Thương lái thu mua lá xoài, mía ở Khánh Hòa
Ở huyện Cam Lâm - Khánh Hòa, nhiều người dân chưa hết ngạc nhiên khi một số doanh nghiệp thu gom lá xoài khô thì nay lại thấy mua cả lá mía, đọt mía khô.
Việc thu mua lá xoài khô xuất hiện từ năm 2009 ở huyện Cam Lâm với số lượng ít; mạnh nhất vào khoảng giữa năm 2012, tập trung ở xã Cam Hải Tây, nơi có diện tích xoài lớn nhất huyện. Chị Hiền, ở thôn Bãi Giếng 2, xã Cam Hải Tây cho biết, những doanh nghiệp này kêu gọi người dân bán lá xoài và mua với giá trung bình 600 - 800 đồng/kg lá khô. Một người trung bình mỗi ngày đi cào được khoảng 6 bao lá xoài, mỗi bao khoảng 20 kg nên kiếm được khoảng 100.000 đồng.
Lá xoài khô được thu gom với giá trung bình từ 600 - 800 đồng/kg. |
Theo Ủy ban Nhân dân xã Cam Hải Tây, năm 2012, công ty cổ phần thương mại và cung ứng nguồn nhân lực Hải Bình ở Hải Phòng có đến đặt vấn đề thu gom lá xoài khô làm nguyên liệu trồng nấm. Cao điểm, có ngày đơn vị này thu gom tới 3-5 tấn lá xoài khô nhưng thời gian rộ chỉ khoảng 2 tháng. Đầu năm nay, tình hình phức tạp hơn khi có thêm một công ty từ TP.HCM cũng đến thu mua. Họ không thông báo với chính quyền mà tự đàm phán với người dân để mua. Nhiều người trong xã đã đứng ra làm đầu nậu thu mua và có vài chục người chuyên đi gom.
Bà Lê Thị Gái ( ở thôn Bắc Vĩnh, xã Cam Hải Tây) cho biết, có một doanh nghiệp ở TP.HCM nhờ gia đình bà thu mua và đóng kiện lá xoài khô. Nghi ngờ là người Trung Quốc nên gia đình bà còn chần chừ, nhưng khi biết họ là người Nhật mua lá xoài về làm phân bón, gia đình đồng ý thu mua giùm.
Gần đây, gia đình bà Gái thu mua thêm lá mía, đọt mía khô. “Chúng tôi cũng gom giùm chứ không biết họ dùng vào mục đích gì. Chúng tôi lấy công làm lời, mỗi ký lá lời khoảng 100-200 đồng” - bà Gái nói.
Theo ông Nguyễn Ta, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cam Lâm, xoài là loại cây chủ lực của huyện. Năm 2012, công ty cổ phần thương mại và cung ứng nguồn nhân lực Hải Bình đến thu mua nhưng vào khoảng tháng 9, 10/2012; doanh nghiệp còn lại thì chính quyền không nắm rõ.
Ông Ta cho biết, ban đầu, việc thu mua diễn ra nhỏ lẻ không gây ảnh hưởng đáng kể và tạo thu nhập cho một số lao động không có việc làm ổn định. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lo ngại nếu việc thu mua kéo dài, khi hết lá xoài khô, nông dân có thể tiếp tục tỉa cành, tỉa lá xanh phơi khô đem bán, ảnh hưởng đến sức sống, khả năng ra hoa, kết trái của xoài. Việc thu mua đọt mía, lá mía khô chỉ mới xuất hiện nên chính quyền chưa biết. Theo ông Ta, huyện cũng sẽ kiểm tra việc thu gom lá mía.
Bà Nguyễn Thị Thạnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cam Lâm khẳng định, huyện đã chủ động yêu cầu Ủy ban Nhân dân các xã, thị trấn phối hợp với các tổ chức, đoàn thể vận động, khuyến cáo nông dân không thu gom, bán lá xoài khô cũng như tươi. Riêng về tin đồn người Trung Quốc thu gom lá xoài thì huyện chưa xác định.
Theo Người Lao Động