Câu chuyện
Trong ba đội tuyển lớn của bóng đá Việt Nam, U19 là đội bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Tuyển Việt Nam chỉ bị dời lịch AFF Cup và vòng loại World Cup sang năm 2021, tuyển U22 bị dời lịch SEA Games. Cả hai đội không mất một giải đấu lớn nào. Các kế hoạch trọng tâm của họ không bị hủy bỏ.
U19 thì không may mắn như vậy. Giải U19 châu Á dự kiến diễn ra vào tháng 10/2020 còn U20 World Cup vào 6/2021. Khác với World Cup tổ chức mỗi 4 năm một lần, U20 World Cup diễn ra 2 năm một lần. Bởi vậy, thời gian cho mỗi chu kỳ vòng loại và vòng chung kết luôn rất ngắn, khó co giãn.
Đó là lý do Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) cùng Liên đoàn Bóng đá Châu Á (AFC) buộc phải hủy hai giải đấu, cũng là lý do lứa U19 Việt Nam của HLV Philippe Troussier vĩnh viễn không còn cơ hội làm nên lịch sử.
Lựa chọn day dứt của FIFA và AFC khi hủy giải
FIFA và AFC không muốn hủy U19 châu Á 2020 và U20 World Cup 2021. Những người thường xuyên theo dõi hai tổ chức này sẽ thấy trong khi liên tục hủy hoặc hoãn hàng loạt giải đấu, FIFA cùng AFC gần như không hề đả động tới hai giải cấp U19 này. Họ hiểu rằng quỹ thời gian quá ngắn của hai giải đấu sẽ khiến mọi quyết định hoãn giải đồng nghĩa với một lời khai tử. Hai giải đấu này đã luôn ở trong trạng thái chờ suốt phần lớn năm 2020.
Khai tử U20 World Cup không chỉ đồng nghĩa với những thiệt hại cực lớn về tài chính cho FIFA. Hủy giải này còn đồng nghĩa với việc xóa sổ giải vô địch các châu lục, tước đi cơ hội bước tới đỉnh cao của lứa cầu thủ sinh năm 2001 tới 2003.
Ông Philippe Troussier trong buổi lễ công bố HLV trưởng U19 Việt Nam năm 2019. Ảnh: VFF. |
FIFA hiểu điều đó nên rất e dè. Họ cố chờ, chờ mãi. Mãi đến cuối năm 2020, khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, họ mới buộc phải quyết định.
Ngày 20/10/2020, Liên đoàn Bóng đá Châu Âu (UEFA) tuyên bố hủy giải U19 châu Âu. Tới ngày 24/12, FIFA hủy U20 World Cup. Nhưng châu Á vẫn chờ. AFC vẫn cố hy vọng vào một điều kỳ diệu. Chia sẻ với Zing khi đó, HLV trưởng U19 Việt Nam khi ấy Philippe Troussier nói: “Đây là quãng thời gian dài và tồi tệ vì không có bóng đá. Nhưng chúng ta vẫn phải lạc quan. Phải chờ xem mọi thứ thế nào”.
Nhưng điều ông Troussier và U19 Việt Nam chờ đợi không đến.
Ngày 25/1, AFC hủy giải châu Á, đặt dấu chấm hết cho cơ hội bước ra châu lục của cả một thế hệ, trong đó có lứa U19 Việt Nam đầy tiềm năng của Troussier.
U19 Việt Nam cầm hòa Nhật Bản tại vòng loại U19 châu Á 2020 hồi tháng 11/2019. Ảnh: Nguyên Khang. |
Lứa U19 đầy tiềm năng
Nỗi thất vọng là không thể đo đếm. Bởi U19 Việt Nam của Troussier được đánh giá là lứa cầu thủ có thể lặp lại những điều mà thế hệ 1997 của Quang Hải đã làm được tại U20 World Cup 2017.
Ông Troussier nhậm chức HLV trưởng U19 Việt Nam vào tháng 9/2019. Chiến lược gia người Pháp chỉ cần đúng một tháng để mang về vinh quang đầu tiên khi giúp U19 Việt Nam thắng Thái Lan 1-0, thua Hàn Quốc 1-2 ở GSB Cup 2019 ngay trên đất Bangkok.
Tới tháng 11, vẫn là đội U19 ấy cầm hòa Nhật Bản, bước vào vòng chung kết U19 châu Á 2020 trên đất Uzbekistan. Đội trẻ Nhật Bản khi ấy rất mạnh với nhiều cầu thủ sau đó vài tháng sẽ được đôn lên đội một và đá chính ở J1 League như Ryuya Nishio (Cerezo Osaka), Takumi Nakamura (Tokyo), Itsuki Someno (Kashima Antlers) hay Leobrian Kokubo (Benfica B).
Tại vòng chung kết, U19 Việt Nam vào cùng bảng với Saudi Arabia và Australia, một lá thăm mà ông Troussier miêu tả là có hy vọng.
Nhưng ấn tượng về lứa U19 của Troussier không chỉ tới ở khía cạnh thành tích. Cách Troussier ứng xử với lứa cầu thủ này, cách ông chăm bẵm, xây dựng họ, những trải nghiệm đặc biệt của họ với một HLV đẳng cấp mới là thứ làm nên sự khác biệt của lứa này.
Ngày nhận đội U19, Troussier khiến số ít phóng viên theo đội ngỡ ngàng vì những buổi phỏng vấn đồng loạt với 8 tới 10 cầu thủ. Ông bảo ở đội bóng này, cầu thủ nào cũng phải học cách trả lời phỏng vấn. Ông bảo nếu không ai ở Việt Nam dạy cầu thủ điều này, ông sẽ là người dạy. Các cầu thủ của ông sẽ đương đầu với áp lực thế nào nếu họ không thể trả lời lưu loát vài câu với báo chí, Troussier từng hỏi người viết câu đó.
Đội tuyển của Troussier hay tập lúc 21h đêm, nhiều buổi kéo dài tới nửa đêm. Ông thầy người Pháp bảo mình muốn các buổi tập diễn ra giống hệt giờ thi đấu. Kết quả là khi hầu hết mọi người đã chìm vào giấc ngủ, U19 Việt Nam mới trở về phòng.
Ông Troussier luôn dành rất nhiều thời gian cho các cầu thủ trẻ Việt Nam. Ảnh: Minh Chiến. |
Tạm biệt Troussier
Nhiều HLV đã nói về giấc mơ World Cup cho bóng đá Việt Nam, nhưng Troussier tỏ ra là người nghiêm túc nhất với điều đó. Ông tin rằng bóng đá Việt Nam cần một nhóm khoảng 100 tài năng để hướng tới Cúp thế giới vào năm 2026. Đó cũng là số cầu thủ U19 mà ông theo dõi ở lứa tuổi của mình.
Khác với nhiều HLV chỉ triệu tập và tập trung vào một nhóm vài chục tài năng trẻ nhất định, Troussier trao cơ hội cho mọi cầu thủ trẻ. Nhiều đợt tập trung của ông chỉ có những cầu thủ không được dự các vòng chung kết quốc gia. Ông bảo đội bóng bị loại không có nghĩa các tài năng trẻ ấy kém chất lượng.
Ông thầy người Pháp có lẽ là HLV nước ngoài chịu khó sâu sát các giải trẻ nhất. Ông Troussier có mặt ở nhiều bảng đấu vòng loại U17 hay U19, trực tiếp gặp gỡ lãnh đạo các CLB, thăm bếp ăn, nơi sinh hoạt của nhiều cầu thủ trẻ ở hạng Nhất, hạng Nhì. Các chuyên gia của PVF vẫn kể đi kể lại chuyện ông Troussier đưa tài năng trẻ Nguyễn Thanh Nhàn từ Tây Ninh về PVF.
HLV người Pháp thuyết phục CLB này cho Thanh Nhàn về PVF đào tạo miễn phí, Tây Ninh vẫn giữ quyền sở hữu cầu thủ này, giống như Hồ Tấn Tài vừa trở về Bình Định sau nhiều năm chơi cho Bình Dương. Ông bảo mình làm những điều đó vì bóng đá Việt Nam nói chung nên PVF không cần sở hữu Nhàn. Đó là một tư duy hiếm thấy trong bối cảnh bóng đá Việt Nam luôn tồn tại tư tưởng cục bộ. Cũng chính bởi vậy, ông thuyết phục được Tây Ninh.
Ở đợt tập trung cuối cùng với U19 Việt Nam, ông Troussier gọi hàng loạt HLV đào tạo trẻ như Nguyễn Thăng Long (CLB Viettel) hay Mai Xuân Hợp (Thanh Hóa). Ông bảo: “Tôi muốn việc triệu tập HLV từ các đội khác nhau được thực hiện luân phiên qua các đợt tập trung khác nhau. Với tôi, việc gia nhập đội tuyển như thế này không chỉ phục vụ mục đích huấn luyện của tôi mà còn phục vụ toàn bộ quốc gia. Tôi coi tất cả các HLV ở CLB đều là trợ lý của tôi, giúp ích cho công việc trên đội tuyển”.
Quyết định chuyển giao trung tâm PVF cho Tập đoàn Văn Lang mang tới những lo lắng cho tương lai của lò đào tạo này. Ảnh: Minh Chiến. |
Cách làm căn cơ ấy đã giúp Troussier tạo nên một đội U19 rất khó bị đánh bại dù lứa cầu thủ này bị đánh giá là kém tài năng hơn thế hệ 1995 của Công Phượng hay 1997 của Quang Hải. Họ lẽ ra sẽ bước tới châu lục, thậm chí mơ về kỳ World Cup trẻ thứ hai cho bóng đá Việt Nam.
Khác với cấp độ U23 hay tuyển quốc gia, sân chơi của lứa U19 hay U17 chưa chịu tác động nhiều từ khác biệt của hệ thống giải quốc nội. Ở cấp U19, trình độ cầu thủ chủ yếu là thành tựu của đào tạo trẻ. Cầu thủ ở cấp độ này chưa được nâng đỡ bởi các giải quốc nội mạnh, do đó, đây cũng là những sân chơi hứa hẹn nhiều bất ngờ nhất.
Nhưng giờ thì giấc mơ ấy sẽ không bao giờ thành sự thật.
Những diễn biến mới đây càng khiến nhiều người yêu bóng đá Việt Nam đau lòng. Một tháng sau khi AFC hủy giải U19 châu Á, Vingroup chuyển giao trung tâm đào tạo PVF cho Tập đoàn Văn Lang. Tới tháng 6, HLV Troussier chia tay đội U19, chia tay cả Việt Nam. Tiếc nuối là rất lớn vì ông Troussier là HLV đẳng cấp nhất từng tới Việt Nam làm việc, lứa U19 của ông đầy tiềm năng còn PVF là một trong 3 lò đào tạo được AFC công nhận tiêu chuẩn 3 sao.
Cuộc tình của Troussier với bóng đá Việt Nam, giấc mơ của lứa U19 này và có thể cả tham vọng lớn lao từ PVF, tất cả có lẽ đã kết thúc.