Sáng 25/6, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết do mưa lớn kèm lũ ống xuất hiện ở một số tỉnh miền núi phía Bắc ngày 22-24/6. Từ 0h ngày 24/6 đến 9h ngày 25/6 đã xuất hiện đợt lũ về các hồ chứa thủy điện bao gồm: Lai Châu, Sơn La, Bản Chát (huyện Than Uyên, Lai Châu) và Tuyên Quang.
Lưu lượng nước về các hồ Bản Chát và Sơn La đang xuống. Lưu lượng về các hồ Lai Châu và Tuyên Quang đang lên. Cụ thể, hồ Bản Chát đạt đỉnh 6.685 m3/s vào lúc 13h45 ngày 24/6; hồ Sơn La đạt đỉnh 7.523 m3/s lúc 0h ngày 25/6. Lưu lượng nước về hồ thủy điện Lai Châu lúc 9h là 8.115 m3/s.
Đơn vị này cũng cho biết, hồ Lai Châu sẽ vận hành xả lũ, lưu lượng xả dự kiến lớn nhất xấp xỉ 8.000 m3/s. Thực hiện quy trình điều tiết hồ chứa, thủy điện Lai Châu dự kiến sẽ vận hành mở 1-5 cửa xả mặt và 2 cửa xả đáy vào lúc 13h hôm nay.
EVN thông tin thêm với tình hình mưa lũ tại một số tỉnh phía Bắc, hệ thống điện 500 kV và 220 kV vẫn vận hành bình thường. Tuy nhiên, hệ thống điện 110 kV có 2 vị trí cột bị sạt lở, đã được gia cố tạm và tiếp tục theo dõi, không ảnh hưởng đến cung cấp điện.
Lũ quét khiến giao thông bị chia cắt (quốc lộ 32) ở Lai Châu. Ảnh: Thiệu Quang. |
Ngoài ra, lưới điện trung áp ở một số khu vực tại Lai Châu và Hà Giang ảnh hưởng đến cung cấp điện do mưa lũ, ngập nước, một vài khu vực bị sạt lở, tuy nhiên thiệt hại cụ thể chưa thống kê được.
Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) và các đơn vị liên quan bám sát tình hình, tập trung nhân lực, phương tiện và vật tư để cố gắng khôi phục cấp điện trở lại nhanh nhất có thể sau khi nước rút.
Trước tình hình mưa lũ, đêm 24/6, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cùng đoàn công tác lên đường đi Lai Châu theo tuyến quốc lộ 32 từ Yên Bái sang huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu.
Theo ông Hoài, quốc lộ 32 từ Yên Bái sang Lai Châu bị mưa lũ gây sạt lở khoảng 20 m, các phương tiện không thể đi qua. Đoàn công tác của Tổng cục Phòng chống thiên tai phải tìm cách đi bộ qua đoạn đường bị sạt lở để sang địa bàn Lai Châu.
Tổ công tác Tổng cục Phòng chống thiên tại đến kiểm tra tình hình mưa lũ ở Lai Châu. Ảnh: Thiệu Quang. |
"Qua kiểm tra tại một số điểm xảy ra mưa lũ, tình hình rất phức tạp khi nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng nặng. Công tác ứng phó được tập trung cao nhất cho việc tìm kiếm người dân mất tích", ông Hoài cho hay
Trao đổi với Zing.vn, ông Vũ Văn Luật, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu, cho biết tính đến 10h sáng cùng ngày, lũ quét và sạt lở đất khiến 17 người chết và mất tích, thiệt hại nặng về kinh tế.
Các tuyến quốc lộ huyết mạch như: quốc lộ 279, quốc lộ 4D, quốc lộ 12 kết nối Lai Châu với các tỉnh lân cận bị mưa lũ làm đứt gãy, sạt lở khiến địa phương này bị cô lập. Ước tính, tổng khối lượng đất đá sạt lở trên các tuyến quốc lộ, đường liên tỉnh, liên huyện lên tới 650.000 m3.
Tính đến 14h ngày 25/6, theo thống kê từ các địa phương, ít nhất 11 người thiệt mạng (Lai Châu 8, Hà Giang 3), 10 người mất tích và 5 người bị thương trong đợt mưa lũ ở khu vực miền núi phía Bắc.
Về thiệt hại tài sản, báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cho hay lũ lớn, sạt lở đất khiến 47 ngôi nhà bị đổ, cuốn trôi; hơn 260 ngôi nhà bị hư hỏng và di dời khẩn cấp và 525 nhà bị ngập nước.
Bên cạnh đó, các tuyến đường quốc lộ 4D, 279 từ Lào Cai đi Lai Châu bị sạt lở, giao thông chia cắt. Một số tuyến đường tỉnh lộ thuộc Lai Châu bị vùi lấp, gây tắc nghẽn giao thông như: tỉnh lộ 128 đoạn Chăn Nưa - Sìn Hồ qua xã làng Mô, đường làng Mô - Tủa Sín Chải, đường Mường Mô - Mường Tè. Tổng thiệt hại ước tính hơn 76,6 tỷ đồng.