Trong hồi ký đăng trên báo chí Mỹ năm 1973, lúc đó ông John McCain viết về quãng thời gian làm tù binh ở Hà Nội như sau: “Sau đó, có nhiều người đã đến nói chuyện với tôi. Không phải ai trong họ cũng đến để thẩm vấn. Có lần một nhà văn già có chòm râu dài như Hồ Chí Minh và nổi tiếng của Bắc Việt đến phòng của tôi, muốn trò chuyện về Ernest Hemingway”.
Người mà John McCain nhắc tới chính là nhà văn Nguyễn Tuân. Cuộc gặp gỡ trò chuyện ấy đã được Nguyễn Tuân đưa vào bài “Đèn điện phố phường Hà Nội vui sáng hơn bất cứ lúc nào” trong tập Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi.
John McCain năm 1973. |
Trong bài viết, nhà văn Nguyễn Tuân gọi John McCain là “tư Kên” hay “Mích Kên”. Ông tả ông McCain: “Trên giường sơn trắng, trên đệm trắng của nhà thương, thẳng cẳng nằm dài một người cứng đờ tay. Cánh tay phải giơ lên kia cũng trắng bệch, cứ giơ mãi như thế để tan loãng vào cái trắng nhờ của buồng bệnh thắp đèn hơi thủy ngân bóng hình ống”.
Trích đoạn trong cuốn Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi như một tư liệu cũ nhiều kỷ niệm.
"Tôi chỉ mong chiến tranh Việt Nam sớm kết thúc"
Tùy bút của nhà văn Nguyễn Tuân viết John McCain “phạm tội đánh phá nhà máy nhiệt điện Hà Nội trưa ngày 26 tháng mười 1967”. Kèm đó là gia thế của tay tù binh: “Ồ, mẹ thiếu tá Mích Kên này giàu lắm, có cơ man là cổ phần công ty than đốt. Còn bố đô đốc là loại tướng biển đeo những bốn sao đang chỉ huy hạm đội VI”.
Khi John McCain bị tên đạn thủ đô Hà Nội hạ xuống, thì bố ông đang ở London. Nhà văn Nguyễn Tuân dẫn lại lời báo chí Hoa Kỳ lúc đó, rằng vị đô đốc bố của McCain “không bình luận gì về tin con bị mất tích ở Bắc Việt”.
Theo lời kể Nguyễn Tuân, trong cuộc gặp, John McCain vài lần xin nhà văn thuốc lá: “'Xin ông cho một điếu thuốc lá!' Mích Kên nhìn tôi chằm chằm, sau khi nói tiếng Pháp như thế”.
“'Xin ông một điếu thuốc!' Tôi lại cắm điếu thuốc Điện Biên thứ hai vào mồm thằng tư Kên”, tùy bút viết.
“Nó gạt tàn thuốc lên ngực lông lá, cánh tay trái cẩn thận gạt nhẹ tàn gio vào cái gạt tàn. Nó khép chặt cánh tay vào nách, theo một thói quen của bọn giặc bay quen sống với buồn lái, ít khoa tay vung chân quá rộng, mà thường là cử động với những động tác khép khít hẹp ngắn”, Nguyễn Tuân kể.
Đoạn hội thoại giữa nhà văn Nguyễn Tuân và John McCain khi đó đang là thiếu tá được kể lại trong sách.
“- Vâng, tôi nhận được lệnh đánh Khu Sáu tức Hà Nội vào lúc 10 giờ sáng hôm đó, tính theo giờ Sài Gòn, - tính theo giờ Hà Nội thì là 9 giờ. 12 giờ Sài Gòn kém 10 phút thì tôi rời boong hàng không mẫu hạm. Và sự việc những phút sau như thế nào khi tôi vào bầu trời miền Bắc tất cả là 23 lần. Ở miền Nam thì chưa được bay lần nào. Tôi có bay vào và có đánh Hải Phòng sáu lần. Chưa bay vào Hà Nội, trừ cái lần vừa rồi. Đại đội tôi 14 chiếc là đại đội chuyên đánh bom điện tử định hướng. Tôi chỉ huy một phi đội hai chiếc A4 cường kích. Đó là lần đầu tiên tôi đánh Hà Nội.
- Là lần đầu?!
- Và là lần cuối cùng.
- Nếu anh được cấp trên cho chọn giữa hai mục tiêu nhà máy điện và cầu sắt dài trên sông Hồng thì anh chọn cái nào?
- Cả hai cái đều là xấu xa, nghĩa là đều nguy hiểm cả, nhưng có lẽ đánh cầu thì tôi nghĩ có phần còn dễ hơn đánh nhà máy đèn. Nhưng tôi tin rằng nếu chúng tôi có đánh trúng được nhà máy đèn thì các ông vẫn có những cách riêng để giải quyết vấn đề ánh sáng cho Hà Nội.
Nhà văn Nguyễn Tuân tới gặp, phỏng vấn John McCain khi ông này là tù binh tại Hà Nội. |
- Anh đánh nhà máy điện đèn trung ương Hà Nội mà lúc này, đèn điện vẫn cháy đều trên đầu giường bệnh của anh, cũng như vẫn cháy đều ở khắp nơi khác của Hà Nội ngoài nhà thương này, thì anh có cảm tưởng gì?
- Thưa ông, tôi không buồn mà cũng không vui. Tôi chỉ mong chiến tranh Việt Nam sớm kết thúc để tôi được tha về. Bố tôi cũng không cứu được tôi. Ông Giôn Xơn cũng không cứu được tôi. Ông vừa hỏi tôi nghĩ gì về Giôn Xơn? A. Giôn Xơn là người không muốn ai phê bình mình. Ông ta là người chỉ thích dùng máy tính ê-lếch-tơ-rô-nich, đặt câu hỏi cho máy tính điện tử rồi chờ câu đáp số trả lời của máy tính… Xin ông một điếu thuốc!”
"Nếu trở về Mỹ, tôi sẽ viết sách"
Trong cuộc gặp, nhà văn Nguyễn Tuân cũng tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người tù binh John Mccain khi ấy.
- Nếu trong tình hình nào đó mà được trở về Hoa Kỳ thì người quan tư tàu bay Hoa Kỳ kia sẽ làm nghề gì?
- Tôi sẽ viết sách. Tôi cũng muốn viết sách.
- Viết sách nhưng viết cái gì? Viết về những cái gì? Viết về Việt Nam, về chiến tranh Việt Nam?
- Không, tôi sẽ viết về châu Âu, những kỷ niệm mấy năm vừa rồi của tôi tại châu Âu. Tôi không viết về Việt Nam và cũng không viết về chiến tranh.
- Tại sao không muốn viết về Việt Nam và chiến tranh ở Việt Nam?
- Vì tôi cho rằng tôi chưa biết gì lắm về Việt Nam. Vì tôi nghĩ rằng tôi cũng chưa hiểu gì lắm về chiến tranh”.
Tác giả Vang bóng một thời còn đặt ra những câu hỏi về quá khứ, sở thích văn chương của John McCain. Nhà văn hỏi viên thiếu tá về trận Forrestal năm 1967:
“- Hàng không mẫu hạm Pho Rét Tan (Forrestal năm 1967 - pv) bị cháy hồi cuối tháng bảy vừa rồi. Có đúng là anh đã suýt chết cháy ở trên chiếc Pho Rét Tan không?
- Vâng, đúng thế. Tôi về với hàng không mẫu hạm Pho Rét Tan từ tháng sáu, rồi cuối tháng bảy xảy ra vụ cháy tàu. Vừa cháy vừa nổ các hòm tên lửa, cháy cả tàu bay trong khoang tàu, cháy cả người lái tàu bay. Có người tránh nạn lửa nhảy xuống bể thì lại chết dưới bể không ai cứu được. Bạn đồng nghiệp của tôi chết ở bên phải, bạn đồng nghiệp của tôi chết cả ở bên trái.
Chung quanh toàn chết và toàn lửa. Tôi là trong số những người may mắn. Tôi được đưa về Sài Gòn. Báo chí và vô tuyến truyền hình Hoa Kỳ đăng ảnh tôi, viết khen tôi, đăng bài ngay trang nhất. Người ta khen tôi học rộng, đọc nhiều, gặp cũng nhiều sự may. Và có Chúa Trời che chở.
- Anh ở Sài Gòn và những đâu nữa?
- Chỉ ở tại Sài Gòn thôi. Ở có 48 tiếng và lệnh cấm không được ra khỏi Sài Gòn… Xong được chuyển về Hoa Kỳ, sau đó lại sang châu Âu với danh nghĩa có tính chất thời sự 'là người may mắn của đám cháy Pho Rét Tan'. Và sau đó chuyển sang hạm đội VII Thái Bình Dương.
Sách Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi kể lại cuộc gặp giữa nhà văn Nguyễn Tuân và John McCain. |
"- Anh bảo người ta đăng báo khen anh là đọc nhiều, anh thích tác giả nào?
- Thường là Xít Tanh Bếch (John Steinbeck - pv), Hê Minh Uê (Hemingway - pv), Xít Tanh Bếch viết những cuốn trước đây hay hơn những cuốn in ra sau này. Ông hỏi tại sao Xít Tanh Bếch sau này viết kém đi, tôi cho là tại sau này già rồi nên cỗi".
Trên giường nhà thương, John McCain còn tâm sự về dự định công việc nếu may mắn được trở về:
- “Thưa ông, tôi cũng mới định như thế thôi. Thực tình mà nói, tôi thấy cũng khó mà viết được. Tôi không tin rằng cánh tay phải tôi sẽ lành lặn. Tôi tàn tật tay phải thì viết sao được.
- Người định làm sách một cách nghiêm túc, thì dù có bị ai cưa đi cả tay phải lẫn tay trái, người ta cũng cứ viết được. Đối với người viết sách để làm chứng cho sự sống, làm chứng cho chiến tranh và hòa bình, sự quan trọng không nằm ở cánh tay bàn tay cầm quản bút hoặc mổ máy chữ. Không phải ở cái tay, mà chính là ở cái đầu, ở cái tim, chính là những cái đọng lại nơi tim và đầu mình…
- Ý định viết sách ở tôi, thưa ông, cũng mới là thoáng nẩy ra như thế thôi. Có lẽ sau này tôi sẽ xin đi làm quản lý ở một công ty nào. Tôi có một vợ và ba con. Thưa ông tôi là một người đang thấy cần phải có hòa bình và mong chiến tranh kết thúc. Tôi còn là một người không muốn làm những gì có thể hại đến thanh danh gia đình tôi".