Lại sắp nhận được bao nhiêu lời nhắn trong Facebook rồi đây. Nội dung sẽ là tết rồi về đi về đi Hà Nội lại thực là Hà Nội vì đã vắng đã có lại những im lặng của bọn mình.
Chưa bao giờ mình có dịp thực hiện những hò hẹn với bạn mình. Hò hẹn để dối lòng đỡ nhớ chút thôi, chứ làm sao về được. Ngày tết ngày nhất ở Việt Nam là ngày ở đây nhịp sống trở lại bình thường, sau những phấn chấn và mệt mỏi vì giáng sinh và năm mới. Chồng thì già còn phải đi làm nuôi mình, con còn bé còn phải ngày ngày đến trường, chăm cho từ ăn tới ị, đi đâu?
Với lại, biết tết nhất Hà Nội im vắng lại, nhưng làm sao tìm được đúng phong vị cũ của cái thời mình còn trẻ, Hà Nội xao xác nghèo, tết nhất cũng chẳng mấy khi rực rỡ loè loẹt như giờ. Nhưng mà hơi xuân? Phải sống qua tuổi nhỏ và tuổi mới lớn ở một nơi nào thì người ta mới cảm ra được những riêng biệt lạ lùng ở miền đất ấy trong thời gian của từng khoảnh khắc. Vậy thì ở Hà Nội giờ còn bao nhiêu người thật sự biết được hơi xuân giờ tan tác trong nỗi nhớ, của những mùa xưa?
Hơi xuân bắt đầu từ một buổi trời trở gió bấc, lũ con gái chạm mặt nhau ngoài máy nước công cộng với cái chậu Liên Xô to đùng chồng chất chăn chiếu. Giặt, buông xả hết những không như ý để còn qua năm mới chứ! Hơi xuân dùng dình trên những xe đạp hoa đầu ngõ chợ dưới mưa xuân hay dưới một bầu trời khô xám gió đùa bỡn với dăm ba chiếc lá khô ven hè phố. Lay ơn hồng phấn vươn dáng dài, tím mát chân chim ríu rít rối vào nhau, vầng thược dược vàng rượi đam mê, ấy là bó hoa chờ xuân của rất nhiều người một thời Hà Nội.
Rồi thì là mứt tết mua theo bìa gia đình. Rồi thì là quy gai xốp tự túc nguyên liệu thuê các lò nướng, rồi thì mứt gừng mứt bí mứt khế mứt cà chua khoai lang mẻ thành mẻ dở con gái nhà nào cũng loay hoay bày ra làm suốt cả nửa tháng trời, xong thì lại xoay qua cho cát vào chảo rang hạt bí.
Măng khô cũng phải ngâm nước gạo hàng ngày từ lúc này, ba mươi tết kiểu gì cũng phải lo thỉnh một chân ông Hợi về ninh, và quan trọng vô cùng: rước cho được một chú gà trống hoa về. Ăn thì gà mái từng trải một chút rồi thịt săn và đậm vị hơn, nhưng thắp hương đêm trừ tịch thì kiểu gì cũng phải là một chàng gà tân cho khoanh chân ngoẹo cổ ngậm một bông hồng ngự trên mâm giữa giời và đất.
Kể thế thì các nhà ở thị xã, phố huyện, tỉnh lị, nhất là nhà có người thoát li làm người nhà nước cũng đều có cả chăng? Nhưng mà chiều ba mươi tết mẹ con chị em gái còn giục giã nhau nhìn xem đã có su hào cà rốt súp lơ hành hoa rau mùi rau thơm quả chanh quả ớt đủ cho ba ngày tết thì hình như chỉ có ở Hà Nội? Lại còn lạc khô làm nộm? Chạy ù ra chợ, có ngay vài ba lạng đựng trong cái bồ đài bằng giấy vở học trò chằng thêm sợi lạt giang! Mẹ giục con gái lớn, con gái lớn lại giục em gái nhỏ, dặn với theo mua cả quả chấp với bó lá hương bài chiều tối còn đun nước tắm gội tất niên.
Từ đây tới lúc được buông tay thanh nhàn luồn ngón vào mái tóc có mấy giọt chấp mà suông mượt không cần lược, rồi tự vỗ về tấm thân trinh nữ trong làn hơi ấm của nồi nước lá hương bài đặt ké bên bếp luộc bánh chưng thì còn khối việc: đãi đỗ, vét ruột gấc vào cái bát, thêm thìa rượu trắng đánh lên, đổ gạo nếp đang ngâm ra rá cho róc nước, rắc muối, bắc chõ, rồi đồ, rồi thì làm dưa góp, rồi thì quét quáy lại nhà vốn đã tinh tươm, rồi thì... Thật là trăm thứ việc dồn hết vào một buổi chiều, chẳng hiểu sao ai cũng cuống quýt tự hành mình như thế.
Ông bố sau lúc chỉ huy công cuộc gói bánh chưng thì chỉ chăm chăm có độc cái bàn thờ trên đã đủ lệ bộ mâm ngũ quả và bình hoa huệ. Phải, hoa đào thì bày ở bên bàn nước, quất đứng góc phòng gần cửa ra vào, còn huệ dáng gầy nụ nhỏ trắng xanh thơm thanh khiết thì phải được ở chốn thiêng hơn: bàn thờ. Mùi hoa huệ ta nhẹ nhõm sao mà lại ăn nhập thế với mùi hương vòng nằng nặng, luẩn quẩn ra tận hành lang chung, lan dần ra phố.
Nhưng mà bây giờ Hà Nội trung lưu chung cư cao cấp cửa kính kín mít ngăn gió mùa, những hương những hoa ấy chắc chẳng còn duyên dáng tê tái thế. Có mà chết ngạt! Này chúng mày, gọi mình về thì đâu những hương xưa?
Nói chung ăn tết kiểu ngày đó thì mệt lắm. Mệt nhất là quanh năm ăn uống thanh đạm, tự dưng nhồi nhét bữa nào cũng oặp Protein, muốn phè phỡn cũng không đủ sức, nhất là với cái kiểu khảnh ăn tự nhiên như mình. Không có bánh chưng thì không ra tết, nhưng có những tết mình chưa từng động một góc bánh chưng nào, xôi các kiểu cũng chịu. Không có quy gai xốp, không có mứt thì không ra tết, nhưng mình một miếng đồ ngọt phải chiêu cả tách chè Thanh Hương nước đầu, cả ngày thế thì xót ruột. Họa chăng đôi ba hạt bí rang vừa độ cát nóng với mình là duyên dáng, ở nhà nào ăn cũng được, hay dăm mảnh mứt gừng cho vào cốc rồi rót nước sôi ủ đôi ba phút làm thân liễu bừng bừng nóng khi ra với gió đầu xuân sau khi đã…
Ờ nhớ chứ, có chậm mồm chậm miệng đến mấy thì tết nhất tới nhà nhau sau khi đã khép nép ngồi nhằn hạt bí nếm náp mứt nọ bánh kia, đứa nào đứng dậy cũng biết kéo hai vạt áo chỉnh tề cất lời thưa với bố mẹ bạn rằng „năm sớm chúng cháu...“ Đùa nhau khi gặp mặt suốt ba ngày tết thì mồm năm miệng mười „năm mới năm me“, chứ với người trên thì thế nào cũng phải trịnh trọng và nghiêm cẩn „năm mới“, không thì „năm sớm“. „Năm sớm“, lần đầu tiên mình được nghe ở nhà một người bạn, khi đi ngang phòng ngoài nơi ông bà bạn đang vồn vã mời chào những người cùng thời măng tô dạ khăn len giày da áo dài tóc vấn, thấy sao vô chừng kín mà đằm.
Có ba ngày tết, nhà nào cũng vậy, một ngày kiểu gì cũng phải họp mặt ruột thịt họ hàng, một ngày thế nào cũng phải dành mời cơm bạn thiết. Con gái mới lớn thường phải giúp dập chuyện cơm nước này, xong xuôi thì mới được nhênh nhàng đi nhởn cùng với bạn bè. Thành phố thanh vắng mà náo nức. Từ mồng một qua mồng hai lác đác đôi ba nhà buôn bán đã mở cửa hiệu lấy may, chắc là theo tuổi.
Mồng hai mấy người nông dân các huyện ngoại thành rong ruổi xe đạp thồ vào phố lưng lưng sọt su hào xà lách rau thơm, bán thật chứ không phải bán lấy may như các nhà hiệu lớn trên phố. Nhiều bà nhiều chị trông rau tươi vào hôm này lắm, nhất là các nhà đông khách khứa, vừa lấy làm may là có rau mà mua, cà rốt súp lơ nấu thêm bát canh bóng, su hào đậu Hà Lan để làm món rối với mực khô, vừa than vãn đầu năm rau cỏ đắt quá, còn những người bán rau quanh năm được có đôi ngày chặt chém hàng phố mấy tờ tiền còi thì chỉ biết cười rất lành.
Nói chung ăn tết kiểu ngày đó mệt lắm. Mệt nhất là quanh năm ăn uống thanh đạm, tự dưng nhồi nhét bữa nào cũng oặp Protein, muốn phè phỡn cũng không đủ sức, nhất là với cái kiểu khảnh ăn tự nhiên như mình. Cũng chẳng cứ mình. Dân tình ngày đó ai cũng eo thon cẳng dài vì gầy, phải mấy hôm tết nhất thừa thời cơ béo phì phì, phát ốm. Người già thì nhìn nồi canh măng lưỡi lợn mỡ đông trắng lô nhô mấy cái móng giò, thèm bát canh dưa nấu lạc ăn với xà lách rau mùi. Người trẻ ưa nhênh nhàng như mình thì phải lao ra phố, tìm nhau và tìm một hàng bún riêu cua.
Ngày sơ tán ở quê, đã quen thấy bà phiên chợ đầu năm cắp về rổ bún con bừa và con cá quả to như bắp chân, ới qua hàng rào hỏi cô láng giềng có ra ruộng thì hái giùm cho một mớ rau cần. Trưa muộn ngày xuân sau tết, khi ngoài đê lao xao tiếng người vãn chợ về, chị em rồi rít giục nhau ngả cái mâm chõng, nhặt từ gầm giường ra mấy cái ghế con con để đặt đít, rồi là so đũa sắp thìa, còn bát, khác mọi bữa, bà đã chồng trên cái mâm đồng bê ra bếp cả rồi, và không phải là bát ăn cơm mà là bát chiết yêu. Mỗi đứa một bát, bún trắng ngà thả thẳng vào nồi, lá cần mướt mát, ngó cần giòn, trắng mọng như đùi gái quê, thịt cá quả chắc, đậm và ngọt, miếng cà chua đỏ bổ tư bổ sáu tùy form, thêm chút hạt tiêu xay giã dối, ngon tơi bời, bụng bé cũng phải xin bát nữa mà đả cho sướng miệng. Bún cá quả rau cần có vẻ dân dã ấy đã thành món ăn Hà Nội thường thức một thời, rồi tuyệt diệt dần ở thời bao cấp. Tuổi chúng tôi, tìm nhẹ mình ngày tết nhất bằng một món ăn còn dân dã hơn và rẻ tiền hơn: bún riêu nửa cua.
Thì nửa cua thôi, lấy đâu ra lắm. Không phải vì cua tắc tử do ô nhiễm môi trường, mà vì bọn cua nó khôn, ngày đông rét mướt chui tuốt trong mà. Nửa kia, giả cua, là đậu phụ bóp mềm. Gạch cua tí tị tì ti cũng trộn với đậu phụ non, và cả một chút mẻ, rồi thì hành phi xèo xèo xèo, đổ vào chưng thật kĩ cho lên màu cùng với hạt điều hay hoa hiên chẳng biết. Bà hàng bốc rau diếp rau thơm cho vào bát để trước mặt khách, chần bún, rồi cầm cái muôi to mơn man vành ngoài tảng cái cua đậu phụ kia, xúc lấy một chút, lại một chút cà chua, đôi ba nhành hành hoa phần củ, chan đẫy bát. Thêm chút mắm tôm và ớt, dầm cả đũa rau diếp ngăm ngăm đắng vào bát bún nóng rẫy rồi và rồi húp theo ý mình là hoàn hảo một bữa bún riêu ngoài hàng.
Hoàn hảo nhất là những sáng mồng hai bún riêu ăn lấy cái khinh khoái đầu năm ấy đi cùng với bọn con trai. Bọn ấy thật buồn cười, có vẻ chẳng thích thú gì sự ngồi gần như là xổm trên cái ghế con đỡ được có nửa mông chờ một bán bún riêu như bạn gái. Nhưng họ vẫn ngồi, kiên nhẫn và âu yếm.
Những gái những trai độ ấy giờ cũng trong ngoài sáu mươi rồi, nhà cửa con cháu đề huề hết cả rồi, có người khá giả đến độ đưa vợ con đi chơi vòng quanh thế giới trốn cái nhọc mệt của mấy ngày tết nhất lắm nghi lễ. Liệu có khi nào họ bất chợt nhớ một tết xưa nhìn môi má bạn gái hồng lên vì bát bún riêu năm sớm, nhìn cành cây cơm nguội lá vội vàng chuyển từ sắc đỏ sơ sinh sang miệt mài xanh?
Chắc là có, vì bây giờ tôi hay thấy trên Facebook những tấm ảnh họp lớp họp trường họp hội họp nhóm của những người quen và không quen. Tết đến còn vô khối nữa, chụp ở một quán nào đó trên phố nào đó, chụp ở nhà ai đó cạnh một cái cầu thang uốn lượn, bên cái nơm hoa đào, dưới một bức tranh khung mạ vàng… đầy vẻ trưởng giả.
Không tìm thấy ở nhau bóng dáng tuổi hoa niên, bóng dáng mình lúc còn chưa mệt mỏi dầu thành đạt, bóng dáng tình yêu ngơ ngẩn ở những thân dáng nhìn đằng sau thôi đã biết có một hoàng kim tuổi trẻ từ lâu lắm lắm rồi, ngồi với nhau thế quái nào được trong cái khung cảnh trưởng giả ấy.
Mùa xuân đi qua họ, từ từ. Hà Nội đi qua họ, từ từ. Những ngầy ngật ngặt nghèo nghiệt ngã của đời sống đi qua họ, từ từ. Rồi mất. Biết làm sao! Thì đã làm sao!
Cũng không sao! Chúng ta lúc nào cũng có thể sống chậm lại, ngồi xuống, rồi tự hỏi.
Berlin 9/1/2018