Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thượng viện Mỹ thúc đẩy dự luật trừng phạt TQ trên Biển Đông

Các nghị sĩ Mỹ một lần nữa đệ trình đạo luật tăng cường giám sát và xử phạt các cá nhân hoặc công ty Trung Quốc tham gia hoạt động phi pháp trên Biển Đông và biển Hoa Đông.

Nghị sĩ từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Thượng viện ngày 23/5 đề xuất lại một dự luật yêu cầu chính phủ Mỹ trừng phạt cá nhân và tổ chức nào liên quan đến các hoạt động "nguy hiểm và bất hợp pháp" của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông, theo South China Morning Post.

Dự thảo mang tên "Đạo luật Trừng phạt Biển Đông và biển Hoa Đông" nếu được thông qua sẽ yêu cầu chính phủ Mỹ tịch thu các tài sản tài chính đặt tại Mỹ của bất kỳ ai tham gia vào "các hành động hay chính sách đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định" ở những khu vực thuộc Biển Đông tồn tại tranh chấp giữa Trung Quốc với một hoặc nhiều thành viên ASEAN. Một biện pháp trừng phạt khác là hủy thị thực hoặc cấm nhập cảnh.

dao luat ve Bien Dong anh 1
Trung Quốc bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa trái phép đảo nhân tạo tại Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Planet Labs.

"Dự luật có sự ủng hộ của cả hai đảng, nhằm củng cố những nỗ lực của Mỹ và các đồng minh phản đối hành động quân sự hóa phi pháp và nguy hiểm của Bắc Kinh trên các lãnh thổ họ chiếm đóng ở Biển Đông", Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio nhấn mạnh.

"Dự luật này nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong việc duy trì một khu vực tự do và mở cho mọi quốc gia, buộc chính phủ Trung Quốc phải trả giá vì hành động bắt nạt và cưỡng ép một số nước khác trong khu vực", ông nhận định.

Dự luật này cũng yêu cầu ngoại trưởng Mỹ định kỳ sáu tháng phải gửi báo cáo cho quốc hội danh sách những cá nhân hoặc công ty Trung Quốc liên quan đến những dự án xây dựng và phát triển phi pháp tại các vùng tranh chấp trên Biển Đông. Các dự án này bao gồm hoạt động cải tạo, xây dựng đảo nhân tạo, xây dựng hải đăng và các công trình liên lạc viễn thông.

Những cá nhân hoặc công ty tiếp tay hoặc tham gia vào các hoạt động đe dọa "hòa bình, an ninh và ổn định" ở những khu vực trên biển Hoa Đông đang được Hàn Quốc hoặc Nhật Bản quản lý cũng nằm trong diện bị trừng phạt.

dao luat ve Bien Dong anh 2
Thượng nghị sĩ Marco Rubio của đảng Cộng hòa. Ảnh: AFP.

Dự luật này từng được Thượng nghị sĩ Rubio, với sự ủng hộ của đồng nghiệp bên đảng Dân chủ là Benjamin Cardin, đệ trình vào năm 2017. Tuy nhiên, bản dự thảo không qua được Ủy ban Đối ngoại và trình ra toàn thể Thượng viện. Một dự luật muốn được thông qua phải được Thượng viện và Hạ viện Mỹ bỏ phiếu tán thành và được tổng thống phê duyệt.

Các nghị sĩ Rubio và Cardin hy vọng dự thảo mới sẽ có một kết quả khác. Một phần lý do cho sự tự tin lần này là sự xuất hiện của Nghị sĩ James Risch, người vừa kế nhiệm đồng nghiệp thuộc đảng Cộng hòa là ông Bob Corker để trở thành chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. Ông Risch từ khi nhậm chức vào tháng 1 luôn xem việc giám sát các chính sách và cách hành xử của Bắc Kinh sẽ là dấu ấn của nhiệm kỳ.

"Chúng tôi rất lạc quan, đặc biệt khi ông Risch khá quan tâm về các vấn đề Trung Quốc", người phát ngôn của văn phòng nghị sĩ Marco Rubio ngày 22/5 cho biết, đồng thời bổ sung các nội dung của dự thảo lần này không thay đổi so với năm 2017.

Đội tàu TQ tràn xuống Biển Đông cào nghêu, đe dọa hủy hoại môi trường

Sau khi giảm hoạt động giai đoạn 2016-2018, chuyên gia CSIS phát hiện những đội tàu đánh bắt nghêu Trung Quốc đổ về Biển Đông với số lượng lớn trong sáu tháng qua.

Trung Quốc mời đàm phán Biển Đông song phương, Malaysia nói không

Trung Quốc muốn thúc đẩy đàm phán song phương các vấn đề Biển Đông thay vì có ASEAN tham gia. Ngoại trưởng Malaysia đã từ chối và yêu cầu phải làm đối thoại theo nhóm.



Thanh Danh

Bạn có thể quan tâm