Để đánh giá tính hiệu quả trong công tác chống dịch của Thụy Điển, người ta có thể nhìn vào cuộc sống của người dân tại khu vực Gothenburg, theo Financial Times.
Trong 3 tháng qua, hơn một nửa số bệnh nhân cao tuổi tại viện dưỡng lão Gerashus đã tử vong, phần lớn trong số đó chết vì nhiễm Covid-19. Ở thời điểm bùng phát dịch, khoảng hai phần ba số nhân viên điều dưỡng không có mặt để làm nhiệm vụ.
Mặt khác, một quảng trường tại Gothenburg lại là nơi người dân thoải mái mua sắm và gặp gỡ bạn bè. Người lớn đứng cách nhau vài mét để chờ tàu điện trong khi trẻ em dưới 16 tuổi vẫn đến trường. Mọi người luôn tự giác giãn cách xã hội dù không đeo khẩu trang.
“Cuộc sống vẫn vậy. Mọi người không nghĩ nhiều về virus. Ai nấy đều hối hả với nhịp sống thường ngày”, Adrian, một người bán hàng 58 tuổi, chia sẻ.
Là quốc gia duy nhất tại châu Âu không ban hành lệnh phong toả, Thụy Điển có cách tiếp cận khá mềm mỏng trước sự bùng phát của virus corona. Do đó, chiến lược khác thường này luôn thu hút sự quan tâm của dư luận.
Khi dịch mới khởi phát, người Thụy Điển tin rằng các chuyên gia y tế đang dẫn dắt họ chống dịch một cách lý trí. Họ cho rằng nhiều quốc gia khác đang phản ứng thái quá dưới sự ảnh hưởng của các chính trị gia.
Nhà dịch tễ học hàng đầu Thụy Điển, Anders Tegnell - người đứng đầu chiến lược chống dịch của nước này. Ảnh: Reuters. |
Song số liệu về dịch cho thấy Thụy Điển đang phải trả giá đắt cho cách tiếp cận lỏng lẻo. Tỷ lệ tử vong cao đang khiến người dân hoang mang và nghi ngờ đội ngũ chuyên gia họ từng tin tưởng, bao gồm nhà dịch tễ học hàng đầu Anders Tegnell.
Cuộc sống có thật sự bình thường?
Tính đến ngày 5/7, hạt Vastra Gotland của Thụy Điển, nơi có tổng dân số khoảng 1,6 triệu dân, ghi nhận hơn 650 ca tử vong vì Covid-19. Trong khi đó, số liệu tử vong trên toàn quốc đã vượt lên tới 5.420 trường hợp.
Hạt Vastra Gotland có tổng số ca tử vong nhiều hơn Đan Mạch (589 trường hợp), Phần Lan (326 trường hợp) và Na Uy (242 trường hợp), dù dân số chỉ bằng 1/3 các nước này.
Mọi người luôn tự giác giãn cách xã hội dù không đeo khẩu trang. Ảnh: Business Insider. |
Mục sư trong vùng, Henrik Tornqvist, nhận thấy cuộc sống dần thay đổi. Trước khi có dịch, mục sư chỉ tổ chức 3-4 đám tang trong một tháng. Giờ đây, số đám tang tăng gấp 4 lần. Cũng theo ông Tornqvist, người dân hạn chế đến hành lễ tại nhà thờ.
“Các hộ kinh doanh và cơ sở dịch vụ vẫn được phép hoạt động song cuộc sống không còn như trước nữa”, ông Tornqvist nhận xét. Mục sư trưởng của Gothenburg, Maria Ottensten, chia sẻ: “Chúng ta không thể phong toả mãi mãi song chúng ta có thể duy trì tình trạng này”.
Điểm sáng hiếm hoi
Duy trì được hệ thống giáo dục chính là điểm sáng trong chiến lược chống dịch của Thụy Điển. Cụ thể, nước này vẫn cho phép học sinh dưới 16 tuổi đến trường trong khi những học sinh lớn hơn có thể học tập từ xa.
Được phần lớn người dân hoan nghênh, quyết định này vừa giúp trẻ nhỏ không bị cô lập xã hội, vừa hỗ trợ các bậc phụ huynh yên tâm làm việc. Stefan, một giáo viên tiểu học, chia sẻ: “Nếu trường học đóng cửa, cả xã hội sẽ sụp đổ theo vì nhiều người phải ở nhà trông con”.
Thụy Điển cho phép học sinh dưới 16 tuổi đến trường. Ảnh: Euro News. |
Gitte Caous, một quan chức cấp cao tại quận Eastern Gothenburg, nhận định Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất mà còn là mối nguy hại đối với sức khoẻ tinh thần: “Nhiều người có thể nghĩ quẩn nếu bị cô lập xã hội”.
Tại trường Cao đẳng SFK, bà Camilla Alenas là giáo viên chủ nhiệm của 96 học sinh. Bà Alenas cho biết 3 tháng qua là một thách thức lớn: “Chúng tôi phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khoẻ tinh thần. Lũ trẻ phải đương đầu với những điều mà chúng chưa từng biết đến”.
Thiệt hại kinh tế
Bà Alenas cũng lo lắng về nền kinh tế suy thoái sau đại dịch: “Đây là thời điểm tồi tệ cho các sinh viên bước chân vào thị trường việc làm”.
Chuỗi ngân hàng SEB dự đoán chỉ số GDP của Thụy Điển sẽ giảm 5% trong khi tỉ lệ thất nghiệp đạt mức 12% trong năm nay.
Song đơn vị này cho rằng nền kinh tế Thụy Điển sẽ làm tốt hơn nền kinh tế tại các quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch như Anh, Pháp, Italy hay Tây Ban Nha.
Giám đốc điều hành Hakan Samuelsson của công ty sản xuất ôtô Volvo cho biết doanh số bán hàng tại châu Âu giảm 50% trong tháng 5, song khẳng định tình hình “sẽ tốt hơn nhiều” vào tháng 6.
Chỉ số GDP của Thụy Điển sẽ giảm 5% trong khi tỉ lệ thất nghiệp đạt mức 12% trong năm nay. Ảnh: AFP. |
Ông Samuelsson đang mong chờ nền kinh tế hồi phục theo hình chữ V: “Dịch bệnh sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế. Song chúng ta không thể đình trệ cho đến lúc tìm ra vaccine”.
Cũng theo ông Samuelsson, người ta hay bàn về số người tử vong vì dịch bệnh nhưng lại quên mất số người chết vì nghiện rượu hay tự tử. “Một nền kinh tế yếu kém sẽ gây ra nhiều vấn đề xã hội. Chính giới cần nhận thức được hệ quả tiêu cực của việc phong toả”.
Người cao tuổi phải trả giá
Phần lớn số ca tử vong tại Thụy Điển là người cao tuổi trong các viện dưỡng lão. Inger Bomark, quan chức chuyên trách các vấn đề hưu trí tại Gothenburg, cho biết 66% điều dưỡng viên là nhân viên thời vụ, thiếu kỹ năng giao tiếp và kiến thức chuyên môn.
“Chúng tôi đã thất bại trong việc bảo vệ người cao tuổi”, điều dưỡng viên Anna Skarsjo cho rằng Thụy Điển đang phải trả giá sau nhiều thập kỷ lơ là việc quản lý và vận hành các cơ sở hưu trí.
Cũng theo cô Skarsjo, nhiều viện dưỡng lão tại nước này không được chuẩn bị cho đợt bùng phát dịch.
“Chúng tôi đã thất bại trong việc bảo vệ người cao tuổi”. Ảnh: CNN. |
Tại Gothenburg và nhiều khu vực khác ở Thụy Điển, cuộc sống của người dân vẫn lặng lẽ trôi qua, song hành với mối lo ngại về đại dịch Covid-19. Tính hiệu quả của chiến lược chống dịch vẫn là một câu hỏi đối với người dân Thụy Điển.
“Chúng ta đang cùng nhau vượt qua cuộc khủng hoảng này và chưa biết mình đang làm đúng hay sai. Quan điểm của chúng ta có thể thay đổi song tôi tin rằng chúng ta sẽ thấy bất ngờ khi đánh giá lại bức tranh toàn cảnh”, Leif Dotevall, cán bộ kiểm soát bệnh truyền nhiễm tại Gothenburg kết luận.