Các bác sĩ đang chờ thêm 2-3 tuần nữa để biết liệu các loại thuốc được thử nghiệm trên bệnh nhân nhiễm virus corona có hiệu nghiệm hay không, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Hai thử nghiệm được tiến hành ở Trung Quốc trong thời gian ngắn nhưng được cho là khả thi vì nó được thử nghiệm ở nơi tập trung mật độ bệnh nhân dày đặc - tỉnh Hồ Bắc.
Thử nghiệm được trông chờ là phép đo độ tuổi, thể trạng và thời gian bình phục trung bình của người bệnh, theo Guardian.
Các loại thuốc được thử nghiệm đã thông qua các điều kiện cần thiết để tiến hành trên người mà không cần lấy động vật làm “chuột bạch” trước.
Thử nghiệm được tiến hành theo khuyến nghị của các chuyên gia WHO.
Loại thuốc đầu tiên là Kaletra, thuốc chữa HIV, được bắt đầu thử nghiệm từ ngày 18/1. Nó là sự kết hợp của hai loại thuốc kháng HIV/AIDS lopinavir và ritonavir. Các nhà khoa học đang chờ kết quả từ 200 người đầu tiên được điều trị bằng loại thuốc này.
Một dược sĩ xử lý công đoạn trong điều trị virus corona tại bệnh viện ở Lan Châu, tỉnh Cam Túc, tây bắc Trung Quốc. Ảnh: AP. |
Loại thuốc thứ hai là thuốc chữa Ebola remdesivir, được sản xuất bởi công ty công nghệ sinh học Mỹ Gilead. Nó đã được thử nghiệm trong đợt dịch Ebola ở Congo năm 2018, song không công hiệu để chống lại virus đó.
Tuy nhiên, lần này, remdesivir trở thành “tiêu chuẩn vàng” để thử nghiệm ở các bệnh nhân Covid-19 trung bình và nghiêm trọng.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, nói trong cuộc họp báo ngày 20/2 rằng các thử nghiệm trên sẽ cho kết quả ban đầu trong khoảng 3 tuần tới.
Loại thuốc thứ ba là thuốc chữa sốt rét chloroquine. Nó đã được đưa vào sử dụng ở Trung Quốc, theo WHO.
Ông Tedros cho biết một nhóm nghiên cứu quốc tế do WHO dẫn đầu đang ở Trung Quốc để trao đổi với đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu về phương pháp điều trị. Đến nay chưa có phương pháp điều trị cụ thể nào cho Covid-19 được công nhận.
Theo Tổng giám đốc WHO, điều quan trọng là phải kiểm tra và chẩn đoán kịp thời vì “những người được phát hiện sớm sẽ dễ điều trị hơn”. Ông Tedros cho biết nhóm nghiên cứu cũng xúc tiến một loại vắc xin dài hạn nhưng có thể mất tới 18 tháng.
Nhóm nghiên cứu bao gồm các chuyên gia từ Mỹ, quốc gia đang có căng thẳng thương mại với Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Nigeria, Nga, Hàn Quốc và Singapore.
WHO đang kêu gọi cộng đồng quốc tế tài trợ 675 triệu USD để đẩy lùi dịch bệnh.