Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủy sản tồn cả nghìn tấn, nông dân mang đi bán lẻ

Nhiều nông dân ở Khánh Hòa quá khó khăn do thủy sản tồn trong đìa đã chọn cách mang đi bán lẻ để lấy tiền mua thức ăn duy trì số còn lại và trang trải nợ nần.

Dịch Covid-19 kéo dài khiến hàng trăm tấn thủy sản như ốc hương, tôm, cá bớp… của người dân Khánh Hòa bị tồn đọng gần 2 tháng nay. Hàng không bán được, giá xuống thấp khiến họ nguy cơ trắng tay, lâm cảnh nợ nần.

Sáng sớm, ông Nguyễn Ngọc Hưng, ngụ xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, huy động 5 thành viên trong gia đình ra đìa giăng lưới kéo tôm bán cho thương lái. Số lượng bán lần này không nhiều, nhưng giúp ông vơi đi nỗi lo thường trực gần 2 tháng qua.

“Số lượng tôm bán được không nhiều nhưng vẫn vui vì gần 2 tháng nay không ai mua rồi. Hôm nay họ mua thí điểm bán tại các chợ ở Ninh Hòa và TP Nha Trang. Họ nói nếu thuận lợi sẽ mua thêm”, ông Hưng vui mừng nói và cho biết gia đình vẫn còn gần 20 tấn tôm chưa tiêu thụ được.

Tồn cả nghìn tấn thủy sản

Hộ ông Nguyễn Ngọc Hưng là một trong hàng trăm người nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Khánh Hòa đứng ngồi không yên 2 tháng nay.

Thủy sản nuôi đến vụ thu hoạch thì dịch bệnh ập đến, thương lái không thu mua, giá lại xuống thấp khiến người nuôi điêu đứng.

thuy san ton hang tram tan anh 1

Ốc hương là đặc sản của tỉnh Khánh Hòa và đang tồn hàng trăm tấn do dịch bệnh. Ảnh: Anh Thư.

Theo ông Hưng, thời điểm đầu tháng 9, giá tôm xuống thấp nhất nhiều năm qua nhưng thương lái không mua vì hàng hóa không thể lưu thông. “Tôm tồn quá lâu nên ai cũng gặp khó khăn. Cả tháng nay phải chạy vạy đi mượn tiền để mua thức ăn cầm cự cho đàn tôm không bị đói, chết”, ông Hưng cho biết.

Còn bà Nguyễn Thị Vinh (ngụ xã Vạn Thọ) cho biết giá tôm xuống thấp khiến người nuôi như bà điêu đứng.

“Đa phần người nuôi tôm đều vay mượn ngân hàng và ngoài xã hội. Giờ tôm bị ứ đọng gần 2 tháng trong đìa không còn cách nào xoay trở được. Chỉ mong bán được tôm, dù nhiều ít gì cũng giúp gia đình có tiền trang trải nợ nần và mua thức ăn duy trì tôm dưới đìa chờ ngày hết giãn cách”, bà Vinh bày tỏ.

Tương tự, hàng trăm hộ nuôi ốc hương ở Khánh Hòa cũng “đứng ngồi không yên” nhiều tháng nay. “Giá ốc chỉ còn 145.000 đồng/kg cho loại 100 con. Chưa bao giờ giá lại xuống thấp như thế này, nhưng vẫn khó bán vì dịch bệnh”, ông Ngô Quốc Trung, ngụ phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa, cho biết.

Theo ông Trung, ốc không bán được nên một số hộ tự bắt đi bán lẻ nhưng số lượng không được là bao nhiêu. “Giờ người dân cũng không còn tiền để mua ốc ăn nữa. Chúng tôi nuôi để xuất khẩu hoặc bỏ mối cho các thị trường lớn ở Hà Nội, TP.HCM. Nếu tình hình kéo dài thêm nữa, chúng tôi vỡ nợ mất”, ông Trung buồn bã nói.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa, do dịch bệnh hiện một số nông sản chủ lực của địa phương đã đến kỳ thu hoạch, có sản lượng lớn, nhưng đang tồn đọng với số lượng lớn. Trong đó, cá mú tồn số lượng nhiều nhất với 253 tấn, ốc hương 225 tấn, cá chim 100 tấn, cá bớp 160 tấn…

“Giá các loại thủy sản đều xuống thấp vì dịch bệnh kéo dài, giãn cách xã hội ở nhiều địa phương, trong khi xuất khẩu ngưng trệ. Chúng tôi đang lên phương án để giúp người nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn này”, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa nói.

Kết nối doanh nghiệp với nông dân

Theo bà Trần Thị Anh Thư, Phòng kinh tế huyện Vạn Ninh, đơn vị đã cố gắng liên hệ giúp các đầu mối để bà con bán được thủy sản trong thời gian qua. Nhưng thực tế dịch bệnh kéo dài doanh nghiệp khó khăn, không thể thu mua thủy sản số lượng lớn ngay lúc này.

“Các hộ nuôi ốc hương họ rất muốn xuất bán cả đìa, vì khi bán số lượng ít lúc đánh bắt sẽ ảnh hưởng tới số còn lại. Ốc hương là loài rất nhạy cảm với môi trường nên dễ bị chết. Mà dịch bệnh như thế này rất ít nơi mua hết được cả đìa, nên người nông dân lại càng khó khăn trong khâu tiêu thụ”, bà Thư cho biết.

thuy san ton hang tram tan anh 2

Cá nhân, doanh nghiệp cần mua thủy sản có thể liên hệ trực tiếp các hộ nuôi để thỏa thuận giá. Ảnh: Anh Thư.

Cũng theo bà Thư, hiện một số đơn vị là doanh nghiệp lớn trong tỉnh và siêu thị có liên hệ để mua giúp nông dân hàng thủy sản tồn đọng. “Trước mắt huyện hy vọng giúp bà con bán được hàng, còn số lượng bao nhiêu chưa quan trọng. Vì có bán được hàng thì bà con mới có kinh phí duy trì số thủy sản còn lại trong đìa, lồng”, bà Thư nói.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa, nắm bắt việc bà con nông dân gặp khó khăn, hàng thủy sản tồn đọng vì dịch bệnh, địa phương đã chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp sở, ngành khẩn trương lên kế hoạch để tiêu thụ giúp người dân trong giai đoạn khó khăn này.

“Sở NN&PTNT phải lên kế hoạch và cung cấp đầu mối để các siêu thị, thương lái và doanh nghiệp biết nơi cần mua ở đâu, loại nông sản gì. Nhiều người biết nông dân gặp khó nhưng không biết nơi nào để liên hệ, giờ tỉnh giao trách nhiệm cho Sở NN&PTNT làm đầu mối chính và công khai các chương trình giúp nông dân”, vị lãnh đạo này nói và cho biết doanh nghiệp, thương lái và các siêu thị giờ có thể qua đầu mối của Sở NN&PTNT tỉnh để xin địa chỉ, số điện thoại liên hệ trực tiếp với nông dân thỏa thuận giá cả và số lượng cần mua mà không cần qua thương lái hay môi giới như trước đây.

Doanh nghiệp ở Nha Trang chuẩn bị gì để đón khách trở lại?

Các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ ở Khánh Hòa cho biết đã có nguồn khách. Họ kiến nghị cần có các tiêu chí, quy định cụ thể để tổ chức đón khách an toàn.

Vì sao Khánh Hòa muốn dời ga Nha Trang ra ngoại thành?

Trong hai phương án di dời ga Nha Trang, doanh nghiệp đều đề xuất dành một quỹ đất để xây chung cư cao 30 tầng, công trình hỗn hợp 35 tầng, nhà ở thương mại, nhà liền kề.

Xuân Hoát

Bạn có thể quan tâm