Danh sách triệu tập của Liên đoàn Cầu lông Việt Nam có 7 tay vợt nam (Nguyễn Tiến Minh, Phạm Cao Cường, Phạm Hồng Nam, Đỗ Tuấn Đức, Đào Mạnh Thắng, Dương Bảo Đức và Lê Hà Anh) và 6 tay vợt nữ (Vũ Thị Trang, Nguyễn Thị Sen, Nguyễn Thùy Linh, Thái Thị Hồng Gấm, Phạm Như Thảo và Đinh Thị Phương Hồng).
Đây là lực lượng tốt nhất mà cầu lông Việt Nam hiện có, kết hợp giữa kinh nghiệm và sức trẻ. Bản danh sách không có điều gì phàn nàn, nhưng điều đáng nói là các tay vợt Phạm Hồng Nam, Lê Hà Anh, Đỗ Tuấn Đức, Phạm Như Thảo và Đào Mạnh Thắng tập tại Trung tâm đào tạo VĐV cấp cao Hà Nội, trong khi số còn lại đóng quân ở Nhà thi đấu Phú Thọ, TP HCM.
Nguyễn Tiến Minh tập trung cho SEA Games không khác mấy so với bình thường khi vẫn ở địa điểm cũ, với những VĐV quen thuộc. Ảnh: Nguyễn Đăng. |
Cầu lông Việt Nam không mạnh nhưng thường không tập hợp tại một địa điểm để chuẩn bị cho SEA Games. Chuyện “quân anh, quân tôi” khiến các VĐV Hà Nội không vào TP HCM tập trung và ngược lại. “Chẳng ở đâu như Việt Nam, đội tuyển tập trung rải rác vài nơi. Các nước khác bao giờ cũng quy về một mối”, tay vợt kỳ cựu Nguyễn Tiến Minh ngán ngẩm cho biết.
Các thành viên của tuyển Việt Nam vốn không xa lạ gì nhau. Nhưng việc “xé lẻ” ra tập khiến họ khó tạo được sự ăn ý cũng như tính cạnh tranh để nâng cao trình độ. Thành tích tốt nhất mà cầu lông Việt Nam đạt được tại SEA Games là HCĐ. Ngay cả Tiến Minh, người từng đứng hạng 5 thế giới cũng chưa bước lên đỉnh cao ở sân chơi khu vực. Với sự chuẩn bị như hiện tại, tuyển cầu lông Việt Nam khó cải thiện thành tích.
Trong lúc đó, Indonesia lên danh sách từ cuối tháng một với 20 VĐV. Họ đặt mục tiêu đoạt 3 HCV, bằng với kỳ SEA Games 27. Cường quốc cầu lông này không xem Việt Nam là đối thủ chính mà e dè Malaysia và Thái Lan.
Malaysia có một số biến động về lực lượng, trong đó có sự thiếu vắng của tay vợt Lee Chong Wei. Bù lại Liên đoàn cầu lông nước này (BAM) tăng trợ cấp từ 50 đến 100% so với mức cũ, đồng thời đưa huyền thoại cầu lông Đan Mạch Morten Frost về làm giám đốc kỹ thuật. Mới đây, BAM còn đạt được thỏa thuận tài trợ 10 triệu ringgit (gần 60 tỷ đồng) trong một năm (kéo dài đến năm 2020) với hãng sản xuất dụng cụ thể thao Victor (Đài Loan).