Thủ tướng vừa phân công một số bộ chuẩn bị tờ trình và báo cáo của Chính phủ để phục vụ Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Tài chính chuẩn bị tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế bảo vệ môi trường.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết bộ này đã có đề nghị về Nghị quyết Biểu thuế bảo vệ môi trường và được Thủ tướng đồng ý.
Cụ thể, Thủ tướng đồng ý giữ nguyên mức tăng kịch khung, nghĩa là thuế bảo vệ môi trường mà một lít xăng phải gánh sẽ tăng thêm 1.000 đồng, lên mức 4.000 đồng/lít.
Bộ Tài chính vẫn quyết định tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng. Ảnh: Lê Hiếu. |
Đại diện Bộ Tài chính cũng nói rằng nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, biểu thuế xăng dầu mới có thể áp dụng từ tháng 10 năm nay, chậm hơn 3 tháng so với kế hoạch.
Một lý do khiến cho việc ban hành chậm cũng xuất phát từ áp lực lạm phát hiện nay. Bộ Tài chính đang tính toán việc điều chỉnh biểu thuế cần tránh tháng 9, khi đó nhóm giá cả dịch vụ giáo dục sẽ biến động nhân dịp năm học mới.
Trước đó, Bộ Tài chính đã gửi tờ trình dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nói về sự cần thiết ban hành nghị quyết này, Bộ Tài chính nhấn mạnh sẽ khuyến khích mọi tổ chức cá nhân tiết kiệm hàng hóa khi sử dụng gây tác hại đến môi trường, khuyến khích việc sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng sẽ “động viên hợp lý đóng góp của xã hội vào Ngân sách Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, trong đó có nhiệm vụ chi cho bảo vệ môi trường.
Theo tính toán, nếu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng được tăng kịch khung từ mức 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít, các mặt hàng dầu tăng kịch khung lên mức 2.000 đồng/lít, số thu từ dòng thuế này sẽ vào khoảng trên 55.000 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 14.368 tỷ đồng/năm.
Trước đó, những lần Bộ Tài chính đưa ra phương án tăng kịch trần khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đều vấp phải nhiều ý kiến phản đối. Nhiều người cảm thấy hoài nghi về lý do thực sự của việc tăng thuế môi trường đối với xăng dầu là gì, hiệu quả bảo vệ môi trường thực sự thế nào, đo lường ra sao.
Một số chuyên gia cho rằng nếu đánh thuế môi trường để giảm tiêu dùng, hạn chế sử dụng sản phẩm đó thì phải đánh vào than, mặt hàng ô nhiễm hơn xăng dầu rất nhiều. Tuy nhiên, Bộ Tài chính không làm như vậy, vì thu thuế xăng dầu dễ hơn, dù xăng dầu gây ô nhiễm ít hơn than.