyết được mệnh danh là "cải lương chi bảo". Bà là một trong những tên tuổi thuộc thế hệ vàng của cải lương miền Nam cùng với NSƯT Thanh Nga, NSND Ngọc Giàu, Út Bạch Lan, Thanh Tòng...
Tên tuổi của bà gắn liền với nhiều tác phẩm cải lương kinh điển như Tần nương thất, Trăng thề vườn thúy, Đời cô Lựu, Nửa đời hương phấn..
Vào tháng 1, Forbes lựa chọn nghệ sĩ Bạch Tuyết vào top 50 người phụ nữ trên 50 tuổi (50 Over 50) có tầm ảnh hưởng lớn nhất châu Á.
Sách tham khảo: Cải lương Sài Gòn 1955-1975, một công trình biên khảo được những người làm sân khấu tâm tư và nỗ lực thực hiện trong suốt 4 năm qua. Nội dung sách biên khảo được tiếp cận từ góc độ khoa học liên ngành lịch sử, nghệ thuật sân khấu, lý luận văn học, văn hóa học… với cách thao tác căn cứ vào tài liệu được người đương thời ghi lại; những bài viết tham luận từ các cuộc tọa đàm, hội thảo; các phát biểu ghi âm từ các tác giả, soạn giả, đạo diễn, nghệ sĩ, nhà báo, nhà lý luận phê bình và các nhà quản lý - có vốn sống, vốn nghề, nhiều kinh nghiệm, trong sáng tác, kể chuyện, trong biểu diễn và ca hát.