Nhà Trắng đang ngày càng biến động và thất thường trong các tuyên bố về kinh tế và thương mại khi mâu thuẫn nội tại giữa các chính sách trở nên rõ ràng.
Tổng thống Donald Trump và các cố vấn của ông đổ lỗi cho Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và một loạt chính phủ nước ngoài, bao gồm Trung Quốc và Đức, vì sự chững lại rõ rệt trong nền kinh tế, đặc biệt là sản xuất. Họ nói rằng:
Lãi suất của Mỹ quá cao.
Đồng USD quá mạnh.
Chính phủ nước ngoài đang thao túng tiền tệ của họ để có được lợi thế cạnh tranh không công bằng.
Các thỏa thuận thương mại trong quá khứ là một chiều.
Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và một loạt quốc gia khác có chính sách thương mại và tài chính gây tổn hại cho Mỹ.
Tuy nhiên, sau hơn hai năm nỗ lực thiết lập lại chính sách quốc tế của Mỹ bằng cách sử dụng thuế quan nhằm tăng đòn bẩy trong đàm phán thương mại, thâm hụt thương mại hàng năm vẫn tăng ở mức 15%.
Thương chiến tốn kém
Trong bài bình luận trên Reuters, tác giả John Kemp cho rằng suy thoái xuất khẩu đang lặp lại ở Mỹ, góp phần làm chậm lại nền kinh tế trong nước, đặc biệt là các lĩnh vực sản xuất đi liền với thương mại nhiều hơn và từ đó kìm hãm tăng trưởng nhập khẩu.
"Chúng tôi không cần Trung Quốc và thành thật mà nói, sẽ tốt hơn rất nhiều nếu không có họ", Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter. Ảnh: AFP. |
Nền kinh tế nội địa của Mỹ ít cởi mở hơn với thương mại quốc tế so với hầu hết nền kinh tế lớn khác về tỷ trọng nhập khẩu và xuất khẩu trong tổng sản phẩm quốc nội.
Nhưng ảnh hưởng của thương mại đối với tăng trưởng trong nước thể hiện rõ ở việc tăng tốc và giảm tốc gần như đồng bộ của xuất khẩu và nhập khẩu trong 25 năm qua.
Chính quyền Trump đang tiến hành một cuộc chiến tốn kém chống lại Trung Quốc và các đối tác thương mại khác, và một trong những hậu quả của cuộc chiến đã giáng vào tăng trưởng trong nước.
Bằng cách biến toàn bộ nền kinh tế Mỹ thành vũ khí để đạt được các mục tiêu thương mại, ngoại giao và an ninh, chính quyền đã khiến các công ty trong nước chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng trong cuộc xung đột.
Kinh nghiệm trong một phần tư thế kỷ qua cho thấy cách đáng tin cậy duy nhất để thu hẹp thâm hụt thương mại là đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái. Vì vậy, chính quyền Trump nên cẩn thận "cầu được ước thấy".
Động cơ chính trị
Để hiểu chúng ta đang ở đâu trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cần ghi nhớ hai điểm.
Đầu tiên, cả hai đảng chính trị Mỹ đều đồng ý rằng Trung Quốc thực thi chính sách thương mại không công bằng và sử dụng quyền lực của nhà nước để thống trị các lĩnh vực quan trọng của thế kỷ 21 (thông qua kế hoạch Made-in-China 2025), và việc này cần phải bị cản trở.
Thứ hai, Tổng thống Donald Trump tin vào thuế quan. “Tôi là người của thuế quan”, ông từng nói.
Các dòng tweet của Trump dường như cho thấy rằng ông có thể đã từ bỏ việc thực hiện một thỏa thuận với Trung Quốc. “Chúng ta sẽ tốt hơn nếu không có họ”, ông nói.
Kỳ vọng đối với các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung dự kiến được nối lại ở Thượng Hải đang ở mức thấp. Ảnh: AFP. |
Ông Trump có thể đã quyết định rằng một thỏa thuận sẽ không xảy ra vì ông Tập sẽ không lùi bước. Trên hết, ý tưởng rằng Trung Quốc là kẻ xấu không muốn sửa sai và Donald Trump là “người được chọn” để chống lại Trung Quốc rất thuận lợi cho chiến dịch tái tranh cử của ông.
Nếu Trump tin rằng Trung Quốc sẽ nhượng bộ, chắc chắn ông đã không nhắc đến “Chủ tịch Tập” như “kẻ thù” trên Twitter.
Hơn nữa, thời điểm của một trong những lần tăng thuế mới của ông Trump rơi vào ngày 1/10, ngày Trung Quốc kỷ niệm 70 năm quốc khánh, có thể là sự trêu ngươi của tổng thống Mỹ đối với Trung Quốc.
Thuế quan đáp trả của Trung Quốc, từ đậu nành đến ôtô, chắc chắn cũng được thiết lập sát với thời điểm chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020 của Mỹ. “Có động cơ chính trị!”, như ông Trump viết trên Twitter.
Áp lực trước bầu cử 2020
Trong bài viết trên Channel News Asia, hai nhà phân tích Steven Okun và John Holden từ Hiệp hội McLarty cho rằng mối liên kết sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc có thể cho phép hai nước gây ra hậu quả lớn nhưng bất cân xứng cho nhau.
Trong khi phản ứng chính của Trung Quốc đối với cuộc chiến thương mại là thuế quan trả đũa, điều đó có thể không kéo dài. Mỹ đã vượt ra ngoài thuế quan. Tổng thống Trump đã “ra lệnh” cho các công ty của Mỹ xem xét các cách để đóng cửa hoạt động tại Trung Quốc.
Trung Quốc cũng có nhiều lựa chọn để gây bất lợi cho Mỹ, bao gồm các hàng rào phi thuế quan như “danh sách các thực thể không đáng tin cậy”, báo hiệu các nhà thầu quốc phòng Mỹ sẽ bị cấm bán vũ khí cho Đài Loan.
Nước này có thể trả đũa các công ty công nghệ Mỹ hạn chế kinh doanh với Huawei.
Các doanh nghiệp cũng lo lắng về các vụ tẩy chay hàng hóa không chính thức do người dân tổ chức, thậm chí là biểu tình chống lại các công ty Mỹ như từng được thực hiện trong quá khứ.
Liệu ông Trump sẽ tìm ra những cách mới để kích thích nền kinh tế Mỹ và tránh sự suy thoái kinh tế mà cuộc chiến thương mại có thể gây ra? Nếu làm được vậy, ông có thể tiếp tục chiến lược của mình để giữ vững lập trường trong đàm phán thương mại với Trung Quốc.
Nhưng nếu nền kinh tế chững lại đáng kể, thậm chí rơi vào suy thoái, điều này có thể thay đổi tính toán của tổng thống.
Mới hôm 25/8, ông Trump đã bày tỏ sự hối tiếc về tình trạng của cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Ông trả lời “có” trước câu hỏi của một phóng viên rằng liệu ông có hối tiếc về cách mọi thứ diễn ra không.
Tuy nhiên, sau đó Nhà Trắng làm rõ là tổng thống "hối tiếc đã không tăng thuế lên cao hơn".
Các tác giả John Holden và Steven R Okun, trong bài nhận định trên Channel NewsAsia nói rằng không ai biết ông Trump, một chính trị gia phi truyền thống, tính toán mọi thứ như thế nào.
Ông có thể đã nhận ra rằng nếu không thể đạt được một thỏa thuận ra hồn với Trung Quốc, tại sao không tiếp tục để Trung Quốc trở thành "ông ba bị" mà chỉ ông mới có thể đàm phán? Hoặc ông có thể làm cách truyền thống, là củng cố nền kinh tế để chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử.
Cuối cùng, cuộc bầu cử lại sẽ quyết định mọi thứ. Câu hỏi đặt ra là liệu nó có đánh bại thuế quan của Trung Quốc hay không. Câu trả lời phải chờ ở chiến dịch bầu cử Mỹ 2020.