Phải cần đến 400.000 nhân viên và nhà thầu của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) để đưa Neil Armstrong và Buzz Aldrin lên Mặt Trăng vào năm 1969, nhưng chỉ cần một người đàn ông để truyền bá ý tưởng rằng tất cả chỉ là một trò lừa bịp. Tên ông ấy là Bill Kaysing.
Nó bắt đầu như "một linh cảm, một trực giác", trước khi biến thành "một niềm tin thực sự" rằng Mỹ thiếu năng lực kỹ thuật để lên được Mặt Trăng, theo Guardian.
Nhà du hành vũ trụ Buzz Aldrin đáp xuống Mặt Trăng ngày 20/7/1969. Ảnh: Thư viện ảnh Allstar. |
Bill Kaysing đã thực sự đóng góp cho chương trình không gian của Mỹ. Từ năm 1956 đến năm 1963, ông là nhân viên của Rocketdyne, một công ty giúp thiết kế động cơ tên lửa Saturn V.
Năm 1976, ông tự xuất bản một cuốn sách nhỏ có tên We Never Went to the Moon: America’s Thirty Billion Dollar Swindle (Chúng ta chưa từng lên Mặt Trăng: Trò lừa gạt 30 tỷ USD của Mỹ), tìm kiếm bằng chứng cho cáo buộc của ông với các bức ảnh mù mờ và giả thuyết được cho là khôi hài.
Tuy nhiên, bằng cách nào đó, các giả thuyết của ông vẫn còn tồn tại đến ngày nay trong các bộ phim Hollywood và phim tài liệu Fox News, diễn đàn Reddit và các kênh YouTube.
Trò lừa Mặt Trăng trong thời đại công nghệ
Bất chấp khối lượng bằng chứng phi thường (bao gồm 382 kg đá Mặt Trăng được thu thập qua sáu nhiệm vụ; các bằng chứng từ Nga, Nhật Bản và Trung Quốc; hình ảnh từ tàu thám hiểm NASA Lunar cho thấy dấu vết của các phi hành gia trên bề mặt Mặt Trăng), niềm tin vào thuyết trò lừa Mặt Trăng vẫn nảy nở từ sau năm 1969.
"Thực tế là Internet đã khiến mọi người có thể nói bất cứ điều gì họ thích với số lượng người lớn hơn bao giờ hết. Và sự thật là người Mỹ thích thuyết âm mưu. Mỗi khi có chuyện gì xảy ra, ai đó lại có phản bác", Roger Launius, nhà sử học của NASA, nói với Guardian.
Hóa ra người Anh cũng thích các thuyết âm mưu. Năm ngoái, chương trình truyền hình This Morning chào đón một vị khách tới tranh luận rằng không ai có thể đi trên Mặt Trăng vì Mặt Trăng được làm bằng ánh sáng.
Trong chương trình, khách mời Martin Kenny tuyên bố: "Trong quá khứ, bạn đã nhìn thấy cuộc đổ bộ Mặt Trăng và không có cách nào để kiểm tra bất kỳ điều gì trong đó. Bây giờ, trong thời đại công nghệ, rất nhiều người trẻ tuổi đang tự mình điều tra".
Một cuộc thăm dò ý kiến gần đây của YouGov cho thấy một trong sáu người Anh đồng ý với tuyên bố: Cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng đã được dàn dựng.
Các truy vấn ban đầu của ông Kaysing đang thúc đẩy điều này. Một là thực tế không nhìn thấy ngôi sao nào trong các bức ảnh; hai là thiếu miệng hố dưới nơi hạ cánh; ba là hướng bóng đổ. Cho đến khi qua đời vào năm 2005, ông Kaysing vẫn khẳng định rằng toàn bộ sự việc là lừa đảo và NASA không đủ năng lực để thực hiện sứ mệnh vào thời điểm đó.
Bill Kaysing, người khởi xướng thuyết âm mưu trò lừa Mặt Trăng. Ảnh: www.billkaysing.com. |
Khi Liên Xô ra mắt Sputnik 1 vào tháng 10/1957 (tiếp theo một tháng sau là Sputnik 2, mang theo con chó Laika), chương trình không gian của Mỹ hoàn toàn không tồn tại. NASA được thành lập vào năm 1958 và đã cố gắng đưa Alan Shepard vào vũ trụ vào tháng 5/1961.
Tuy nhiên, khi Tổng thống John F. Kennedy tuyên bố rằng Mỹ "nên cam kết đạt được mục tiêu đưa người lên Mặt Trăng và trở về Trái Đất an toàn trước khi thập kỷ này kết thúc", việc thực hiện đã kéo dài nhiều năm.
Giữa thập niên 1960, NASA đã tiêu tốn hơn 4% ngân sách liên bang Mỹ. Trong khi Liên Xô đạt được nhiều "cái đầu tiên" - người phụ nữ đầu tiên lên vũ trụ (1963), hoạt động ngoài không gian đầu tiên (1965), người Mỹ trải qua hết thất bại này đến thất bại khác, bao gồm vụ cháy bệ phóng làm 3 phi hành gia của Apollo 1 thiệt mạng.
Sức mạnh của niềm tin
Oliver Morton, tác giả của cuốn The Moon: A History for the Future (Mặt Trăng: Lịch sử cho tương lai) tin rằng sự tồn tại của trò lừa bịp trên Mặt Trăng là điều đáng ngạc nhiên. Đưa ra một sự kiện hợp lý có nhiều bằng chứng (Apollo 11) và một sự kiện hợp lý mà không có bằng chứng nào (trò lừa bịp trên Mặt Trăng), một số người sẽ chọn cách sau.
"Mục tiêu của Apollo là cho thấy chính phủ Mỹ mạnh đến mức nào khi thực sự làm mọi việc. Mục tiêu của lý thuyết trò lừa Mặt Trăng là cho thấy chính phủ Mỹ mạnh đến mức nào khi khiến mọi người tin vào những điều không đúng sự thật", ông nói.
Sean Connery trong phim Diamonds Are Forever. Ảnh: Allstar. |
Các lý thuyết về trò lừa Mặt Trăng có xu hướng nói về những gì đã không xảy ra hơn là những gì đã làm được. Những người theo thuyết âm mưu bị chia rẽ về việc liệu các nhiệm vụ Apollo, Mercury, Gemini và Atlas trước đó cũng là giả mạo, Laika hay Yuri Gagarin từng bay vào vũ trụ hay chưa, và Kubrick có vai trò như thế nào.
Trong khi sự nghi ngờ của thế hệ đầu tiên bị thúc đẩy bởi sự tức giận, ngày nay, nhiều khả năng động cơ của mọi người xuất phát từ sự nhàm chán. Ranh giới giữa thuyết âm mưu và sự giải trí trở nên mờ nhạt hơn nhiều.
Sức mạnh ngày càng tăng của lý thuyết trò lừa Mặt Trăng là "một trong những điều xảy ra khi thời gian trôi qua và các sự kiện bị quên lãng", Launius than thở.
"Chúng ta chứng kiến nó cùng với Chiến tranh Thế giới thứ hai và thảm họa diệt chủng. Rất nhiều nhân chứng đã qua đời và mọi người dễ dàng phủ nhận rằng nó từng xảy ra. Đâu còn ai để phản đối những điều không đúng sự thật? Những sự huyền hoặc phát triển và chiếm lĩnh niềm tin của mọi người", ông nói.
Có lẽ điều khó tin nhất là ý tưởng rằng con người có thể đã hoàn thành một điều gì đó siêu việt. "Vì những gì các anh đã làm, thiên đàng đã trở thành một phần của thế giới nhân loại", Tổng thống Nixon nói trong cuộc gọi tới hai phi hành gia Aldrin và Armstrong trên Mặt Trăng.
"Khi các anh nói chuyện với chúng tôi từ Biển Tĩnh lặng, nó truyền cảm hứng cho chúng tôi nhân đôi nỗ lực mang lại hòa bình và yên bình cho Trái Đất", ông nói.