Trứng muối. Ảnh: VHG. |
Mỗi lần tôi về quê chồng ở Tiền Hải, Thái Bình trở lên Hà Nội, hành trang lúc ít cũng là vài chục, lúc nhiều thì đến vài ba trăm quả trứng gà, trứng vịt. Nào là bọc rơm, lót trấu, quấn giấy, nhồi bị, xếp sọt, đóng thùng… lỉnh kỉnh. Toàn là quà của anh em, họ hàng, xóm giềng gửi theo. Thơm thảo không thể chối từ.
Đương nhiên sau đó là một cuộc phân chia, gửi gắm tưng bừng cho anh em, họ hàng bầu bạn, xóm giềng ở Hà Nội. Tất tả, miệt mài hết vài ba ngày chả xong. Dẫu đã từ lâu rồi, ở Hà Nội trứng gà trứng vịt tràn ngập các phố chợ, siêu thị, giá rất dễ chịu, song những quả trứng quê vẫn mang giá trị khó thay thế. Trẻ con, người ốm, người đẻ ăn trứng quê thì thật ngon lành, yên tâm.
Nhưng mà rồi thể nào tôi cũng bớt lại vài mươi quả trứng vịt đem muối mặn ăn dần cùng cháo hoa hay cơm trắng. Tốn gạo lắm chứ chả phải chơi. Có người thấy làm trứng muối tưởng đâu khó khăn lắm, nhưng thực ra rất đơn giản.
Chỉ là cứ 5 quả trứng thì 1 lạng muối. Trứng rửa sạch, tráng rượu, lau khô. Hòa muối vào nước đun sôi kỹ, rót thêm chút rượu mới, thả trứng vào ngâm ngập, rồi đè vỉ tre như muối cà. Khoảng ngoài một tháng là ăn ngon. Có thế thôi. Nhưng cũng phải nói thật, đấy là cách muối trứng ăn mặn của gia đình tôi. Chứ mà muối để làm nhân bánh trung thu thì tôi hoàn toàn chưa biết cách.
Năm 1987, bạn đồng nghiệp cùng Đài Hà Nội của tôi là Nguyễn Thị Thu Hồng sinh con trai đầu lòng sau 6-7 năm ròng mong mỏi. Hồi ấy, mới thoát khỏi cơ chế tem phiếu được ít lâu, Hà Nội hãy còn nghèo lắm. Tôi đến thăm bạn ở cữ vẫn đem theo làm quà chục quả trứng gà quê với nải chuối, quả đu đủ chi đó.
Lâu ngày tôi quên bẵng, thế mà Thu Hồng, người hiện giờ đang được bọn tôi tôn là Công chúa Trưởng của làng báo, dưới gầm trời chả thiếu miếng ngon đông tây nam bắc, quà cho bạn hàng triệu đồng chả tiếc, vẫn cứ nhắc hoài nhắc mãi:
- Hồi trước, ba mất sớm, mạ (Thu Hồng quê gốc Quảng Trị, ba mạ tập kết ra Bắc) nuôi 6 chị em mồ côi, bữa cơm chỉ có mỗi quả trứng dầm nước mắm. Lắm lúc nằm mơ thấy được ăn một mình một quả trứng, giật mình tỉnh dậy còn tiếc mãi.
- Ờ, ngày trước ối nhà thế, khác gì đâu. Nhưng ở ngoài Bắc từ xưa, đi thăm gái đẻ vẫn cứ chục quả trứng gà, chai nước mắm ngon hoặc nải chuối chín. Đó là phong tục đấy.
Thật vậy. Ngày xưa quả trứng vẫn vốn là một thức thực phẩm quý trong mâm cơm các gia đình cả nông thôn lẫn thành thị. Nhưng ở nông thôn, trứng trước hết không phải là để ăn. Trứng gà, trứng vịt đẻ ra là để ấp thành gà con, vịt con. Gà vịt con nuôi cho lớn lại thành gà vịt đẻ. Đẻ ra thành trứng lại đem ấp nở. Cứ thế.
Nhà văn Trung Sỹ còn nhắc nhớ câu chuyện hễ gà đẻ quả nào lấy bút mực đánh dấu quả đấy, ghi rõ ngày tháng, hỏi đứa nào dám ăn cắp. Nhà văn Việt kiều Lê Minh Hà hồi nhỏ đi sơ tán còn chuyên canh trứng ấp, soi quả nào thấy ung là chị em đem triển luôn. Cứ kiểu như mong gà rù để rang gừng cải thiện bữa ăn ấy.
Tôi sợ quá cái mùi gà rù, rồi mùi trứng ung. Sợ một cách kinh khủng, nghĩ lại muốn ói, mà sao ngày ấy nó lại thành ra ngon lạ ngon lùng như thế, nhất là với cánh bia rượu.
Trứng quý như thế, dễ đâu mà được ăn, trừ khi ốm đau cảm mạo. Bà hoặc mẹ nấu cho bát cháo muối, đập vào quả trứng, đánh lộn lên vàng rực, rắc thêm nhúm hành hoa, tía tô hái bờ giậu thái nhỏ. Thế là thay hết tất cả thuốc thang. Người ốm tỉnh như sáo sậu luôn, lại đội nắng, tắm mưa ra vườn, xuống ruộng.
Đấy, thế mới biết cái bát cháo hành Thị Nở nấu cho Chí Phèo nó thần diệu như thế nào. Mà lâu ngày còn chưa nhớ là nàng có đập trứng vào đấy nữa không? Nếu có trứng nữa, chắc là đêm ấy đậu Chí Phèo con là cái chắc.
Á, có những dịp có thể được ăn trứng. Ấy là khi nhà bất chợt có khách: “Gà vừa nhảy ổ, chợ thời xa”. Ngày ấy, cả xã hội hầu hết đều nghèo. Làm gì có đồ ăn dự trữ, trừ muối vừng, cá mắm.
Làm gì có tủ lạnh, tủ đông. Làm gì có điện thoại để mà khách báo trước khi đến. Chiến tranh giặc giã liên miên. Có khách vừa thích vừa ngại. Thôi thì cấp tập chọn mấy quả trứng bị loại khỏi ổ trứng ấp, đem chưng với mấy quả cà chua ương ương rứt vội ngoài vườn. Thả thêm dúm muối, thế là có món ngon đãi khách.
Ở thành thị thì đập đôi ba quả trứng đánh lẫn với thìa nước mắm, dúm hạt tiêu, thêm mấy cọng hành hoa thái nhỏ, rồi phi hành mỡ rán lên. Chỗ chảo dầu mỡ còn lại sau khi rán trứng đem xào thêm quả mướp với nắm giá đỗ. Thế là thành mâm cơm đãi khách. Trẻ con ra chỗ khác chơi đi cho ngoan!
Gái đẻ xưa được ưu tiên ăn trứng luộc. Bây giờ các gái đẻ đời mới thường chê và sợ trứng, chứ ngày xưa coi trứng là ưu tiên hạng nhất. Đồn rằng cứ bắt đầu rời khỏi bàn đẻ là chịu khó ăn ngay 9 quả trứng gà luộc nếu sinh con gái và 7 quả nếu sinh con trai thì gái đẻ sớm chặt dạ con, đỡ sổ bụng.
Tôi sinh con gái đầu lòng ở Nhà hộ sinh A Ngô Quyền đã phải dùng hết sức bình sinh cố nuốt mà chỉ đến quả thứ 5 là ngắc ngứ. Trách nào!
Ngày xưa, những nhà có của, trước khi con gái ở cữ cháu đầu lòng chừng ba tháng, đã ngâm sẵn bình rượu nếp trứng gà mật ong rồi hạ thổ đúng 100 ngày, gọi là hạ thổ bách nhật. Gái đẻ qua tháng đầu cứ thế mà ăn hàng ngày đều đặn thì sữa tràn trề, má hồng, môi đỏ, tóc xanh mướt. Chả trách người xưa có câu: “Gái một con trông mòn con mắt”.
Nhưng trứng ngâm rượu hơi đăng đắng, có cô chả ăn được dấm dúi nhờ chồng ăn hộ. Mẹ vợ sang chơi thấy chàng rể chăm gái đẻ mà lại béo tốt ra tha hồ ngạc nhiên. Có đâu mà như thiên hạ: “Trai nuôi vợ đẻ gầy mòn…”.
Đại tá Thuận Hóa, biên dịch viên tiếng Trung nổi tiếng của làng báo Việt Nam có lẽ vì đảm đương hộ 200 quả trứng gà sau 2 cữ vợ đẻ 2 con gái mà cứ béo tốt cho đến tận tuổi ngoại lục tuần bây giờ. Và trình uống rượu của đại tá thì mỗi tuổi mỗi tăng chả chịu dừng. Trăm sự tại hai cái hũ rượu nếp trứng gà của bà nhạc năm nao.