Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Thương mại Mỹ sẽ ra sao dưới thời ông Biden?

Sau những xáo trộn trong nền kinh tế bởi sự dẫn dắt của ông Trump, người Mỹ đang mong chờ nền kinh tế Mỹ lật sang trang với sự tái kiến thiết của vị tổng thống mới, theo Bloomberg.

Thuong mai My se ra sao duoi thoi ong Biden? anh 1

Cuộc bầu cử 2020 đã gọi tên ông Joe Biden cho vị trí tổng thống Mỹ trong 4 năm kế tiếp. Khi tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2021, ông Biden có thể tiếp nhận từ người tiền nhiệm một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà bất kỳ tổng thống mới nào phải đối mặt trong suốt 75 năm qua.

Nước Mỹ vẫn duy trì tỷ lệ thất nghiệp cao và tình hình kinh tế trì trệ vì đại dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát.

Theo Bloomberg, khi hệ thống thương mại toàn cầu lật sang trang mới và thoát khỏi những chương hỗn loạn nhất, con đường đưa Mỹ thoát khỏi những rắc rối kinh tế của tân Tổng thống Joe Biden sẽ không nhanh chóng hay dễ dàng.

Những tranh chấp và xung đột thương mại nghiêm trọng, như cuộc chiến giữa châu Âu và Mỹ về vấn đề trợ cấp máy bay, được dự đoán không thể giải quyết chỉ vì Nhà Trắng có một nhà lãnh đạo mới. Trong khi đó, các sáng kiến khác như thúc đẩy thỏa thuận thương mại giữa Anh - Mỹ có thể đối mặt những trở ngại mới.

Ưu tiên các vấn đề trong nước

Nước Mỹ đang cần một sự thay đổi trong thương mại sau 4 năm thực hiện chính sách gay gắt với thế giới để nâng cao vị thế của mình. Vị tổng thống mới của nước Mỹ là người ủng hộ tự do thương mại toàn cầu và là người theo chủ nghĩa đa phương. Tuy vậy, theo Bloomberg, thời điểm này, Mỹ cần thiết ưu tiên xử lý các vấn đề trong nước như kiềm chế sự lây lan của đại dịch, thúc đẩy nền kinh tế và thu hẹp sự chia rẽ chính trị và dân tộc sâu sắc trong nước.

Có thể mất nhiều thời gian để nhóm cố vấn thương mại của ông Biden bắt đầu hoạt động. Thực tế cũng cho thấy Thượng viện Đảng Cộng hòa có khả năng trì hoãn việc công nhận đại diện thương mại của Biden cho đến năm 2021.

Thuong mai My se ra sao duoi thoi ong Biden? anh 2

Ông Biden có nhiều vấn đề trong nước cần giải quyết khi bước chân vào Nhà Trắng. Ảnh: AP.

Ông Scott Miller, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, dự đoán sẽ khó có thay đổi đáng kể nào từ thời điểm hiện tại cho đến lúc Biden thật sự nắm quyền kiểm soát đất nước. “Sẽ không có nhiều thay đổi về chủ trương cho đến lúc đó”, ông Miller khẳng định.

Xây dựng lại nước Mỹ, ông Biden sẽ có nhiều điều cần quan tâm. Theo các chuyên gia kinh tế, vị tổng thống mới đắc cử có thể ưu tiên thu hút giới chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, đồng minh và các đối thủ cạnh tranh kinh tế của Mỹ để tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề của thế giới. Đây là thời điểm để thúc đẩy những cách tiếp cận có cân nhắc hơn và phục hồi các thể chế sau hàng loạt căng thẳng kéo dài.

Hàn gắn quan hệ với WTO và các nước đồng minh

Chính quyền Washington dưới thời ông Trump không có mối quan hệ tốt đẹp với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Vị tổng thống và các cố vấn hàng đầu của ông xem WTO là sự cản trở lời hứa đặt "Nước Mỹ trên hết" của ông. Ông Trump tránh né các quy tắc của WTO bằng cách áp thuế kim loại với các đồng minh như Canada, châu Âu, Nhật Bản và bổ sung thuế trừng phạt với hàng hóa Trung Quốc, châm ngòi cho cuộc thương chiến Mỹ - Trung kéo dài đến nay.

Nhà Trắng chỉ trích WTO vì đã thúc đẩy và thiên vị Trung Quốc trong khi có rất ít động thái kiềm chế các hoạt động thương mại không công bằng của Bắc Kinh. Thậm chí, ông Trump từng nổi giận khi WTO đứng về phía Trung Quốc trong tranh chấp thương mại. "Chúng ta sẽ phải làm gì đó với WTO", ông chủ Nhà Trắng phát biểu hồi tháng 9/2020.

Sự dẫn dắt mới của ông Biden có thể là một sự tương trợ kịp thời cho các đồng minh của Mỹ, những quốc gia đang quay cuồng với phương châm "Nước Mỹ trên hết" trong thương mại của ông Donald Trump. Làn gió mới từ ông Biden sẽ thúc đẩy Tổ chức Thương mại Thế giới, giảm bớt các rào cản thương mại và gia tăng dòng chảy thương mại trên toàn cầu.

Dù như vậy, chính trị thương mại của Mỹ không hề thay đổi đáng kể ngay cả khi ông Trump nắm quyền Nhà Trắng kể từ cuộc bầu cử năm 2016. Theo Bloomberg, các khoản trợ cấp công nghiệp khổng lồ của Trung Quốc vẫn là vấn đề quan trọng cần quan tâm.

Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa WTO và Mỹ trong giải quyết tranh chấp thương mại có thể cần nhiều thời gian để hàn gắn. Thậm chí với một vị tổng thống mới có xuất thân đảng Dân chủ và ủng hộ tự do thương mại toàn cầu như ông Biden, điều này cũng không dễ dàng.

Thuong mai My se ra sao duoi thoi ong Biden? anh 3

Ông Biden được dự đoán sẽ hàn gắn mối quan hệ giữa nước Mỹ với các quốc gia đồng minh thân thiết. Ảnh: Reuters.

Mặt khác, dù chính quyền của ông Biden sẽ có cách tiếp cận ít gây hấn hơn, các đồng minh châu Âu cần chung tay với Mỹ trong việc hàn gắn quan hệ nếu muốn giải quyết các bất đồng xuyên Đại Tây Dương về trợ cấp máy bay, luồng dữ liệu xuyên biên giới và thuế bán hàng kỹ thuật số vốn dần trở nên căng thẳng trong nhiều năm qua.

Tái gia nhập thế giới

Tường chắn chia cắt nước Mỹ và các tổ chức đa phương cùng các liên minh truyền thống mà ông Trump tạo ra đã khiến nước Mỹ bị cô lập và làm giảm tầm ảnh hưởng của Mỹ so với những thập kỷ trước. Hơn hết, nhiệm vụ tái thiết phức tạp nhất đang chờ ông Biden là kiến thiết lại hình ảnh của nước Mỹ trên toàn cầu và lần nữa tập hợp các quốc gia có cùng chí hướng để giải quyết những thách thức chung.

Bà Anne-Marie Slaughter, cựu trưởng ban hoạch định chính sách tại Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận xét: “Nước Mỹ cần trở lại với một cách tiếp cận khác. Vấn đề đặt ra không chỉ là nước Mỹ sẽ dẫn đầu như thế nào mà còn là cách chúng ta lãnh đạo cùng với những quốc gia khác và các ngành công nghiệp, trường đại học, cơ sở khoa học của chúng ta”.

Ông Biden đã cam kết hàn gắn quan hệ với nhiều tổ chức và thỏa thuận quốc tế từng bị ông Trump gạt sang bên, bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hiệp định khí hậu Paris.

Các chuyên gia nhận xét ông Biden có thể đi ngược lại quyết định của ông Trump để tham gia vào Covax, nhóm mua vắc-xin Covid-19 mà 180 quốc gia toàn cầu đã tham gia. Quyết định này không chỉ vì sức khỏe mà còn mang lại lợi ích cho người tiêu dùng Mỹ bằng cách cho phép họ tiếp cận với nguồn vắc-xin được phát triển từ các nước.

Điều này nhấn mạnh một thực tế. Nếu muốn thoát khỏi mớ hỗn độn này, nước Mỹ cần nhờ đến sự hỗ trợ từ các đồng minh thân thiết và toàn thế giới. Học cách chấp nhận sức mạnh Mỹ có những giới hạn là bước đầu tiên để khôi phục nền kinh tế lớn nhất thế giới đang rơi vào khủng hoảng. Hơn hết, những điều này trông chờ các thay đổi trong chính sách mới của ông Joe Biden.

Lộc Y

Bạn có thể quan tâm