Theo dự kiến chương trình phiên họp thứ 6 (diễn ra từ ngày 9 đến 11/1), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các dự án luật như Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi), Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Cảnh vệ…
Đáng chú ý, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về việc xử lý kỷ luật đối với các cán bộ, công chức đã nghỉ hưu.
Theo chương trình, chiều 11/1, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình. Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào cuối phiên họp.
Trước đó, chương trình dự kiến phiên họp thứ 5 của Ủy ban thường vụ Quốc hội vào tháng 12/2016 đã đưa nội dung này vào để các đại biểu thảo luận.
Ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Công Thương bị phê phán nghiêm khắc trước Quốc hội. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết đây là nội dung quan trọng cần có thêm thời gian để nghiên cứu thấu đáo, nên Chính phủ chưa kịp chuẩn bị để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 12 như dự kiến.
Liên quan đến vấn đề này, trong Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 vừa qua, Quốc hội đã phê phán nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016.
Ông Hoàng đã có những vi phạm về công tác cán bộ trong thời gian đảm nhiệm chức vụ nêu trên, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương, gây bức xúc trong xã hội, được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn.
Quốc hội giao các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý công bằng và nghiêm minh các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu.