Thuê sếp "toàn cầu"
Vinamilk (VNM) vừa bổ nhiệm ông Phan Minh Tiên (44 tuổi) vào vị trí Giám đốc điều hành marketing (Executive Director of Marketing), thay thế cho bà Nguyễn Hữu Ngọc Trân đã từ nhiệm vào đầu tháng 1 năm nay.
Ông Tiên nguyên là Giám đốc Marketing Samsung Việt Nam, phụ trách các chiến lược marketing cho 4 ngành hàng chính là điện thoại, máy tính bảng, TV và điện tử gia dụng và cũng từng là Phó Chủ tịch Unilever Việt Nam, phụ trách phát triển nhãn hiệu Knorr, Lipton...
Nhiều DN lớn Việt Nam đang giành giật nhân sự cao cấp đẳng cấp quốc tế. |
Với bề dày tại các tập đoàn đa quốc gia và tốt nghiệp Học viện Quản lý ở Moscow, Nga (năm 1996), ông Tiên được đánh giá là một nhân vật có hồ sơ đẹp, đáp ứng được nhu cầu phát triển của Vinamilk, DN có chí phí quảng cáo và khuyến mãi mỗi thứ lên tới gần 1.000 tỷ đồng trong năm 2013.
Hồi đầu tháng 2, công ty cổ phần Tập đoàn MaSan (MSN) cũng công bố quyết định bổ nhiệm ông Seokee Won - sếp cũ của Unilever - làm Tổng giám đốc công ty cổ phần Hàng tiêu dùng thay ông Trương Công Thắng.
Ông Seokhee Won nguyên là Phó chủ tịch của Unilever Toàn cầu, phụ trách quản lý thương hiệu các sản phẩm chăm sóc da của Unilever ở khu vực châu Á và thương hiệu Ponds trên phạm vi toàn cầu, cũng sẽ giữ vị trí Phó tổng giám đốc của Masan Group.
Ông Won có bề dày kinh nghiệm quản lý hơn 22 năm và từng nắm giữ vị trí lãnh đạo tại Unilever ở Trung Quốc, Nam Phi, Thái Lan, Hàn Quốc và Việt Nam. Riêng ở Việt Nam, ông Won cũng đã làm cho Unilever trong 8 năm ở vị trí Giám đốc Marketing và sau đó là vị trí Phó chủ tịch tập đoàn.
Cũng khoảng giữa tháng 2, Masan Beverage một DN thuộc Masan Consumer đã chiêu mộ ông Lê Trung Thành, nguyên Tổng giám đốc FPT Trading, về giữ Phó tổng giám đốc và Giám đốc điều hành kinh doanh ngành hàng đồ uống. Ông Thành cũng từng giữ vị trí phó chủ tịch kiêm giám đốc Marketing của Pepsico Việt Nam và sau đó là tổng giám đốc của Nutifood và ICP.
Khá nhiều DN khác trong vài năm gần đây cũng lao vào cuộc cạnh tranh thuê sếp có đẳng cấp thế giới, có kinh nghiệm ở các tập đoàn lớn, tập đoàn đa quốc gia như: Masan và Masan Consumer Holdings thuê cựu chuyên gia của Merrill Lynch và Deutsche Bank là Madhur Maini; REE có ông David Alexander Newbigging làm phó chủ tịch; cuối 2012 Maritime Bank bổ nhiệm Tổng giám đốc Atul Malik người Ấn Độ để "bắt kịp thông lệ quốc tế"; Mekong Bank thuê CEO quốc tịch Singapore Lau Boon Tuan; Bitexco thuê cựu phó chủ tịch Hyundai In Suk Ko hồi 2011; VIBBank bổ nhiệm cựu Tổng giám đốc ANZ làm CEO...
Cả thèm chóng chán?
Có thể thấy, mục tiêu của các DN lớn khi bổ nhiệm các nhà lãnh đạo có trình độ và kinh nghiệm quốc tế có lẽ không gì khác ngoài việc tận dụng kinh nghiệm, quan hệ, hiểu biết... của họ để DN lớn mạnh hoặc/và vươn rộng ra thế giới. Tuy nhiên, nhiều "hợp đồng hôn nhân" rất đoản thọ và sự cả thèm thường gắn liền với trạng thái chóng chán.
Giữa tháng 9/2013, Ngân hàng VIB bất ngờ công bố việc sắp xếp lại nhân sự cấp cao, trong đó bà Đàm Bích Thủy, người mới được bổ nhiệm cách đấy vài tháng đã từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân. Một lãnh đạo rất cũ là cựu chủ tịch VIB Hàn Ngọc Vũ quay trở lại làm Tổng giám đốc. Được biết, ông Vũ cũng về với VIB từ một tập đoàn nước ngoài để làm Tổng giám đốc rồi chuyển qua nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau trước khi quay về làm Tổng giám đốc.
Trong một số trường hợp, sếp quốc tế vẫn còn một khoảng cách với môi trường kinh doanh trong nước, cách thức quản trị và văn hóa DN Việt. |
Vinamilk dường như cũng rơi vào tình trạng các nhân sự đẳng cấp quốc tế cũng đã từng đến và đi nhanh chóng. Giám đốc điều hành marketing mới Phan Minh Tiên của Vinamilk là một cái tên nhiều người khi nghe đến đáng ra phải giật mình. Tuy nhiên, hợp đồng hôn nhân lần này của Vinamilk xem ra cũng không gây xáo động cho lắm có lẽ bởi trước đây Vinamilk từng có trong tay "phù thủy marketing" Trần Bảo Minh.
"Phù thủy" Trần Bảo Minh được biết đến với thành công ở rất nhiều DN lớn. Là người Việt Nam đầu tiên giữ chức Tổng giám đốc tiếp thị toàn cầu cho Pepsi nhưng không ở lâu với Vinamilk và sau đó cũng trải qua nhiều DN khác, mỗi nơi một thời gian ngắn.
Sự đến và đi rất nhanh chóng của các lãnh đạo tầm cỡ quốc tế có nhiều nguyên nhân nhưng nó được ví von một cách không vui là "cả thèm chóng chán".
Trên thực tế, trong vài năm gần đây, các DN, đặc biệt là các NH tái cơ cấu rất mạnh mẽ do vậy nhu cầu thay đổi nhân sự cấp cao liên tục để đạt được mục tiêu là dễ hiểu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sếp quốc tế vẫn còn một khoảng cách với môi trường kinh doanh trong nước, cách thức quản trị và văn hóa DN Việt. Hay chỉ vì người làm thuê và ông chủ có tầm nhìn, định hướng khác nhau.