Một nguồn tin nội bộ vừa tiết lộ với Washington Post thương vụ mua lại Twitter của Elon Musk đang đứng trên bờ vực sụp đổ. Nguyên nhân là Musk cho rằng những số liệu về tài khoản spam/giả mạo Twitter cung cấp đều là sai sự thật.
Đội ngũ của vị tỷ phú cũng đã ngừng liên hệ với các bên tài trợ giúp ông hoàn tất thương vụ trị giá 44 tỷ USD.
Lý do Musk muốn rút lui
Cụ thể, trong vài tuần gần đây, các cuộc thảo luận với nhà đầu tư đã có dấu hiệu chững lại do Musk nghi ngờ về độ xác thực của những thống kê dữ liệu người dùng trên Twitter. Đội ngũ của ông cho rằng Twitter đã không tuân thủ các nghĩa vụ trong thỏa thuận sáp nhập, khiến họ không nhận được đủ thông tin để hoàn tất vụ mua bán.
Đội ngũ Elon Musk đang tính cách mới cho thương vụ với Twitter. Ảnh: New York Times. |
Do đó, đội điều tra của Musk kết luận rằng họ không thể xác minh số liệu thực về tài khoản giả mạo trên Twitter, đồng thời sẽ đề ra hướng đi mới cho thương vụ.
Theo Washington Post, thống kê tài khoản giả không phải là nguyên nhân duy nhất khiến Elon Musk mua lại Twitter chưa thành công. Kể từ khi ông công bố thông tin thâu tóm vào tháng 4, giá cổ phiếu của công ty mạng xã hội đã lao dốc nặng nề, khiến con số 44 tỷ USD mà ông đề xuất ban đầu trở nên quá đắt.
Trước đó, vị tỷ phú gốc Nam Phi đã làm mạng xã hội dậy sóng khi yêu cầu mua lại Twitter và biến mạng xã hội này thành công ty tư nhân. Ông khẳng định sẽ khiến mạng xã hội “chim xanh” trở nên cởi mở hơn và đề cao quyền tự do ngôn luận. Musk thậm chí còn nói rằng sẽ trả lại tài khoản của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tuy nhiên, thị trường công nghệ lại rơi vào chuỗi ngày ảm đạm khi cổ phiếu liên tục bị bán tháo. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến khối tài sản cá nhân của vị tỷ phú, khiến ông khó lòng gom đủ tiền mua Twitter.
Khó "chia tay" êm đẹp
Nhưng Musk sẽ khó lòng rời khỏi thương vụ một cách trót lọt do vướng phải những điều khoản của thương vụ. Cụ thể, cả Musk và Twitter đều nhất trí đền bù 1 tỷ USD cho bên còn lại nếu có hành động đơn phương chấm dứt hoặc ảnh hưởng đến hợp đồng trừ khi có “sự kiện bất lợi nghiêm trọng” xảy ra.
Các chuyên gia cho rằng việc Twitter công bố sai số liệu tài khoản giả không được coi là lý do hợp lệ để Musk thoát khỏi phí bồi thường hợp đồng.
Dù khẳng định cam kết mua lại Twitter, Musk vẫn có khả năng bỏ cuộc vì tổn thất do thị trường công nghệ lao dốc. Ảnh: Cnet. |
Sau khi thương vụ được công bố, giá trị của Twitter đã lao dốc thảm hại, buộc họ phải kiên quyết theo đuổi vụ mua bán này đến cùng. Do đó, nếu Musk từ bỏ thương vụ chỉ vì cảm thấy phải trả quá nhiều tiền, Twitter thậm chí có quyền kiện vị tỷ phú bên cạnh việc nhận về 1 tỷ USD phí chia tay.
“Twitter sẽ tiếp tục hợp tác với Musk để cung cấp những thông tin giúp hoàn thành giao dịch và tuân thủ thỏa thuận sáp nhập. Chúng tôi tin rằng thỏa thuận này sẽ có lợi với tất cả cổ đông”, đại diện của Twitter nhấn mạnh.
Do đó, nhiều nghi ngại đã nổ ra vì ông liên tục có dấu hiệu muốn trì hoãn thương vụ. Musk đã quay ngoắt thái độ với thương vụ và cho biết mọi thứ chỉ có thể tiến triển khi mạng xã hội này chứng minh thông tin về số lượng tài khoản spam và giả mạo dưới 5%.
Bất chấp lời giải thích của CEO Twitter Parag Agrawal, Musk vẫn cho rằng số liệu đang không được xác thực. “Twitter tỏ ra bất hợp tác với chúng tôi”, một nguồn tin thân cận cho biết.
Washington Post nhận định việc Musk liên tục trì hoãn hoàn tất thương vụ cũng có thể là chiêu trò hòng ép giá Twitter, bởi đây không phải quý đầu tiên Twitter báo cáo số lượng tài khoản spam, giả mạo dưới 5%.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng con số này trên thực tế có thể sẽ còn cao hơn. Đồng thời, bản thân Musk cũng phải đối mặt với nhiều tài khoản ảo chuyên bình luận dưới những bài đăng của ông trong suốt thời gian qua.
Song, trong báo cáo dữ liệu gửi đến Musk, Twitter cho biết mỗi quý đều thống kê lượng người dùng hàng ngày để xác định danh tính của họ. Vì thế, mạng xã hội tin chắc rằng con số 5% tài khoản giả mạo là chính xác.