Nghe tin trung úy Phạm Khả Đăng (27 tuổi, ở xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) mới từ Hoàng Sa trở về, bà con trong vùng đến hỏi thăm rất đông. Họ đến để động viên anh cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao, quyết tâm để bảo vệ vùng kinh tế đặc quyền của đất nước.
Ngôi nhà đơn sơ nằm ở cuối con đường làng luôn có người ra vào những ngày này vì bố mẹ anh đều đang ốm nặng. Gác lại công việc, trung úy Đăng được đơn vị tạo điều kiện về thăm gia đình, chăm sóc bố mẹ. Bố anh, ông Phạm Khả Thảo (56 tuổi) bị xuất huyết não, phải nằm một chỗ cả năm nay. Còn bà Nguyễn Thị Tình (52 tuổi) mới được phát hiện ung thư biểu mô di căn da cũng đang nằm quằn quại với những cơn đau thể xác.
Trở về đất liền nhưng trong lòng trung úy Đăng không lúc nào yên vì ngoài khơi xa, đồng đội vẫn đang phải ngày đêm bám biển, bám tàu để giữ lấy bình yên cho vùng biển quốc gia. Trước đó, lo lắng, nóng ruột nên anh Đăng đã xin phép bố mẹ, vợ trở lại đơn vị sớm hơn nửa tháng (theo lịch nghỉ phép) để cùng đồng đội ra khơi, nhưng lúc vào đến nơi đóng quân thì tàu đã xuất phát nên anh lại quay về chăm sóc người thân.
Chiến sĩ Đăng kể lại giây phút đụng độ với tàu Trung Quốc trên biển Đông. |
Trung úy Đăng tốt nghiệp Học viện Hải quân, Khoa CSB năm 2011. Ra trường, anh được điều động về làm thuyền phó tàu CSB 4033 thuộc Hải đội 201 vùng CSB 2 đóng ở tỉnh Quảng Nam. Từ đó, cuộc sống của anh gắn liền với nhiệm vụ trên biển đảo để bảo vệ chủ quyền đất nước.
Nói về những lần đụng độ trên biển, anh Đăng cho biết, lần va chạm với tàu Trung Quốc đầu tháng 4/2014 là gay cấn nhất. “Lần đó anh em chúng tôi dù rất vất vả nhưng vẫn kiên quyết bảo vệ mục tiêu được giao”, anh Đăng tự hào nói.
Theo lời kể của trung úy Đăng, lúc đó tàu CSB 4033 cùng nhiều tàu CSB, tàu Kiểm ngư khác của Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ tàu Bình Minh 02 (thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia) thực hiện việc đặt dây cáp khảo sát thăm dò dầu khí trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa. Trong lúc đang thăm dò, bất ngờ một tàu Trung Quốc đến quấy phá, hòng cắt dây cáp.
“Lúc đó khoảng 16h, tàu CSB 4033 của chúng tôi đang làm nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài (có tổng cộng 9 tàu bảo vệ) thì xuất hiện một tàu Trung Quốc chạy với tốc độ cao lao nhanh về hướng đặt dây cáp đang thăm dò. Lập tức, chúng tôi thông báo yêu cầu họ quay lại nhưng dường như họ không để ý mà vẫn tiếp tục tiến về phía trước”, anh Đăng nhớ lại.
Vợ chồng anh Đăng trò chuyện với phóng viên. |
Tàu 4033 buộc phải lao ra chạy cắt mũi yêu cầu tàu Trung Quốc quay lại hướng khác. Tuy nhiên, tàu này vẫn hung hăng phóng tới. Chỉ huy trên tàu 4033 hạ lệnh quyết bảo vệ không để chúng vào cắt dây cáp đang thăm dò, chuẩn bị sẵn sàng đâm va.
Sau hai lần giằng co, va chạm, tàu Trung Quốc vẫn tiến sâu vào trong, cách sợi dây cáp khoảng 2 hải lý. Tình thế nguy cấp, chỉ huy ra lệnh tàu 4033 lùi lại phía sau tàu Trung Quốc, tiếp tục tuyên truyền, đẩy tàu này đi theo hướng khác.
“Thời điểm đó biển động, sóng lớn nên chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn. Lúc hai mũi tàu va vào nhau, tàu 4033 của chúng tôi bị thủng một lỗ lớn ở mũi tàu, dàn đèn hành trình và nhiều vật dụng khác bị hư hỏng, nước liên tục tràn vào khoang. Mặc dù vậy, các chiến sĩ trên tàu vẫn không hề nao núng, quyết tâm ngăn chặn tàu Trung Quốc đi vào vùng cấm”, anh Đăng kể lại giây phút đối đầu với tàu Trung Quốc.
Bà Tịnh, mẹ của anh Đăng bị ung thư, hiện đang thập tử nhất sinh. |
Cuối cùng, bằng sự quyết tâm cao của các chiến sĩ trên tàu CSB, tàu Trung Quốc buộc phải lùi bước, di chuyển sang hướng khác. Tàu 4033 quay lại vị trí, tiếp tục canh gác đề phòng tàu Trung Quốc quay lại quấy rối dù mũi tàu đang bị thủng, nước liên tục tràn vào khoang.
Đến khoảng 19h tối cùng ngày, khi biết tàu Trung Quốc đã đi xa, tàu CSB 4033 của trung úy Đăng mới được lệnh rút vào đất liền để sửa chữa. Nhiên liệu đã cạn nên tàu tức tốc hướng về đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi, cách vị trí va chạm khoảng 130 hải lý). Sau một đêm chạy liên tục, 14h chiều hôm sau, tàu về tới đảo Lý Sơn.
Chỉ kịp ăn vội bát cơm, các chiến sĩ tàu 4033 lại gia cố lỗ thủng trên mũi tàu để tiếp tục ra khơi bảo vệ tàu Bình Minh 02 đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Hoàng Sa vì thông tin báo về có hai tàu Trung Quốc tiếp tục vào gây rối. Tuy nhiên, khi tàu 4033 tới nơi thì hai tàu này đã bỏ đi.
Chị Mận (vợ anh Đăng) bón cơm cho bố chồng. |
Được cấp trên tạo điều kiện, anh tức tốc bắt xe về quê chăm sóc mẹ già. Trước đó, vợ anh là chị Nguyễn Thị Mận (25 tuổi, cưới nhau đầu năm 2014) đã phải bỏ dạy học tại Đà Nẵng để về chăm sóc bố mẹ chồng ốm nặng. Nhìn thấy người vợ tần tảo bón từng thìa cơm cho bố, anh Đăng cảm động vô cùng.
“Bản thân tôi suốt ngày ở ngoài biển khơi, chưa khi nào nấu cho vợ một bữa ăn, chưa đưa vợ đi chơi hay mua sắm. Tôi thấy mình hạnh phúc khi có được người vợ như vậy. Cũng may cô ấy hiểu cho hoàn cảnh, công việc của tôi. Tôi thấy mình mang ơn vợ nhiều lắm”, anh Đăng nói.
Xác định đã lấy chồng hải quân thì sẽ chịu thiệt thòi nhưng chị Mận không màng tới. “Chúng tôi đến với nhau vì tình yêu, anh ấy đi bảo vệ tổ quốc, nhiệm vụ thiêng liêng cao cả được nhân dân giao phó, nên tôi phải tự hào chứ không thể hẹp hòi giữ chồng cho riêng mình được”, chị tâm sự.
Hôm anh Đăng xin cắt phép sớm hơn dự định để vào cùng đồng đội làm nhiệm vụ vì tình hình ngoài biển Đông căng thẳng, chị cũng buồn, lo lắng về sự an nguy của chồng. Nhưng vì nhiệm vụ, vì chủ quyền của đất nước, chị chỉ biết gửi gắm những lời yêu thương và động viên chồng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ rồi sớm trở về với quê nhà.
“Anh đi ra nhớ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, sớm trở về với gia đình. Ở nhà, bố mẹ đã có em chăm lo, anh cứ yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ để bảo vệ đất nước”, chị Mận nghẹn ngào.