Từ ngày 1/7 tới sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII).
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp), mức tăng đáng kể so với con số tăng bình quân mỗi năm 7% khi chưa thực hiện cải cách tiền lương.
Lương viên chức giáo dục và y tế tăng cao hơn so với mặt bằng chung
- Sau thời gian lỗi hẹn với cải cách tiền lương, từ ngày 1/7 tới, chính sách tiền lương mới sẽ được thực hiện. Hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang mong đợi thời điểm này. Lương của họ sẽ được tăng như thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Đây chính là một trong những nhiệm vụ lớn nhất của Bộ Nội vụ trong năm 2024. Khi nói đến cải cách tiền lương, điều đầu tiên ai cũng nghĩ đến là sẽ được tăng lương. Đây cũng là điều mà bản thân tôi cũng như hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức trông đợi.
Theo phương án cải cách tiền lương, từ ngày 1/7 tới đây, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp).
Từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 7%/năm.
Mặc dù trong 3 năm qua, chúng ta chưa thực hiện cải cách tiền lương, nhưng đã 2 lần điều chỉnh mức lương cơ sở, tăng 29,5%. Như vậy, tính tổng lại từ năm 2021 (thời điểm dự kiến thực hiện cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW) đến ngày 1/7 tới đây, thì lương của cán bộ, công chức, viên chức cũng tăng bình quân chung khá nhiều, khoảng 60%. Con số này tuy không phải là vượt bậc, nhưng cũng là mức tăng đáng kể so với con số tăng bình quân mỗi năm 7% khi chưa thực hiện cải cách tiền lương.
Điều này thể hiện nỗ lực rất lớn của Chính phủ, cũng như Bộ Nội vụ và các bộ, ngành trong triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 Trung ương khóa XII; nhất là trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn sau tác động của đại dịch Covid-19.
- Xin Bộ trưởng cho biết theo phương án cải cách tiền lương tới đây, lương của cán bộ, công chức, viên chức ở các lĩnh vực có sự thay đổi như thế nào, đặc biệt là với khối giáo dục, y tế đang có rất nhiều ý kiến đề nghị tăng lương cao hơn mặt bằng chung?
- Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Một điểm đáng chú ý khi thực hiện cải cách tiền lương là lương viên chức, nhất là viên chức giáo dục và y tế sẽ cao hơn so với mặt bằng chung của đội ngũ công chức và viên chức khác, bởi vì chúng ta đang thực hiện cải cách chính sách tiền lương gắn với việc thực hiện nghị quyết về phát triển căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, y tế. Nhất là qua đợt dịch Covid-19 vừa rồi cho thấy cần quan tâm nâng cao đời sống của đội ngũ thầy giáo và thầy thuốc nhiều hơn nữa.
Vì vậy, khi cải cách tiền lương, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm điều chỉnh hỗ trợ để đảm bảo tiền lương (bao gồm cả phụ cấp) của giáo viên, bác sĩ được tăng lên tương ứng với yêu cầu và vị trí việc làm của họ, vừa bảo đảm mặt bằng tiền lương chung của cán bộ, công chức, viên chức, vừa thể hiện ưu đãi đối với hai ngành này.
Xem xét bảo lưu mức lương và thu nhập ở đơn vị đặc thù
- Bộ trưởng có thể thông tin thêm về lương đối với cán bộ, công chức, viên chức tại các đơn vị đặc thù?
- Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Theo Nghị quyết 27 thì tới đây, chúng ta sẽ bãi bỏ các cơ chế, chính sách về tiền lương, thu nhập đặc thù. Hiện nay có 134.284 cán bộ, công chức thuộc các cơ quan, đơn vị quản lý hành chính nhà nước đang áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù (có tiền lương tăng thêm ngoài chế độ chung từ 0,66 lần đến 2,43 lần). Con số này chiếm khoảng 6,78% tổng biên chế cán bộ, công chức, viên chức của cả nước.
Khi bãi bỏ các cơ chế, chính sách về tiền lương, thu nhập đặc thù, họ sẽ hưởng tiền lương mới (kể cả phụ cấp) có thể thấp hơn so với trước khi cải cách tiền lương. Vì vậy, để đảm bảo chế độ cho họ, chúng tôi tính toán để tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét bảo lưu mức lương và thu nhập đặc thù hiện hưởng.
Tức là lương mới (kể cả bảo lưu) của những cán bộ, công chức, viên chức này không thấp hơn so với khi chưa thực hiện cải cách tiền lương đúng theo tinh thần của Nghị quyết số 27, bảo đảm công bằng giữa các đối tượng hưởng lương trước và sau khi cải cách tiền lương.
Nhân đây tôi cũng mong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các đơn vị đặc thù chia sẻ với chủ trương chung của Đảng để triển khai thực hiện cải cách tiền lương một cách hiệu quả.
- Để thực hiện cải cách tiền lương, một trong những nhiệm vụ nặng nề trong năm 2024 mà Chính phủ giao Bộ Nội vụ là trong tháng 3 tới đây phải hoàn thành vị trí việc làm. Đây có phải là một áp lực và Bộ đã chuẩn bị những gì để vượt qua áp lực này?
- Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Bộ Nội vụ đã phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương (cơ quan chủ trì tham mưu xây dựng vị trí việc làm trong hệ thống chính trị), các bộ, ngành, địa phương kịp thời hướng dẫn, điều chỉnh các chính sách liên quan, cố gắng hoàn thành trước ngày 31/3 để kịp thời xây dựng phương án trả lương và áp dụng chính sách tiền lương mới từ ngày 1/7.
Bộ Nội vụ đang phối hợp hướng dẫn các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm “là giải pháp căn bản mang tính tiền đề để thực hiện cải cách chính sách tiền lương." Đây là một nhiệm vụ nặng nề, áp lực nhất khi thực hiện cải cách tiền lương, nhưng Bộ Nội vụ sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương nỗ lực hoàn thành đúng tiến độ Chính phủ giao.
10% quỹ lương cơ bản để khen thưởng
- Các bước tiếp theo để thực hiện cải cách tiền lương vào ngày 1/7 tới là gì, thưa Bộ trưởng?
- Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Tới đây, Bộ Chính trị sẽ xem xét, thông qua chủ trương, nguyên tắc về những nội dung cơ bản của chính sách tiền lương mới của toàn hệ thống chính trị để làm cơ sở cho các cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản về chế độ tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang từ Trung ương đến cấp xã, thực hiện từ ngày 1/7 năm nay. Bộ Nội vụ đang tích cực tham mưu xây dựng nghị định về chế độ tiền lương mới đối với đối tượng thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Ngoài ra, chúng tôi phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương trình Ban Bí thư ban hành quyết định về chế độ tiền lương mới đối với các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội; phối hợp với Ban Công tác đại biểu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về chế độ tiền lương mới đối với đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bộ Nội vụ đang tham mưu cho cấp có thẩm quyền để xây dựng hệ thống bảng lương gồm lương cơ bản chiếm 70% và phụ cấp 30% tổng quỹ lương.
Ngoài ra, còn có thêm 10% quỹ lương cơ bản để người đứng đầu cơ quan, đơn vị khen thưởng. Đồng thời, người đứng đầu có quyền trong việc ban hành cơ chế để sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên thuê chuyên gia, thu hút và trọng dụng những người có tài năng vào trong khu vực công.
Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để ban hành hệ thống thể chế làm căn cứ cho các bộ, ngành, địa phương có thể sử dụng nguồn ngân sách này thu hút và trọng dụng người có tài năng vào trong khu vực công.
- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Cải cách tiền lương, hoàn thành sáp nhập huyện, xã trong năm 2024
Chính phủ yêu cầu hoàn thành xây dựng vị trí việc làm trước 31/3/2024; ban hành Nghị định quy định chế độ tiền lương mới trong tháng 5/2024; hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị làm Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị được phân công giữ chức Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, thay cho ông Nguyễn Hồ Hải vừa được điều động giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau.
Kẹt xe 10 km trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết
Sau va chạm với ôtô trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, xe khách giường nằm tông vào dải phân cách và chắn ngang gần hết phần đường, gây kẹt xe kéo dài gần chục cây số.