Tiến Minh không thể vượt qua vòng bảng ở kỳ Olympic cuối cùng trong sự nghiệp. Ảnh: Getty Images. |
Cả Tiến Minh lẫn Lin Dan đều đã đánh bại Vladimir Malkov và David Obernosterer trước đó, nên cuộc gặp gỡ giữa họ quyết định ngôi nhất bảng. Ai giành chiến thắng sẽ vào tứ kết. Lin Dan được đánh giá trội hơn hẳn bởi anh toàn thắng trong 6 lần gặp nhau trước đó. Đặc biệt, tay vợt người Trung Quốc không thua set nào ở 4 trận gần đây nhất.
Đẳng cấp vượt trội giúp Lin Dan chiếm ưu thế trong set 1 khi nhanh chóng vươn lên dẫn 9-5. Tay vợt đoạt từng đoạt 2 HCV Olympic áp đảo trong hầu hết các tình huống, không cho Tiến Minh cơ hội để bám đuổi. Kết quả, anh dễ dàng giành chiến thắng 21-7.
Sang set 2, Tiến Minh vẫn không thể thay đổi được cục diện trận đấu, dù bạn gái Vũ Thị Trang đã ra sức động viên, góp ý. Lin Dan nhanh chóng vượt lên dẫn 10-2 khá nhàn nhã. Sau đó, tay vợt người Trung Quốc có một số tình huống đánh cầu ra ngoài, tạo điều kiện cho Tiến Minh rút ngắn cách biệt xuống còn 3 điểm.
Thứ tự tại bảng E sau trận thua của Tiến Minh trước Lin Dan. |
Nhưng ở giai đoạn cuối của set đấu, Lin Dan đã thể hiện đẳng cấp bằng một loạt những pha đập cầu uy lực, khiến cho đối thủ không thể chống đỡ. Thậm chí có tình huống, tay vợt người Trung Quốc vừa thay vợt vừa đánh. Set này, nhà ĐKVĐ thắng 21-12.
Chung cuộc, Lin Dan thắng Tiến Minh 2-0 (21-7, 21-12) sau 40 phút thi đấu. Kết quả này giúp anh dẫn đầu bảng E, giành quyền vào tứ kết. Còn Tiến Minh chia tay Olympic dù có 2 trận thắng.
Ở 2 kỳ Olympic trước, anh cũng đều bị loại sớm. Năm 2008, tay vợt Việt Nam để thua Hsieh Yu-Hsing (Đài Loan, Trung Quốc) 1-2 (16-21, 21-15, 15-21). Sau đó 4 năm, anh rơi vào bảng đấu không quá nặng nhưng thất bại trước Kashyap Parupalli (Ấn Độ) 0-2. Dù có trận thắng Yuhan Tan (Bỉ) nhưng anh vẫn không thể đi tiếp.