Savills cho biết tổng nguồn cung căn hộ dịch vụ tại Hà Nội tăng 20% theo năm, đạt 5.500 căn. Sau thời gian dài chờ đợi, hai dự án hạng B tại quận Ba Đình và Đống Đa cung cấp 136 căn. Tỷ trọng các căn hạng A ổn định trong vòng 5 năm qua ở mức 53%, phần lớn được quản lý bởi Ascott và thương hiệu mới vào Oakwood.
Nguồn cung tương lai ghi nhận 2.400 căn từ 19 dự án với các đơn vị quản lý nước ngoài nắm giữ 96% số lượng căn. CapitaLand mua lại dự án Somerset Metropolitan West Hanoi quy mô 364 căn, dự kiến khuấy động khu vực phía tây Hà Nội sau thời gian dài yên ắng.
Giá thuê căn hộ dịch vụ ở Cầu Giấy 32 USD/m2/tháng
Trong khi đó, giá thuê căn hộ dịch vụ giảm 8% theo năm, xuống còn 24 USD/m2/tháng. Trong vòng 5 năm trở lại đây, quận Cầu Giấy duy trì mức giá thuê cao nhất, đạt 32 USD/m2/tháng ở nửa đầu năm 2021. Quận Đống Đa vươn lên chiếm vị trí thứ hai, sau khi dự án hạng A Novotel Hanoi Thái Hà đi vào hoạt động.
Công suất toàn thị trường tiếp tục vật lộn ở mức thấp tại 69%. Tuy nhiên, Gia Lâm ghi nhận mức tăng đáng kể 32 điểm % theo quý, nhờ khả năng đáp ứng nhu cầu cao của Vinhomes Ocean Park S2.17 cho các sinh viên trường quốc tế và chuyên gia Hàn Quốc làm việc tại các khu lân cận.
Sau một năm ghi nhận, khách thuê Hàn Quốc vượt qua Nhật Bản để chiếm đa số tại quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy và Nam Từ Liêm.
Thực tế, các chuyên gia nước ngoài làm việc tại các khu công nghiệp là nguồn cầu chính tại thị trường căn hộ dịch vụ.
“Phát triển công nghiệp gia tăng gần đây tại Bắc Giang, Thái Nguyên và Hải Dương thúc đẩy nguồn cung tương lai tại khu vực vành đai Hà Nội do có sự tiếp cận thuận lợi từ đây đến các tỉnh này. Các chủ đầu tư và thương hiệu quản lý lớn sẽ sớm chiếm lĩnh thị trường”, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, nhìn nhận.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát đỉnh điểm tại các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh từ tháng 5 tác động tiêu cực đến nhu cầu thuê căn hộ dịch vụ. Với quy mô đông nhân công và chia sẻ nhiều không gian chung, môi trường trong các khu công nghiệp dễ nhạy cảm với Covid-19.
Công suất phòng khách sạn đạt 27%, chủ yếu là khách nội địa
Trong khi đó, đối với thị trường khách sạn Hà Nội, tổng nguồn cung ổn định theo quý với 10.120 phòng từ 17 khách sạn 5 sao, 17 khách sạn 4 sao và 32 khách sạn 3 sao. Khách sạn 5 sao chiếm tới 54% tổng nguồn cung.
Tính tới cuối quý II, năm khách sạn 3 sao cung cấp 315 phòng đang tạm đóng cửa do Covid-19 và để sửa chữa. Mười khách sạn 3-5 sao tại Hà Nội cũng được chọn làm địa điểm cách ly.
Dù thị trường Hà Nội đã có sự phục hồi, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư từ cuối tháng 4 đã đẩy công suất phòng của quý II xuống còn 27%. Tuy nhiên, công suất thị trường vẫn tăng 6 điểm % theo năm do giãn cách xã hội giai đoạn này được nới lỏng hơn so với cùng kỳ năm trước.
Giá phòng trung bình đạt 77 USD/phòng/đêm, tăng 1% theo quý nhưng giảm 9% theo năm. Khách sạn 5 sao dẫn đầu với doanh thu phòng trung bình đạt 28 USD/phòng/đêm nhờ nhóm khách chính là khách công tác và khách lưu trú dài ngày.
Nhiều chủ khách sạn tại Hà Nội đang cố gắng cầm cự khi công suất phòng xuống thấp. Ảnh: Văn Hưng. |
Trong 6 tháng đầu năm, công suất phòng đạt 25%, giảm 8 điểm % theo năm, giá phòng trung bình giảm 16% theo năm. Du khách tới Hà Nội trong nửa đầu năm hầu hết là khách nội địa, đạt 2,9 triệu khách, giảm 25% theo năm.
Từ 6 tháng cuối năm 2021 tới 2023, gần 2.600 phòng dự kiến được đưa vào thị trường từ 14 dự án. Trong năm 2021, ba dự án 3-5 sao được sẽ cung cấp trên 500 phòng. Khu vực nội thành sẽ đóng góp lớn nhất vào nguồn cung tương lai với 1.200 phòng từ 7 khách sạn, theo sau là khu phía tây với 36% nguồn cung tương lai.
Các khách sạn quốc tế sẽ cung cấp gần 1.300 phòng tương đương với 48% nguồn cung tương lai, bao gồm những thương hiệu lớn như Eastin, Grand Mercure, Fairmont, Four Seasons, Lotte, Dusit và Wink.
Việc triển khai vaccine sẽ tăng sự tự tin cho ngành du lịch. Kế hoạch của Việt Nam sớm thí điểm sử dụng hộ chiếu vaccine ở Phú Quốc và Quảng Ninh là một bước quan trọng để chào đón du khách quốc tế quay trở lại đất nước.
“Tại Mỹ, các khách sạn đang gặp khó khăn sau khi mở cửa trở lại do sự thiếu hụt về nhân viên và chuỗi cung ứng, cùng với đó là giá phòng tăng do nguồn cầu lớn, kỳ vọng của khách hàng cũng tăng. Việt Nam hoàn toàn có thể trải qua những khó khăn đó khi du lịch trở lại”, ông Matthew Powell cho hay.