Thương vụ mua lại hệ thống Big C Việt Nam đã kết thúc, khi Central Group giành thắng lợi với mức giá 920 triệu euro (tương đương 1,05 tỷ USD). Điều tiếc nuối là Saigon Co.op đã thất bại trong cuộc đấu tay đôi ở vòng đấu thầu cuối cùng vì lý do khách quan của cơ chế. Mặc dù thương vụ chỉ hoàn tất trong gần nửa năm, nhưng cuộc chiến thâu tóm này cho thấy sự rượt đuổi quyết liệt để sở hữu chuỗi bán lẻ của các ông lớn.
Big C Việt Nam bị bán do kinh doanh tốt
Tập đoàn Casino rao bán Big C Việt Nam vào cuối năm 2015, thời điểm mà thị trường bán lẻ Việt Nam đang có những chuyển đổi mang tính lịch sử. Trong lúc hàng loạt tên tuổi đang muốn dồn sức mở bằng được chuỗi bán lẻ tại Việt Nam, thì Big C, một ông lớn có vị thế rõ ràng tại đây lại đi theo chiều ngược lại. Tất nhiên, khi được bật đèn xanh thì hầu như các tập đoàn lớn mạnh đều muốn tham gia vào cuộc thâu tóm “đế chế” một thời này.
Big C đối với Central Group là một điều đặc biệt, vì chuỗi bán lẻ này chính là “con đẻ” của tập đoàn từ năm 1993. Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế năm 1997, Central phải bán lại Big C cho Casino Group. Nhưng mong mỏi giành lại “đứa con bị bỏ rơi” năm xưa là động lực chính để Central Group thể hiện quyết tâm trong thương vụ này.
Nhìn vào những điểm mạnh của Big C Việt Nam, thì động thái của Casino không phải là một vụ thoái vốn theo nghĩa tiêu cực, mà là cách họ cơ cấu lại tài sản của mình. Nhà bán lẻ Pháp đứng thứ 15 trên thế giới này đã đầu tư tại Việt Nam hơn 20 năm, và đang giữ vị trí thống lĩnh tại thị trường Nam Mỹ (số1 tại Brazil và Colombia).
Thị trường Đông Nam Á được Casino đánh giá rất cao, với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh và đang có rất nhiều tiềm năng.
|
Thương vụ BigC Việt Nam khép lại với nhiều bất ngờ. |
Nhưng trước sức ép từ việc vay nợ quá nhiều, Casino quyết định giảm bớt 4 tỷ USD nợ vay, thông qua việc bán các tài sản, trong đó có Big C Thái Lan và Việt Nam. Thái Lan và Việt Nam là hai thị trường giàu tiềm năng với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nên sẽ giúp Casino dễ bán tài sản này và thu tiền về trong thời gian ngắn nhất.
Cao thủ quần hùng
Do quan ngại về mức giá cao nên tham gia vào cuộc chiến này ban đầu là các Tập đoàn có thế lực đến từ Thái Lan và Nhật Bản. Cụ thể, hai ông lớn bán lẻ của Thái Lan là TCC Holding và Central Group là những nhân vật đến sớm nhất trong cuộc “quần hùng” này.
TCC Holding đang tích trữ đầu tư nước ngoài và mở rộng tại các thị trường đang phát triển mạnh trong khu vực, như Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam, để bù đắp phần thiếu hụt do nhu cầu thấp tại nội địa. Do đó, việc sở hữu được Big C Việt Nam là một kế hoạch lớn trong mục tiêu này.
Central Group là một ông trùm bán lẻ Thái Lan được nhiều người Việt Nam biết đến, thông qua thương vụ mua lại 49% cổ phần của Nguyễn Kim. Không dừng lại ở đó, hầu như các chuỗi bán lẻ lớn xuất hiện ở Việt Nam đều bị đại gia này nhòm ngó và luôn tỏ ra ham muốn.
Big C đối với Central Group là một điều đặc biệt, vì chuỗi bán lẻ này chính là “con đẻ” của tập đoàn từ năm 1993. Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế năm 1997, Central phải bán lại Big C cho Casino Group. Nhưng mong mỏi giành lại “đứa con bị bỏ rơi” năm xưa là động lực chính để Central Group thể hiện quyết tâm trong thương vụ này.
Tuy không thể hiện ra mặt, nhưng Aeon Thái Lan thuộc Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) cũng tỏ ra quan tâm. Một nhà điều hành của Aeon Thái Lan cho biết, họ đang có kế hoạch đầu tư lớn để mở rộng kinh doanh bán lẻ trong 5 năm tới. Vì vậy, Big C cũng là một mục tiêu hấp dẫn. Song với tâm lý “ăn chắc mặc bền” của người Nhật thì họ cũng dừng lại ở mức độ quan sát. Một lãnh đạo tập đoàn này cho hay “Chúng tôi sẽ mua nếu giá cả hợp lý”.
Lotte (Hàn Quốc), Dairy Farm (Hong Kong) cũng đã xuất hiện trong cuộc tranh đấu này ngay sau đó. Cách của những đại gia đến sau này cũng như những ông lớn đi trước, sợ để mất Big C Việt Nam sẽ là sự nuối tiếc trong việc đẩy mạnh phát triển hệ thống bán lẻ tại Việt Nam.
BigC Việt Nam được bán khi đang mang lại doanh thu và lợi nhuận tốt cho công ty mẹ tại Pháp. Ảnh: Wikipedia. |
Dù rằng tiềm lực tài chính vẫn chưa thể bì kịp với các ông lớn nước ngoài, nhưng trước việc chuyển giao một thương hiệu lớn trên lãnh thổ Việt Nam nên các doanh nghiệp nội không muốn làm “quan sát viên”. Hai gương mặt đại diện cho doanh nghiệp Việt Nam là Massan và Saigon Co.op đã chính thức tham dự vào của đua tỷ đô này.
Kết cục bất ngờ và nuối tiếc
Quá trình đàm phán để sở hữu Big C Việt Nam chỉ kéo dài trong vòng 6 tháng với 3 đợt mở thầu chính thức. Qua mỗi vòng thầu, mỗi đơn vị tham gia lại đưa mình vào vị trí ứng cử viên hàng đầu. Tuy vậy, những thông tin chính thức về các đơn vị lọt qua các vòng đấu thầu ra sao luôn được phía Big C giấu kín.
Theo Wall Street Journal, vòng đấu thầu đầu tiên của thương vụ này đã được các nhà đầu tư nộp hồ sơ trước hạn chót mà tập đoàn Casino đưa ra, là ngày 10/3. Casino xem xét hồ sơ của 5 đơn vị đấu thầu, và các đơn vị này phải đưa ra các kế hoạch tài chính đầy đủ trước thời điểm giữa tháng 4.
Sau đó ít lâu, ông Diệp Dũng, Chủ tịch Saigon Co.op thông tin về việc đơn vị này đã lọt vào vòng đấu thầu thứ 2, và thông tin về đối thủ trong vòng đấu thầu này vẫn không được tiết lộ. Cho tới sáng ngày 29/4, trong Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2016, người đứng đầu Saigon Co.op cũng chia sẻ, doanh nghiệp này đã lọt vào vòng đấu thầu cuối cùng với một tập đoàn của Thái Lan. Đây là một kết cục gây bất ngờ, bởi tham gia đấu thầu có rất nhiều đối thủ lớn nước ngoài.
Ông Dũng bày tỏ cùng Thủ tướng tại hội nghị: “Dù có mặt ở vòng cuối cùng, nhưng phía bán cũng nêu khó khăn là thương vụ này được mua bán bởi công ty nước ngoài đặt ở châu Âu. Họ lo ngại liệu Sài Gòn Co.op có xin được giấy phép đầu tư nước ngoài hay không? Chúng tôi cho rằng sẽ được ủng hộ, nhưng bạn lo âu và đã đặt chúng tôi vào tình thế khó khăn hơn đối thủ cạnh tranh”.
Như Zing.vn đã đưa thông tin, dù đã được Thủ tướng ủng hộ về cơ chế nhưng thời gian lại không ủng hộ Saigon Co.op. Ngay trong buổi chiều cùng ngày, thương vụ đã được chốt hạ. Big C chính thức về tay Central Group với giá 920 triệu euro khiến không ít người nuối tiếc, khi Saigon Co.op đã vượt qua nhiều đối thủ để đi đến vòng đấu cuối cùng. Hy vọng biến Big C trở thành một thương hiệu thuần Việt đã không còn.
Một tình tiết bất ngờ sau khi Big C đổi chủ chính là sự xuất hiện của Nguyễn Kim. Đây là nội dung thông cáo báo chí Tập đoàn Thái Lan Central Group phát đi ngày 29/4, thông báo về thương vụ thâu tóm chuỗi siêu thị Big C tại Việt Nam.
Cụ thể, cả Central Group và Nguyễn Kim Group nhận chuyển nhượng hệ thống Big C Việt Nam với tổng giá trị giao dịch 920 triệu euro (khoảng 1,05 tỷ USD). Chi tiết về việc tham gia của Nguyễn Kim Group cũng như tỷ lệ tham gia góp vốn vào thương vụ này chưa được hai bên công bố.
Thông cáo báo chí của tập đoàn Casino cũng thông tin rằng, Central Group cùng với Nguyễn Kim Group sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược của Big C Việt Nam, đặc biệt là liên quan đến việc tìm nguồn cung ứng hàng hóa sản xuất tại Việt Nam cho các cửa hàng Big C.
Mua bán khép lại, hành trình đòi thuế mở ra
Big C Việt Nam về tay Central Group cũng khiến cơ quan thuế gặp khó trong việc thu thuế chuyển nhượng của hệ thống bán lẻ này. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực thuế, thương vụ chuyển nhượng Big C Việt Nam tương tự như vụ Metro Cash & Carry chuyển giao hệ thống siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam cho TCC Holding (Thái Lan) hồi cuối năm ngoái. Thời điểm đó, cơ quan thuế Việt Nam cũng khá vất vả mới thu được 1.911 tỷ đồng, sau khi tìm kiếm cơ sở và thương lượng cũng như đấu tranh pháp lý gay go.
Nếu thương vụ chuyển nhượng Metro cũng như thương vụ chuyển nhượng Big C Việt Nam do một doanh nghiệp trong nước thành lập, thì việc thu thuế chuyển nhượng không khó. Nhưng thương vụ do hai đối tác nước ngoài thực hiện và thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam, khiến cơ sở pháp lý cho việc thu thuế của Việt Nam rất yếu (do đơn vị quản lý Big C Việt Nam được Casino Group thành lập tại “thiên đường thuế” Hong Kong, đối tác chuyển nhượng tại Thái Lan). Thêm nữa, việc chuyển nhượng này có thể sẽ không dẫn tới việc thay đổi giấy phép, người đại diện của Big C Việt Nam, nên càng khó khăn cho cơ quan thuế.