Theo quảng cáo của các đơn vị sản xuất và bán hàng thì đây được coi như thực phẩm có tiêu chuẩn cao nhất hiện nay, khi hoàn toàn không sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất.
Tuy nhiên, giá các loại thực phẩm này cũng ở mức cao nên còn hạn chế người tiêu dùng. Các công ty phát triển thực phẩm hữu cơ cho hay, khi quy mô sản xuất tăng lên trong thời gian tới, giá các loại sản phẩm hữu cơ sẽ giảm, nhưng vẫn cao hơn so với thực phẩm thường.
Sáng thứ 6, chị Nguyễn Thu Thảo (Ba Đình, Hà Nội) ghé vào một cửa hàng thực phẩm hữu cơ trên đường Hoàng Hoa Thám để mua đồ ăn cho gia đình trong ngày cuối tuần. Tại đây, chị mua 500g rau muống, 500g rau cải, 1kg thịt lợn ba chỉ, hành và 3 hộp sữa bò tươi với tổng số tiền trên 300.000 đồng.
Hoa quả, rau sạch đang thu hút người dân thành thị, dù giá cả hơi "chát". |
"So với mua ngoài chợ hay trong siêu thị, giá rau mua ở đây có lẽ đắt gấp đôi, nhưng thực phẩm hữu cơ ăn ngon hơn và yên tâm về chất lượng", chị Thảo cho biết. Chị Thảo kể trước đây chị không biết gì về thực phẩm hữu cơ nên không quan tâm. Cách đây hơn nửa năm, nghe một đồng nghiệp trong công ty giới thiệu loại gạo hữu cơ ăn rất ngon nên mua về ăn thử.
"Khi ăn gạo hữu cơ tôi thấy thơm và đượm hơn nhưng chỉ nghĩ là một loại gạo mới. Nhưng sau ba bữa cơm bằng gạo hữu cơ, tôi nấu lại gạo đang dùng dở thì con trai tôi nhất định không ăn mà đòi cơm giống hôm trước thì tôi mới để ý thật sự tới thực phẩm này", chị Thảo nói.
Sau khi tìm hiểu kỹ thông tin trên mạng, chị Thảo quyết định chuyển sang mua các loại thực phẩm khác tại cửa hàng hữu cơ như rau, thịt, cá... Điều thuyết phục chị Thảo, ngoài hương vị thơm ngon hơn thực phẩm thường, điều quan trọng nhất là thực phẩm hữu cơ không dùng hóa chất trong canh tác, nên không lo lắng về dư lượng hóa chất khi mua rau ngoài chợ.
Chị Cù Tuyết Trinh, giáo viên ở Long Biên cho hay "nếu dùng đúng rau hữu cơ thì hầu như ai cũng ghiền và không muốn ăn rau thường nữa. Rau hữu cơ để được lâu hơn rau thường mà hương vị đậm đà giống như rau ở quê vậy."
Đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với các loại thực phẩm hữu cơ do lo ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm, thời gian qua nhiều cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm hữu cơ ra đời tại Hà Nội, tập trung ở các khu vực dân cư có thu nhập cao.
Đại diện của hàng Fami Food - Hà Nội, bên cạnh các loại gạo, rau củ tươi, các cửa hàng chuyên thực phẩm hữu cơ cũng cung cấp thịt lợn sạch, thịt vịt, sữa bò tươi, gạo và các sản phẩm chế biến như giò chả, xúc xích... các cửa hàng có nguồn cung cấp thực phẩm uy tín đảm bảo vệ sinh và chăn nuôi bằng nguồn thức ăn không tăng trọng, không hóa chất...
Nhiều cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm hữu cơ ra đời, tập trung ở các khu vực dân cư có thu nhập cao (Ảnh minh họa). |
Tuy nhiên, khảo sát tại các cửa hàng này cho thấy giá các loại thực phẩm hữu cơ cao hơn nhiều so với thực phẩm thường (rau VietGAP, rau an toàn). Các cửa hàng có giá bán hàng khác nhau giá cả dao động từ 30 000 - 40 000 đồng/1kg rau củ quả, các loại, thịt có giá 115 000 - 140 000 đồng/1 kg.
Trong khi đó, theo chị Huyền, chủ hàng thực phẩm hữu cơ Lá Lúa ở Định Công, hạn chế lớn nhất để thực phẩm hữu cơ đến với người tiêu dùng và giá cao hơn trong siêu thị 2 - 4 lần.
"Do giá thành cao nên giá bán rau hữu cơ cũng khá cao, chỉ phù hợp với khách hàng có thu nhập trung bình trở lên. Tuy nhiên, khi khách hàng tăng lên, các công ty đầu tư mở rộng vùng trồng rau thì chi phí sẽ giảm nên giá rau hữu cơ cũng giảm theo", anh Trường, quản lý cửa hàng thực phẩm hữu sạch Fami Food cho biết.
Còn chị Huyền Anh, chủ hàng rau quả hữu cơ Aqua ở Trung Tự - Hà Nội cho rằng, lượng khách hàng sẽ tăng lên nhanh chóng khi nhân thực người dân về ATTP tốt hơn, trong khi giá sản phẩm sẽ ngày càng rẻ đi.
Tuy nhiên, theo nhiều đơn vị sản xuất, giá bán thực phẩm hữu sẽ khó giảm nhanh vì việc sản xuất không hề dễ trong khi quy mô khó tăng nhanh.
"Để có thể dán nhãn hữu cơ cho một loại thực phẩm nào đó, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Không chỉ dừng lại ở công nghệ như mọi người thường thấy là không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng... mà đất trồng trọt và nước tưới phải được kiểm soát nghiêm ngặt, không nhiễm độc chất. Quá trình chuyển đổi đất thường phải mất từ 7 tháng đến 1 năm, trong thời gian này, các sản phẩm cung ứng trên thị trường cũng không được phép ghi là thực phẩm hữu cơ.
Điều đặc biệt mà khách hàng cần lưu ý khi chon sản phẩm hữu cơ là, trên các sản phẩm có dán tem nhận diện, điện thoại liên lạc, và đặc biệt là mã nhóm sản xuất để người tiêu dùng có thể tự truy xuất nguồn gốc sản phẩm.