Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thuyết âm mưu tràn lan trên mạng sau thảm kịch ở Texas

Một điều ở Mỹ dường như đã trở thành quy luật: Ngay sau mỗi vụ xả súng khiến nhiều người thiệt mạng, các thuyết âm mưu và tin giả về thảm kịch vừa qua sẽ ồ ạt xuất hiện.

Hiện tượng ấy đã xảy ra sau vụ xả súng Sandy Hook hồi năm 2012, thảm kịch ở hộp đêm Orlando năm 2016, vụ xả súng Parkland năm 2018 và cả sau bi kịch hồi đầu tháng 5 tại một tiệm tạp hóa ở Buffalo.

Và chỉ vài tiếng sau thảm kịch khiến 21 người thiệt mạng ở trường tiểu học tại Uvalde, bang Texas, người dùng mạng xã hội đã phát tán luồng thông tin vô căn cứ về tay súng Salvador Ramos, 18 tuổi, cùng động cơ gây án của người này.

tham kich o Texas anh 1

Một nhóm người cầu nguyện bên ngoài trường tiểu học Robb, nơi xảy ra vụ xả súng ở thị trấn Uvalde, bang Texas, Mỹ hôm 24/5. Ảnh: New York Times.

Những thuyết âm mưu vô căn cứ

Vài giờ sau vụ nổ súng, mạng xã hội đã lan truyền rộng rãi các bài đăng sai sự thật khẳng định tay súng Ramos là người cư trú bất hợp pháp tại Mỹ. Một số người dùng tô vẽ nhiều chi tiết như Ramos đang “trên đường trốn chạy khỏi lực lượng Tuần tra Biên giới”.

“Anh ta là người nhập cư bất hợp pháp bị truy nã vì giết người ở El Salvador”, theo một dòng tweet được thích và chia sẻ hàng trăm lần. Những khẳng định sai sự thật như trên được phát tán rộng rãi trên những kênh mạng xã hội theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng.

Ramos đã được nhà chức trách xác nhận là công dân Mỹ, nguyên quán tại bang North Dakota. Thông tin này do Thống đốc bang Texas Greg Abbott công bố trong buổi họp báo hôm 24/5.

Không chỉ vậy, người dùng mạng xã hội còn lấy ảnh của những người vô can để tung tin tay súng là người chuyển giới. Trên diễn đàn 4Chan, một diễn đàn cực hữu, người dùng tự do chia sẻ ảnh và lên kế hoạch để gắn nhãn người chuyển giới cho tay súng mà không đưa ra chứng cứ đi kèm.

Những thông tin vô căn cứ này đã lan đến những kênh Telegram của các nhóm dân quân cực hữu như Proud Boys. Có bài đăng khẳng định sai sự thật rằng thảm kịch tại Uvalde xuất phát từ liệu pháp hormone mà tay súng đang phải thực hiện.

Mạng lưới An toàn Chuyển giới, một nhóm nghiên cứu chuyên theo dõi các lời đe dọa đối với cộng đồng chuyển giới, hôm 25/5 cho biết họ đã xác định được 3 người chuyển giới bị lấy ảnh để gán ghép cho tay súng.

Nhà chức trách đã xác nhận giới tính của tay súng là nam.

tham kich o Texas anh 2

Một cảnh sát Texas chuẩn bị cung cấp thông tin cho truyền thông về vụ xả súng. Ảnh: New York Times.

Dù vậy, thông tin “tay súng là người chuyển giới” thậm chí đã được khuếch đại nhờ Twitter của những người nổi tiếng như Hạ nghị sĩ Paul Gosar của đảng Cộng hòa. Bài đăng trên Twitter của ông Gosar đã bị gỡ xuống.

Tuy không có căn cứ, một số người còn cho rằng vụ xả súng được dàn dựng để thu hút lực lượng chấp pháp rời xa biên giới, từ đó cho phép tội phạm tuồn vào Mỹ. Một thuyết âm mưu khác là những người ủng hộ siết kiểm soát súng đạn đã dàn dựng bi kịch ở Uvalde để khiến dư luận phẫn nộ.

Một số bài đăng trên mạng xã hội cáo buộc những phụ huynh lọt vào ống kính truyền hình trong lúc chờ tin con không đủ xúc động và họ chỉ là diễn viên được thuê. Hai giáo viên thiệt mạng trong vụ xả súng ở Uvalde cũng bị cáo buộc là diễn viên.

Được phát tán có chủ đích

Sâu xa hơn, các cáo buộc sai sự thật như trên phản ánh vấn đề phân biệt chủng tộc và thái độ không bao dung với người chuyển giới, theo chuyên gia về tin giả Jaime Longoria. Mục đích của chúng là đổ lỗi vụ xả súng cho các nhóm thiểu số, vốn đã phải chịu nhiều quấy rối trên mạng.

“Chiến thuật này có 2 mục đích: Tránh né các cuộc trao đổi thực chất về vấn đề bạo lực súng đạn, đồng thời để những người không muốn đối diện sự thật có ai đó mà họ có thể đổ lỗi”, ông Longoria nói.

tham kich o Texas anh 3

Một đám đông cầu nguyện cho các nạn nhân trong vụ xả súng tại thành phố Houston, bang Texas. Ảnh: New York Times.

Trong một số trường hợp, thông tin sai sự thật về các vụ xả súng hoặc các sự kiện khác được phát tán nhờ tay của những người dùng mạng xã hội có thiện chí giúp đỡ. Trong các trường hợp khác, đó có thể là những người muốn giả vờ quyên góp hoặc đánh bóng tên tuổi cho website, tổ chức của mình.

Và cuối cùng là một số người phát tán tin giả dường như chỉ để tìm niềm vui.

Một số cộng đồng trực tuyến ở ngoài rìa xã hội, như 4Chan, thường nhân lúc có các vụ xả súng và bi kịch khác để gây ra tình trạng hỗn loạn, đùa bỡn công chúng và thúc đẩy các quan điểm có hại, theo Ben Decker, CEO công ty tư vấn điều tra số Memetica (Mỹ).

“Họ thường cố ý và có chủ đích khi đề cao những sự kiện này, nhằm tác động tới cuộc đối thoại của công chúng”, ông Decker nói. “Những người trong các dạng cộng đồng như vậy thường có mong muốn chứng minh bản thân thông qua việc lừa dối công chúng. Nếu có thể dẫn dắt chiến dịch và tạo ra ảnh hưởng như trên, bạn sẽ được người trong nhóm tín nhiệm hơn”.

Nhưng đối với các cộng đồng phải hứng chịu các đòn tấn công trực tuyến như vậy, hành động đổ vấy trách nhiệm khiến những người này lo ngại mình sẽ chịu thêm những đối xử bất công và hành động bạo lực.

Điều tưởng chừng vô hại như một bình luận kỳ thị người chuyển giới trên mạng xã hội cũng có thể là ngòi nổ dẫn đến hành động bạo lực đối với người chuyển giới, theo Jaden Janak, chuyên viên nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giới Ứng dụng (Mỹ).

“Những đứa bé và giáo viên bị sát hại hôm 24/5 không biết rằng hôm ấy là ngày cuối đời của họ. Và tương tự, đó cũng là nỗi sợ tại mọi thời điểm của người chuyển giới chúng tôi”, Janak nói.

Tình tiết mới trong vụ xả súng ở Texas

Các nhà điều tra cho biết cảnh sát khu học chính không có mặt khi nghi phạm xả súng xông vào trường tiểu học Robb ở Texas, trái với những báo cáo trước đó.

Đặc vụ Mỹ giải cứu con gái trong thảm kịch ở Texas

Anh Jacob Albarado thuộc lực lượng tuần tra biên giới Mỹ và có vợ con đang ở trường tiểu học Robb tại thị trấn nhỏ Uvalde, Texas vào thời điểm được báo tin về vụ xả súng. 

Quốc Đạt

Bạn có thể quan tâm