Chưa từng giành "vàng" ở những sân chơi tầm cỡ, Nguyễn Tiến Minh vẫn xứng đáng với hai chữ “huyền thoại”.
Tay vợt sinh năm 1983 đã khép lại kỳ Olympic thứ 4 trong sự nghiệp bằng một thất bại trước đối thủ trẻ hơn, khoẻ hơn và nhanh hơn. Nhưng với nhiều khán giả và giới chuyên môn, những gì Tiến Minh làm được đã quá tuyệt vời. Anh là người mà nhiều năm, thậm chí nhiều chục năm nữa, cầu lông Việt Nam mới có thể tìm thấy.
Nguyễn Tiến Minh không thể tạo nên bất ngờ trước Anders Antonsen ở lượt trận đầu bảng L môn cầu lông Olympic Tokyo. Ảnh: Reuters. |
Điều gì tạo nên sự khác biệt của Tiến Minh?
Chúng ta hãy bắt đầu từ câu chuyện “đầu tiên” là tiền đâu. Cũng như bao môn thể thao khác, mức lương hay chính xác hơn là tiền công tập luyện của VĐV cầu lông cũng chỉ chừng hơn 7 triệu đồng/tháng. Con số này chẳng thể nào hấp dẫn được phụ huynh cho con theo tập môn thể thao phải đầu tư nhiều, nhưng đổi lại thì chẳng được bao nhiêu.
Nhưng Nguyễn Tiến Minh lại khác. Anh xuất thân từ một gia đình có điều kiện khá giả ở TP.HCM. Bố anh có niềm đam mê với cầu lông. Nhận thấy con trai có khả năng, ông đồng ý để Tiến Minh “rẽ ngang” ở tuổi 18, quyết tâm trở thành VĐV chuyên nghiệp thay vì chọn một trường đại học.
Nhờ nền tảng vững vàng từ gia đình, Tiến Minh khi bắt đầu cầm vợt và trong giai đoạn lên đến đỉnh cao đều có thể chủ động trong kế hoạch thi đấu và tập luyện. Chuyện anh và gia đình bỏ tiền ra tập luyện và thi đấu tại nước ngoài không phải điều gì đó mới mẻ. Đó là một thuận lợi trong xuất phát điểm của Tiến Minh.
Nhưng điều đặc biệt thứ hai đến từ chính lợi thế này. Tiến Minh không được tập luyện từ bé, tuổi 18 đã là quá muộn cho sự nghiệp của một VĐV đỉnh cao. Cùng với đó, thể hình của tay vợt sinh năm 1983 cũng không phải lợi thế. Bù lại, ý chí kiên cường đáng ngạc nhiên đã trui rèn một Tiến Minh của ngày hôm nay.
Trong một lần giao lưu cùng người hâm mộ, Tiến Minh thẳng thắn: “Thời điểm ở tốp đầu thế giới, điểm mạnh nhất của tôi là sự lì lợm. Tôi có thể phòng thủ nhờ phản xạ với những cú đập của đối thủ. Ngoài ra, tôi kiên trì đánh cho đối thủ đến 'hết pin' thì thôi. Tôi không muốn mình là người vô dụng, cố gắng tập luyện mỗi ngày cũng làm tôi vui”.
Tiến Minh không hề khiêm tốn theo cách xã giao, mà chính xác là anh đang tự hào với chính bản thân mình. Ở tứ kết giải vô địch thế giới 2013, Tiến Minh có pha ghi điểm trước Jan Jorgensen sau 108 lần chạm vợt. Chiến thắng trước Jorgensen cũng đưa Tiến Minh tới bán kết, đồng nghĩa với tấm HCĐ giải thế giới. Anh là tay vợt duy nhất trong lịch sử cầu lông Việt Nam làm được điều đó.
Ở giải Singapore Open năm 2018, khi đã 35 tuổi, Tiến Minh tạo ra một kỷ lục nữa khi chỉ chịu thua Hsu Jen Hao sau 2 set với thời gian 79 phút. Một tình huống đôi công giữa họ có tổng cộng 116 lần chạm cầu.
Thể thao Việt Nam không có nhiều ngôi sao thế giới như Tiến Minh. Ảnh: Minh Chiến. |
Người Việt Nam ở tốp đầu thế giới
Giống Hoàng Xuân Vinh, Tiến Minh là VĐV hiếm hoi của Việt Nam nhiều năm liền ổn định ở tốp đầu thế giới. Nhưng anh không có được một tấm huy chương vàng nào ở các giải đấu như SEA Games, Asians Games hay cả giải vô địch thế giới và Olympic.
Tháng 12/2010, anh chính thức lọt vào top 5 thế giới bằng sự thăng tiến ổn định. Liên tục từ 2010 tới 2014, Tiến Minh duy trì được vị trí trong nhóm 10 tay vợt hàng đầu thế giới. Anh có lần thứ hai trở lại vị trí thứ 5 thế giới vào tháng 8/2013, thành tích có được sau tấm HCĐ giải vô địch thế giới.
Thời điểm Tiến Minh ở đỉnh cao cũng là lúc cầu lông thế giới chứng kiến sức mạnh khó tin từ những Lin Dan (Trung Quốc), Lee Chong Wei (Malaysia) hay Gade (Đan Mạch).
Ra thế giới gặp Lindan, về SEA Games dính Lee Chong Wei, nên Tiến Minh đẳng cấp, tài năng nhưng chẳng thể giành nổi một tấm HCV SEA Games, điều mà rất nhiều VĐV Việt Nam có đẳng cấp không bằng anh đã làm được. Ngay ở Đông Nam Á, vào được chung kết cầu lông SEA Games cũng là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Hồ sơ của Tiến Minh có 4 tấm HCĐ SEA Games, thứ không phản ánh hết năng lực thực sự của anh trước thế giới.
Người hâm mộ Hà Nội phát cuồng vì Tiến Minh ở giải Ciputra 2014, điều mà xưa nay chỉ thấy với các ngôi sao bóng đá. Ảnh: Minh Chiến. |
Thành tích của Tiến Minh đặc biệt ấn tượng vì anh một mình đi trên con đường mà cầu lông Việt Nam chưa từng trải qua. Rất nhiều giải đấu, anh trải nghiệm một mình, không huấn luyện viên, không người hỗ trợ, phải tự mình cố gắng trên sân đồng thời chăm sóc các vấn đề kỹ thuật lẫn hậu cần.
Chẳng ai chia sẻ được với anh về cảm giác trên đỉnh cao thế giới, chẳng HLV, chẳng VĐV Việt Nam nào từng tới gần trình độ của anh. Anh một mình vượt lên trong những điều kiện hạn hẹp của cầu lông Việt Nam, "cô đơn" trước hàng loạt tay vợt sừng sỏ của những cường quốc cầu lông như Trung Quốc, Đan Mạch, Nhật Bản...
Năm ngoái, Tiến Minh giành chức vô địch Việt Nam ở tuổi 37. Chức vô địch quốc gia thứ 16 trong sự nghiệp cũng là bằng chứng cho nỗi cô đơn của anh. Ngày Tiến Minh gác vợt, sau lưng anh sẽ là khoảng trống không thể lấp đầy. Lần đầu tiên anh có được tấm huy chương vàng quốc gia là chiến thắng trước tay vợt kỳ cựu Nguyễn Phú Cường vào năm 2002. 19 năm, Tiến Minh vô địch đến 16 lần, trong đó có chuỗi 11 lần liên tiếp được thiết lập vào năm 2013.
Ngày Tiến Minh đến Tokyo, anh là tay vợt nam cao tuổi nhất Thế vận hội. Trang chính thức của Liên đoàn Cầu lông Thế giới (BWF) đã nhắc đi nhắc lại điều đó. Họ bảo thế giới cầu lông hãy "giơ vợt", một hành động thể hiện sự ngưỡng mộ, với Tiến Minh.
Những người làm thể thao không có thói quen tra cứu hồ sơ VĐV Việt Nam trên các trang thông tin chính thức của thế giới vì hồ sơ thường khá sơ sài. Nhưng với Tiến Minh, hồ sơ của anh ở BWF đầy ắp thông tin, trải dài cả chục năm. Vinh quang cả đời người của Tiến Minh, sự thừa nhận của thế giới dành cho anh đều ở đó.
Với 4 kỳ Olympic, với 16 lần vô địch quốc gia, một tấm huy chương vàng còn thiếu ở các giải đấu lớn khiến sự nghiệp của Tiến Minh chưa được trọn vẹn. Nhưng hai từ “huyền thoại” có lẽ hoàn toàn xứng đáng với anh.