Ngày 25/9, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM cho biết, đã tiêm thuốc làm tan khối bướu vùng cổ cho bé Phạm Thành Nam (2 tháng tuổi, ở Vĩnh Long) và Tô Gia Mạnh (1 tháng tuổi, ở Cà Mau) bị nhiễm trùng trong bào thai.
Theo ThS-BS Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc bệnh viện, 2 em bé này mắc bệnh bẩm sinh.
Các bác sĩ đã làm tan khối bướu ở cổ cho 2 bệnh nhi mà không cần phẫu thuật. Ảnh: Khánh Trung. |
Khi chụp X-quang và CT, bác sĩ thấy khối bướu trên cổ bé Nam có diện tích khá lớn. Bướu che hết hai hàm và lan xuống vùng cổ và lưỡi, chảy máu. Khi nhập viện, các bác sĩ cho bệnh nhi thở máy vì bé bị viêm phổi gây suy hô hấp.
Bé Mạnh cũng bị bệnh tương tự, khối bướu trên cơ thể em có đường kính khoảng 7 cm.
"Do khối bướu của 2 bé nằm ở vị trí hiểm, nếu phẫu thuật bóc tách bình thường sẽ có nguy cơ gây tổn thương tới các cơ quan bên trong, nhất là các mô, xương dây thần kinh xung quanh. Ngoài ra bệnh nhi còn có thể bị liệt mặt hay méo miệng", bác sĩ Hiếu nói.
Trước nguy cơ đó, các bác sĩ đã chọn phương pháp tiêm thuốc để làm tan bướu. Nguyên nhân bướu xuất hiện là do bị nhiễm trùng từ trong bào thai.
Một bác sĩ cho biết, tỷ lệ trẻ mắc bệnh bướu tân dịch trên thế giới chiếm 50% ở trẻ sơ sinh và 90% dưới 2 tuổi. Hàng năm, khoa Sơ sinh điều trị thành công cho khoảng 10 ca bướu như trên.