“Tiền mất, tật mang”
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (TC và BVNTDVN) đã cảnh báo như trên trong buổi hội thảo về thực phẩm chức năng do Bộ Y tế tổ chức tại TP.HCM ngày 30/11.
Thời gian qua, Hội TC và BVNTDVN đã ghi nhận phản ánh, khiếu nại của người dân bị biến chứng sau khi sử dụng thực phẩm chức năng.
Thực phẩm chức năng kém chất lượng bị cơ quan chức năng phát hiện. Ảnh: Thanh Huyền |
Một trong các trường hợp đó là một bệnh nhân tên Thành ở Hà Nội bị liệt nửa người do tai biến mạch máu não. Bệnh nhân này đọc quảng cáo trên phương tiện truyền thông về Bài thuốc Đông y cổ truyền “Tâm não khang”. Sản phẩm này có tác dụng chữa khỏi bệnh cho người bị bệnh tai biến mạch máu não lâu ngày. Theo quảng cáo, sau khi uống một lượng nhất định, bệnh nhân có thể đứng dậy, chạy được.
Mừng như vớ được vàng, ông Thành đến cửa hàng bán sản phẩm nói trên để khám rồi mua về uống theo chỉ dẫn. Khi uống được 4 hộp chân bệnh phải của bệnh nhân bị phù nề, sưng to dần. Bệnh nhân thắc mắc được người bán hàng giải thích, tư vấn mua uống tiếp 2 hộp. Kết quả đâu chẳng thấy, chân bệnh nhân còn sưng to hơn.
Do không được giải quyết bồi thường nên khách hàng khiếu nại tới Hội, sau đó ông T. đã được công ty sản xuất loại thực phẩm chức năng nói trên hỗ trợ một khoản tiền.
Tiếp đến là trường hợp của khách hàng tên Nga khiếu nại với Hội về sản phẩm trà túi Đan Sâm. Nghe quảng cáo trên ti vi chị N. đã mua sản phẩm này vì biết có công hiệu cho người cao huyết áp. Ai ngờ sau khi uống huyết áp của khách hàng chẳng ổn mà lại cao hơn trước.
Ông Hùng chia sẻ: “Trên thị trường hiện có nhiều thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ngay tại phố chuyên bán thuốc Đông y ở Hà Nội, chúng tôi phát hiện có loại được giới thiệu là “Đại bổ sâm nhung hoàn” tốt cho người già yếu bị suy nhược nhưng nhãn mác, hướng dẫn sử dụng toàn chữ Trung Quốc, hạn sử dụng không có. Mới đây cơ quan chức năng phát hiện hơn 100 thùng thực phẩm chức năng ghi sản xuất tại Mỹ nhưng kỳ thực lại được làm ở Hải Dương. Hoặc một vụ trên 3780 lọ thực phẩm chức năng dạng viên nang xuất xứ Trung Quốc, thế mà nhập về Việt Nam được “phù phép” thành sản xuất ở Mỹ…”
Đặc biệt, giá thành của các loại sản phẩm chức năng trên thị trường hiện nay không hề rẻ. “Thực phẩm chức năng đã bị biến tướng, qua nhiều nấc trung gian, giá bị đầy lên một cách bất hợp lý, thoát ly khỏi giá trị và những yếu tố hình thành nên giá bán, cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu.”, ông Hùng nói.
Giá trên trời, sao vẫn nhiều người mua?
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, nhiều người tiêu dùng vẫn chưa hiểu đúng và sử dụng thực phẩm chức năng tùy tiện.
Dù có nguồn gốc thiên nhiên nhưng theo các nhà chuyên môn, cũng như thuốc, dị ứng thực phẩm chức năng vẫn có thể xảy ra, nhất là với những người có cơ địa nhạy cảm nếu trong thành phần của thực phẩm chức năng có chất gây dị ứng (có thể từ tá dược hoặc chất bảo quản). Dị ứng thực phẩm chức năng nặng nhất là sốc phản vệ, có thể gây chết người.
Một loại thực phẩm chức năng bị cấm nhưng vẫn được bày bán công khai. |
Trước thực trạng về tình hình sử dụng thực phẩm chức năng hiện nay, một câu hỏi được đặt ra: Giá cả trên trời nhưng sao người tiêu dùng, thậm chí cả người có thu nhập thấp vẫn mua?
Theo ông Hùng, qua tìm hiểu các vụ khiếu nại tới Hội liên quan đến thực phẩm chức năng, câu trả lời chính là tư tưởng “có bệnh phải vái tứ phương”. Khi đã ở vào hoàn cảnh bệnh tật người bệnh rất dễ tin vào những quảng cáo về “ thần dược”.
Đây cũng là yếu tố tâm lý được những người kinh doanh, làm quảng cáo khai thác với mục đích thương mại triệt để kiếm lời một cách phi đạo đức.