Đại triều phục của các quan. Ảnh: BAVH. |
Trong các biện pháp lấy người tài, tiến cử là biện pháp được dùng sớm nhất trong những biện pháp chọn nhân tài đầu thời Lê sơ. Đầu năm Đinh Mùi (1427) khi khởi nghĩa Lam Sơn sắp đi đến hồi thắng lợi hoàn toàn, Bình Định Vương Lê Lợi đã lệnh cho các tướng hiệu và quan các lộ tiến cử người tài trí, mưu lược và dũng cảm để làm tư mã, thượng tướng.
Để chọn người tài trong cả nước giúp vua trong buổi nước nhà mới giành được nền độc lập, nhà Lê sơ dùng tiến cử làm biện pháp thường xuyên, thể hiện qua chiếu cầu hiền của vua tháng 10 năm Kỷ Dậu (1429): “Nay trẫm gánh vác trách nhiệm nặng nề, sớm khuya kính cẩn lo sợ, như đứng trên vực thẳm, chỉ vì chưa tìm kiếm được người hiền tài giúp đỡ trị nước”.
Đời Hồng Đức năm Giáp Thìn (1484), nhà vua lệnh cho Lại bộ, quan Quốc Tử Giám bảo lãnh, tiến cử sinh viên ba xá của Quốc Tử Giám đã từng trúng một đến ba kỳ trong kỳ thi Hội (phải trúng cả bốn kỳ của thi Hội mới đạt danh vị tiến sĩ) để bổ dụng làm việc, tức là tiến cử cả những người đã đỗ đạt khoa cử mà chưa được nhà nước bổ dụng.
Theo chiếu vua Lê Hiến Tông năm Đinh Tỵ (1497), tiêu chuẩn đối với người được tiến cử chú trọng cả tài và đức, và một quy chuẩn không thể thiếu là đức tính thanh liêm, cương trực, không tham ô nhũng nhiễu. Biện pháp này xem như là sự ngăn ngừa ngay từ ban đầu kẻ được tiến cử tư cách đạo đức kém.
Nhà nước biết rằng với vị trí được làm cầu nối tuyển dụng quan chức cho triều đình, quan lại, nha môn tiến cử có quyền lớn, có thể dẫn tới việc nhận tiền bạc để tiến cử không đúng, nên yêu cầu phải tiến cử công bằng, không được dùng tình riêng, tạo vây cánh hay ăn hối lộ mà tiến cử sai người, sai vị trí. Nhà nước vì thế quy định cả trách nhiệm kẻ tiến cử.
“Nếu vì tiền tài, vì thân quen, tiến cử người không tốt thì bị trị tội theo lệ tiến cử kẻ gian” (lệnh chỉ của vua Lê Thái Tổ năm Mậu Thân (1428); “Lục bộ, Lục khoa và Ngự sử đài mà tiến cử bậy thì chịu tội giáng hay bãi chức” (phê phán của vua Lê Thánh Tông tháng 12 năm Đinh Hợi (1467).
Trong thực tế thời Lê sơ, nhà nước đã có sự thống nhất giữa văn bản với thực tiễn áp dụng khi nhiều quan viên do tiến cử người có năng lực kém, thậm chí là có tiền sử ăn hối lộ nên bị nhà nước phạt tội.
Năm Đinh Tỵ (1437), Quản lĩnh Lê Bồ, Lê Lao, Lê Lỗi bị giáng về chức cũ (Trấn phủ, Tuần sát) bởi họ đều là những người được Đại tư đồ Lê Sát tiến cử. Nhưng Lê Sát vì lấn quyền vua Thái Tông, bị xử tội chết mà những người này cũng bị vạ lây.
Năm Đinh Hợi (1467), vua Lê Thánh Tông xuống chiếu giam Lễ bộ thị lang Lương Như Hộc vào ngục vì tội tiến cử Trần Quý Huyên không phải là người giỏi, Quý Huyên thì bị thu lại văn bằng đã được cấp.
Vậy là công tác tiến cử không tốt thì chẳng những kẻ được tiến cử mất vị trí được bổ dụng, mà kẻ tiến cử cũng bị liên đới, thậm chí còn chịu tội nặng hơn người được tiến cử. Biện pháp này nhằm nâng cao trách nhiệm của người làm nhiệm vụ tiến cử khi mà trong nhiều chỉ, dụ ban xuống, các vua nhà Lê sơ liên tục chê trách thái độ thiếu trách nhiệm của họ.
Năm Đinh Hợi (1467), vua Lê Thánh Tông sai triều thần tiến cử chức quan huyện cương trực biết trị kẻ gian tà, đã không ít đại thần đa phần tiến cử những người không có thực tài hoặc thân thích với mình.
Lại bộ thượng thư Nguyễn Như Đổ cử 8 người thân quen, Thái bảo Lê Niệm cử Lương Thế Vinh, Đô đốc Trịnh Văn Sái cử Hộ khoa cấp sự trung Đào Thục Giáo, Thượng thư Trần Phong cử Thượng bảo tự khanh Dương Tông Hải đều là những người quen biết. Nhưng đa phần những người này sau bị vua loại bởi xét không xứng.
Nhờ có những vị vua tài giỏi, sáng suốt, biết nhìn người nửa đầu thời Lê sơ mà lệ tiến cử phát huy được tác dụng của nó. Từ thời vua Lê Uy Mục về sau, lệ này không còn thấy được đề cập đến nữa, mà thay vào đó là lệ bảo cử đã xuất hiện ở thời vua Lê Thánh Tông.