Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thuế nhà đất của Trung Quốc sẽ là 'đòn chí mạng' với ngành địa ốc?

Thuế nhà đất sẽ khiến lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc lao dốc hơn nữa, giáng đòn vào nền kinh tế nước này và tạo tác động lan tỏa trên toàn cầu.

Theo South China Morning Post, Trung Quốc đã công bố kế hoạch áp dụng thuế bất động sản để giảm tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo. Giới quan sát lo ngại rằng đó sẽ là "đòn chí mạng" đối với lĩnh vực bất động sản và toàn bộ nền kinh tế thứ hai thế giới.

Thuế bất động sản sẽ chưa có hiệu lực ngay. Trung Quốc cần thực hiện các kế hoạch thí điểm trong vòng 5 năm tại một số thành phố. Với những áp lực đang đè nặng lên các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc, thời điểm áp thuế trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Theo luật thuế tài sản, cả bất động sản nhà ở và không phải nhà ở đều bị đánh thuế dựa trên giá trị, ngoại trừ những hộ gia đình ở vùng nông thôn.

Thue nha dat anh 1

Trung Quốc công bố kế hoạch áp dụng thuế bất động sản để giảm tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo. Ảnh: Reuters.

"Đòn chí mạng"

Giới chức Trung Quốc không tiết lộ thêm chi tiết nào khác về kế hoạch áp thuế bất động sản. Tuy nhiên, thông báo của Bắc Kinh đã nêu bật sự quyết tâm của chính quyền trong việc áp dụng thuế trên toàn quốc.

"Các chủ nhà và khách mua nhà tương lai hiện phải tính đến trách nhiệm pháp lý tiềm tàng đối với những khoản thuế trong tương lai. Điều này làm giảm giá trị của nhà đất", nhà phân tích Rosealea Yao tại Gavekal Dragonomics bình luận.

Hiện vẫn chưa rõ mức thuế được đề xuất. Nhưng nếu mức thuế là 1%, các khoản nộp thuế trong tương lai sẽ tương đương 20-40% giá trị của một lô đất (dựa trên quyền sử dụng đất 70 năm ở Trung Quốc). Theo bà Yao, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến túi tiền của các hộ gia đình.

"Kế hoạch thuế có thể khiến giá và doanh số bất động sản sụt giảm hơn nữa", bà nhận định.

Thượng Hải, Thâm Quyến và Bắc Kinh chỉ xếp sau Hong Kong trong danh sách các thị trường nhà ở đắt đỏ nhất thế giới. Những chính quyền địa phương tại Trung Quốc kiếm được khoản tiền lớn nhờ việc bán đất, lên tới 8.400 tỷ NDT (1.300 tỷ USD).

Để so sánh, doanh thu từ thuế của các chính quyền địa phương khoảng 10.100 tỷ NDT.

Thue nha dat anh 2

Nhiều người giàu Trung Quốc mua nhà để đầu cơ, chờ giá tăng và bán lại với giá cao. Ảnh: Reuters.

Quá trình đô thị hóa thần tốc đã thúc đẩy nhu cầu. Giới nhà giàu ở Trung Quốc thường tích đất, chờ giá tăng và bán lại với giá cao.

Theo dữ liệu của China Real Estate Information, giá nhà trung bình tại 4 thành phố cấp một của Trung Quốc đã tăng gấp 3 lần trong 10 năm qua từ 18.000 NDT/m2 hồi năm 2009 lên 55.500 NDT/m2.

Vấn đề nằm ở chỗ trong năm 2020, thu nhập khả dụng bình quân đầu người ở Thượng Hải - vốn cao nhất trong số các thành phố tại Trung Quốc đại lục - là 72.000 NDT. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), con số trung bình trên toàn quốc là 32.000 NDT.

Tại trung tâm công nghệ Thâm Quyến, chi phí trung bình để mua một căn hộ cao gấp 43,5 lần mức lương trung bình hàng năm của cư dân địa phương. Ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc từ bỏ giấc mơ sở hữu nhà.

Chính quyền Bắc Kinh đã siết chặt kiểm soát thị trường nhà đất trong những tháng qua.

Chọn thời điểm thích hợp

Hôm 8/11, ngân hàng trung ương của Mỹ đã cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc có thể làm gia tăng "căng thẳng tài chính" tại đất nước 1,4 tỷ dân, "tạo áp lực lên thị trường tài chính toàn cầu và ảnh hưởng tiêu cực đến Mỹ".

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã nhắc đến cuộc khủng hoảng của China Evergrande - nhà phát triển bất động sản nợ nần nhất thế giới. Tập đoàn từng cảnh báo rằng có thể không trả được khoản nợ hơn 300 tỷ USD.

"Một loại thuế bất động sản là cần thiết và tốt về dài hạn. Tuy nhiên, Trung Quốc cần chọn thời điểm tốt hơn để áp thuế, nhằm tránh những ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng đối với hoạt động mua bán nhà đất", các nhà nghiên cứu của China Finance 40 Forum nhận định.

Bất động sản chiếm khoảng 25% GDP của Trung Quốc. Những rắc rối của ngành công nghiệp có thể tạo ra lực cản lớn đối với tăng trưởng kinh tế.

Sự suy thoái của thị trường nhà ở Trung Quốc sẽ làm giảm tốc tăng trưởng của đất nước và có tác động lớn đến toàn cầu

- Ông Louis Kuijs, Trưởng bộ phận Kinh tế châu Á tại Oxford Economics

Dữ liệu chính thức cho thấy sản lượng trong ngành bất động sản và xây dựng giảm lần lượt 1,6% và 1,8% trong quý III/2021.

Trong cùng thời kỳ, tốc độ tăng trưởng đầu tư bất động sản lao dốc còn 8,8%. Số lượng nhà ở mới cũng giảm 4,5% so với một năm trước đó.

Vào tháng 10, trong bối cảnh thị trường nhà ở hạ nhiệt nhanh chóng, giá nhà trên toàn quốc đã ghi nhận tháng thứ 2 giảm liên tiếp. Trong số 70 thành phố nằm trong khảo sát của NBS, 64 thành phố chứng kiến giá nhà giảm. Hồi tháng 9, con số là 52 thành phố.

Theo giới quan sát, việc áp thuế bất động sản có thể khiến nền kinh tế giảm tốc hơn nữa. Bởi các ngành liên quan từ thép, xi măng, máy móc kỹ thuật đến thiết bị gia dụng đều bị ảnh hưởng nặng nề.

"Sự suy thoái của thị trường nhà ở Trung Quốc sẽ làm giảm tốc tăng trưởng của đất nước và có tác động lớn đến toàn cầu", ông Louis Kuijs - Trưởng bộ phận Kinh tế châu Á tại Oxford Economics - bình luận.

Theo ông Kuijs, tăng trưởng đầu tư bất động sản có thể giảm 8,8% trong quý IV/2022. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc từ đó sẽ chậm lại còn 3%, tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp hơn 0,7 điểm phần trăm.

Giá kim loại toàn cầu cũng sẽ giảm mạnh. Các nhà sản xuất hàng hóa nước ngoài làm ăn với Trung Quốc chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Để tránh khủng hoảng kinh tế, nhiều nhà kinh tế đề nghị Bắc Kinh nới lỏng kiểm soát hạn ngạch cho vay thế chấp của ngân hàng, tiếp tục cho vay đối với những nhà phát triển bất động sản đủ năng lực nhưng đang gặp khó khăn, sắp xếp hợp lý thuế đánh vào bất động sản và làm rõ việc miễn thuế tài sản.

“Trung Quốc nên trì hoãn việc đưa ra các chính sách có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường bất động sản trong thời gian tới", các nhà kinh tế của China Finance 40 Forum nhấn mạnh.

Thế tiến thoái lưỡng nan của kinh tế Trung Quốc

Khủng hoảng nối khủng hoảng đe dọa nền kinh tế Trung Quốc trong những tháng qua. Tình trạng đình lạm đẩy chính quyền Bắc Kinh vào thế khó.

Các đại gia địa ốc Trung Quốc bỏ tiền túi để cứu công ty

Nhiều tập đoàn bất động sản Trung Quốc điêu đứng vì cuộc khủng hoảng tiền mặt và đòn giáng của Bắc Kinh, buộc các nhà sáng lập phải bỏ tiền túi giải cứu.

Bạn có thể quan tâm