Thủy sản Trung Quốc 'ngập' chợ
Không chỉ có gia cầm nhập lậu, các loài thủy sản như cá tầm, cá trê, cá lóc, ếch của Trung Quốc cũng đang xuất hiện tràn ngập tại các chợ trên địa bàn thủ đô Hà Nội.
Lực lượng chức năng từ các tỉnh biên giới Quảng Ninh, Lạng Sơn... đến thủ đô Hà Nội thời gian gần đây liên tục phát hiện, bắt quả tang các vụ nhập lậu thủy sản tươi sống từ Trung Quốc.
Cá tầm được chào bán ở chợ Nghĩa Tân - Cầu Giấy chiều 5/5 với giá 165.000 đồng/kg. |
Cá Trung Quốc “dán tem” Việt Nam
Theo khảo sát của phóng viên, cá tầm, cá lóc, ếch Trung Quốc hiện được bày bán rất nhiều trong các chợ ở Hà Nội. Tại chợ đầu mối Yên Sở, quận Hoàng Mai, cá lóc, ếch Trung Quốc có giá từ 70.000 - 75.000 đồng/kg. Sau khi phân phối về các chợ nhỏ, ếch và cá lóc nhập lậu được “dán tem” Việt Nam và đội giá lên từ 100.000 - 120.000 đồng/kg.
Ở chợ Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, vài cửa hàng kinh doanh cá tầm với giá bán khoảng 170.000 đồng/kg. Khi ghé vào một hàng cá, chị chủ hàng đon đả: “Mua cá tầm đi anh, chỉ 165.000 đồng/kg”. Khi được hỏi “Cá tầm Trung Quốc sao lại đắt thế?” thì chủ cửa hàng trả lời: “Làm gì có cá tầm Trung Quốc, ở đây chỉ bán cá của Sa Pa. Mấy hôm trước lễ 30/4, giá rẻ còn 140.000 đồng/kg nhưng giờ khan hàng nên giá lên rồi”.
Chị Dung ( phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) sau một hồi mặc cả đã quyết định mua con cá tầm 2,5 kg với giá 400.000 đồng. “Cũng có nghe về cá tầm Trung Quốc nhưng chẳng biết phân biệt thế nào, còn mua ở siêu thị thì đắt lắm.” - chị Dung nói.
Ông Nguyễn Trọng Cử, Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại đầu tư Việt Đức (chuyên sản xuất, kinh doanh cá tầm thương phẩm tại huyện Tam Đảo - Vĩnh Phúc) cho biết, mỗi ngày có khoảng 13 tấn cá tầm Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam. Các chợ đầu mối tại Hà Nội hiện bán cá tầm giá từ 120.000 - 140.000 đồng/kg; còn các chợ nhỏ giá từ 155.000 - 170.000 đồng/kg.
“Chúng tôi bán buôn tại trang trại đã trên 170.000 đồng/kg rồi. Vì vậy, tôi khẳng định các chợ bán cá tầm với giá đó đều là cá tầm Trung Quốc... Cá tầm được chở bằng xe tải đông lạnh từ Móng Cái (Quảng Ninh) về Hà Nội; thậm chí ở một số khu vực, người Trung Quốc sang tận bên ta để giao cá một cách lộ liễu. Vậy cơ quan kiểm dịch và cơ quan chức năng ở đâu mà không ngăn chặn?” - ông Cử bức xúc.
Tiềm ẩn mầm bệnh
Chiều 6/5, ông Dương Tiến Thể, Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, với các loài thủy sản như: cá trê, ếch, cá lóc thông thường, nếu không phải là động vật ngoại lai thì Việt Nam vẫn cho nhập khẩu. Các doanh nghiệp phải tiến hành kê khai và làm thủ tục với hải quan để được cơ quan thú y cấp giấy kiểm dịch nhằm kiểm soát dịch bệnh.
Tuy nhiên, ông Thể cũng lo ngại các loại thực phẩm chưa được kiểm soát chất lượng sẽ đe dọa sức khỏe người tiêu dùng. “Việc sử dụng thức ăn chăn nuôi tăng trọng để nuôi cá trê, cá lóc, ếch hoặc các loại động vật khác có khả năng gây đột biến gien. Khi sử dụng, người dân có thể mắc bệnh” - ông Thể khuyến cáo.
Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc cơ quan quản lý CITES (công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp) Việt Nam cho biết, đến nay, CITES Việt Nam chưa cấp phép nhập khẩu cá tầm thương phẩm cho bất kỳ doanh nghiệp hay cá nhân nào. Vì vậy, tất cả cá tầm Trung Quốc có mặt ở Việt Nam đều là cá tầm lậu.
“Cá tầm nhập lậu có thể được nuôi trong môi trường công nghiệp với nguồn thức ăn tăng trọng không bảo đảm chất lượng, khó truy suất nguồn gốc. Đây sẽ là nguy cơ mang mầm bệnh cho người tiêu dùng trong nước, thậm chí nó còn nguy hiểm hơn cả gà loại thải của Trung Quốc” - ông Tùng nói.
Doanh nghiệp trong nước “khóc” Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dù rất cố gắng nhưng vẫn có một lượng không nhỏ cá tầm và các loài tôm, cá giống nhập lậu qua biên giới phía Bắc chưa được kiểm soát. Thực tế số lượng hàng nhập lậu còn lớn hơn nhiều so với số lượng đã bị cơ quan chức năng bắt giữ, xử lý. Theo ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký hội nghề cá Việt Nam, hầu hết doanh nghiệp nuôi và kinh doanh cá nước lạnh đang hoạt động rất cầm chừng vì không chịu đựng nổi sự xâm lấn của cá tầm Trung Quốc. “Nếu cơ quan chức năng không ngăn chặn được nạn nhập lậu cá tầm sẽ khiến nghề nuôi cá nước lạnh trong nước bị triệt tiêu” - ông Mưu ngậm ngùi. |
Theo Người Lao Động