Bloomberg đưa tin theo khảo sát MLIV Pulse đối với 404 nhà đầu tư chuyên nghiệp và cá nhân, 2/3 người được hỏi cho biết sẽ tăng nắm giữ tiền mặt trong năm nay.
Sức hấp dẫn của tiền mặt nói lên nhiều điều trong môi trường kinh tế và tài chính bất ổn. Các nhà đầu tư lo ngại về một thị trường chứng khoán suy yếu, những đợt tăng lãi suất tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và rủi ro suy thoái kinh tế.
Nói với Bloomberg, ông Michael Wilson - Giám đốc chiến lược vốn tại Mỹ của Morgan Stanley - cảnh báo rằng chỉ số S&P 500 có thể sụt giảm 20% trong năm nay vì lợi nhuận của doanh nghiệp lao dốc.
Dự đoán của các nhà đầu tư về việc nắm giữ tiền mặt trong năm 2023 | |||
Dữ liệu: Cuộc khảo sát MLIV Pulse với 404 nhà đầu tư | |||
Nhãn | Nhà đầu tư chuyên nghiệp | Nhà đầu tư cá nhân | |
Lãi ròng | % | 65 | 66 |
Kéo tụt hiệu suất đầu tư | 35 | 34 |
Trú ẩn an toàn
Trong bối cảnh đó, tiền mặt trở thành nơi trú ẩn an toàn, nhất là khi lãi suất trái phiếu kho bạc ngắn hạn của Mỹ tăng lên.
"Chúng tôi đang khuyến khích mọi người giữ tiền mặt, rằng điều đó không làm mất đi cơ hội làm giàu của bạn", ông Leo Kelly - Giám đốc điều hành của Verdence Capital Advisors - chia sẻ.
"Các vị vẫn sẽ nhận được một khoản lời tốt, trong khi thị trường đang rất biến động", ông nói thêm.
Chúng tôi đang khuyến khích mọi người giữ tiền mặt, rằng điều đó không làm mất đi cơ hội làm giàu của bạn
Ông Leo Kelly - Giám đốc điều hành của Verdence Capital Advisors
Bước vào phiên giao dịch đầu tuần này, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 116,98 điểm (tương đương 0,35%) lên 33.507,95 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq tăng lần lượt 26,06 điểm (0,65%) và 112,83 (0,97%).
Chứng khoán Mỹ nối dài đà tăng từ tuần trước do các nhà đầu tư lạc quan rằng Fed sẽ không tăng lãi suất lên cao hơn mức dự báo của Phố Wall.
Các thị trường châu Á cũng tăng điểm trong phiên 6/3, dù đà tăng vẫn bị hạn chế bởi mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 thấp hơn dự đoán của Trung Quốc.
Các nhà đầu tư vẫn đang đánh giá những rủi ro có thể giáng xuống nền kinh tế toàn cầu. Một loạt sự kiện kinh tế và dữ liệu sẽ được công bố trong tuần này.
Tại châu Á, các nhà đầu tư đổ dồn sự chú ý vào Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc, khai mạc hôm 5/3, và những thông báo chính sách sẽ được đưa ra.
Các nhà giao dịch cũng chờ đợi báo cáo việc làm phi nông nghiệp của Mỹ. Dựa trên dữ liệu này, giới đầu tư có thể phán đoán bước đi tiếp theo của ngân hàng trung ương.
Loạt sự kiện quan trọng
Ngoài ra, báo cáo chính sách tiền tệ của Chủ tịch Jerome Powell trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ vào ngày 7/3 và Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện hôm 8/3 có thể sẽ hé lộ quan điểm của người đứng đầu ngân hàng trung ương về nền kinh tế và lạm phát.
Mới đây, Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết loạt "dữ liệu nóng" về lạm phát có thể buộc ngân hàng trung ương đẩy lãi suất điều hành vượt mức 5,1-5,4% như dự đoán hồi tháng 12 năm ngoái.
Ông Waller cho biết các dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy một thị trường lao động "mạnh mẽ quá mức", nhu cầu tiêu dùng vẫn cao và áp lực lạm phát còn dai dẳng. Tất cả đặt ra câu hỏi về những gì mà Fed đã đạt được trong cuộc chiến chống lạm phát.
Trong cuộc họp chính sách đầu tiên của năm nay, cơ quan hoạch định chính sách của Fed nhất trí tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất điều hành lên 4,5-4,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007.
Fed buộc phải đánh đổi tăng trưởng kinh tế và thị trường việc làm để kìm hãm lạm phát.
Cuộc khảo sát của MLIV Pulse cho thấy 72% người được hỏi dự đoán lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm sẽ tăng trong tháng tới. Nhưng kịch bản ngược lại có thể xảy ra nếu các dữ liệu kinh tế cho thấy nền kinh tế hàng đầu thế giới và thị trường việc làm của Mỹ đã hạ nhiệt bất ngờ.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.