Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Thuốc đặc trị’ mọi biến thể của WannaCry tại Việt Nam

Phần mềm chống mã hóa dữ liệu mang tên CMC CryptoShield có khả năng chống mọi loại mã độc mã hóa dữ liệu tống tiền người dùng.

Trong tâm bão mã độc tống tiền WannaCry tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, tập đoàn công nghệ CMC vừa giới thiệu một phần mềm có khả năng chống mọi loại mã độc mã hóa dữ liệu tống tiền người dùng (ransomware).

Có tên gọi CryptoShield, phần mềm này có khả năng đưa dữ liệu của người dùng vào một vùng an toàn, bất khả xâm phạm đúng vào thời điểm nó phát hiện ra có mã độc tấn công.

phan mem bao ve may tinh khoi WannaCry anh 1
Đại diện CMC giới thiệu phần mềm CryptoShield. 

Theo ông Triệu Trần Đức – Tổng giám đốc của CMC InfoSec – phần mềm này có tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để nhận biết các hành vi mã hóa dữ liệu và ngăn chặn, không cần nhận dạng loại mã độc nào. Phần mềm này được họ phát triển khoảng một năm nay và tung ra vào thời điểm nhiều máy tính tại Việt Nam bị WannaCry tấn công.

Trong phần thử nghiệm, CryptoShield có khả năng phản ứng rất nhanh khi chiếc máy tính bị WannaCry tấn công và mã hóa dữ liệu. Truy cập vào phần mềm này, người dùng sẽ khôi phục lại được toàn bộ dữ liệu cần thiết.

Cách hoạt động của CryptoShield khác với các phần mềm diệt virus. “Sử dụng phần mềm diệt virus giống như chúng ta chơi trò mèo đuổi chuột. Khi phát hiện ra virus, mã độc, phần mềm sẽ tìm và tiêu diệt chúng. Về cơ bản, dữ liệu của người dùng không được bảo vệ. CryptoShield như một tấm khiên, bảo vệ cho dữ liệu trước các cuộc tấn công”. Đại diện CMC Infosec cũng gọi đây là "thuốc đặc trị mọi biến thể của WannaCry".

Ông Đức cũng cho biết chi phí bản quyền cho phần mềm này tại cho cơ quan tổ chức, khối doanh nghiệp là 48 USD/1 PC/1 năm. Với người dùng cá nhân, doanh nghiệp chưa quyết định xem có phát hành miễn phí phiên bản này hay không. Với các loại máy chủ hoặc máy tính đặc thù, chẳng hạn ATM, mức giá cũng sẽ khác biệt.

Đại diện CMC Infosec cũng cảnh báo người dùng rằng một khi bị mã hóa, không có bất cứ cách nào để người dùng có thể lấy lại dữ liệu, ngoại trừ việc trả tiền chuộc. “Nếu ở thời điểm 2 năm trước, có thể sẽ có cách để khôi phục dữ liệu bởi hacker tấn công mã hóa dữ liệu có thể để lại dấu vết, từ đó lần ra cách thức khôi phuc. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, việc này gần như là không thể. Ngay cả khi sử dụng những siêu máy tính với tốc độ nhanh nhất hiện nay, thời gian để khôi phục dữ liệu có thể cũng mất đến vài năm”, vị này cho hay.

Việt Nam có hàng nghìn máy bị nhiễm WannaCry

Theo dữ liệu từ hàng loạt công ty bảo mật trong nước, Việt Nam có cả nghìn máy bị mã độc WannaCry tấn công. CMC Infosec cho biết đối tượng bị nhiễm mã độc nhiều nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là các đối tượng dễ bị tấn công nhất bởi họ thường không sử dụng các loại phần mềm có bản quyền, yếu tố an ninh mạng cũng không được đề cao.

Ông Triệu Trần Đức cho hay thế giới có khoảng 250.000 máy bị nhiễm WannaCry, trong khi Việt Nam nằm trong top 20 nước bị tấn công nhiều nhất. Do đó, số lượng máy bị mã độc tấn công lên đến hàng nghìn máy là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, tổ chức trong nước không muốn công bố điều này và thường âm thầm trả tiền chuộc để lấy lại dữ liệu bị mã hóa.

 

Demo phần mềm CryptoShield Phần mềm này có khả năng bảo vệ dữ liệu trước mọi hành động mã hóa trái phép, tránh được các cuộc tấn công mã hóa dữ liệu tống tiền.

 


Thành Duy

Bạn có thể quan tâm