Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thực phẩm chay tăng giá, đắt khách

Không chỉ các quán ăn chuyên phục vụ thực phẩm chay nhộn nhịp, nhiều siêu thị cũng chạy đua cung cấp sản phẩm chay phục vụ người tiêu dùng mùa Vu lan năm nay.

Đông đúc quán ăn

Hơn 11h trưa, quán chay Liên Hương (đường Lê Thị Riêng, Q.1, TP.HCM) đã nhộn nhịp người ra vào. Vẫn là những món chay quen thuộc như các loại gỏi rau củ, ngó sen hay các loại lẩu nấm đặc trưng được nhiều thực khách lựa chọn. Nhân viên nhà hàng này cho biết từ đầu tháng 7 âm lịch là khách đã bắt đầu nhộn nhịp.

“Đông nhất là buổi trưa, nhiều bữa phục vụ không kịp, càng gần đến lễ Vu Lan thì càng đông hơn nữa”, nhân viên tại đây cho biết.

Không riêng gì quán ăn này, bắt đầu vào tháng 7 âm lịch là những quán ăn chay chạy đua bán hàng. “Cả năm ăn thua nhau ở tháng này thôi”, chủ quán cơm chay trên đường Bàu Cát (Q.Tân Bình) cho hay.

Giá tăng nhẹ nhưng đồ chay vẫn đắt hàng, lượng tiêu thụ tăng 20-200% so với năm trước.
Giá tăng nhẹ nhưng đồ chay vẫn đắt hàng, lượng tiêu thụ tăng 20-200% so với năm trước.

Ghi nhận tại các quán chay cho thấy, giá cả nhiều mặt hàng chay đã tăng từ 5.000-10.000 đồng tùy món. Tại quán cơm chay trên đường Bàu Cát, nếu như trước đây bún bò chay chỉ 35.000 đồng/tô nay đã lên 40.000 đồng/tô, cơm thập cẩm bình dân cũng tăng từ 18.000 đồng/phần lên hơn 20.000 đồng/phần ăn, các loại lẩu nấm, lẩu chay thập cẩm từ 120.000-150.000 đồng/phần. Tại một số quán ăn trên đường Nguyễn Trọng Tuyển, giá bánh xèo chay, nấm rơm kho tộ cũng dao động từ 30.000-75.000 đồng/món, tăng khoảng vài ngàn đồng so với trước đây.

Hầu hết chủ quán đều giải thích giá tăng là do nguyên liệu đầu vào tăng. “Thông thường cứ đến tháng chay là giá rau củ, thực phẩm tự nhiên tăng lên. Khi nào hết mùa chay giá chắc chắn sẽ trở lại bình thường”, anh Nguyễn Đức Bá, chủ quán cơm chay đường Bàu Cát, nói.

Bên cạnh việc giá cả tại các quán chay tăng đồng loạt, năm nay xu hướng ăn chay của người dân cũng thay đổi khá nhiều. Nếu như trước đây, các quán chay ngoài rau củ vẫn có thêm những món chế biến cùng với các loại thực phẩm “làm nhái” thịt, cá, tôm, chả thì năm nay người tiêu dùng có xu hướng ưa chuộng sản phẩm hoàn toàn từ rau củ thiên nhiên và chú trọng đến sức khỏe.

Chị Đỗ Tố Uyên (đường Bờ Bao Tân Thắng, Q.Tân Phú) cho biết gần nửa tháng nay bữa trưa của chị là các món chay. “Tôi chỉ chọn các món gỏi trộn hay gỏi cuốn từ rau củ, hay các món nấm nấu, xào, kho chứ cũng ngại chọn các món được làm sẵn hay giả thịt, cá”, chị Uyên cho hay.

Chủ tiệm chay Mai Huy (đường Quang Trung, Q.Gò Vấp) cho biết phần đông khách đi ăn lựa chọn các món có nguồn gốc rau củ. “Mặc dù vẫn có các loại thực phẩm thay thế giả thịt, tôm, cua, cá phục vụ khách nhưng khách lựa chọn ăn không nhiều, ăn nhiều nhất là các loại nấm chế biến, lẩu, mì chay và gỏi”, chủ quán tên Huy nói. Thậm chí, quán chay Liên Hương còn không sử dụng đá lạnh cho các loại đồ uống nhằm phù hợp với phong cách đồ chay, bảo vệ sức khỏe.

Chuẩn bị nhiều vẫn tăng giá

Vào mùa Vu lan, sức mua các loại rau củ chế biến thịnh hành như nấm, cà rốt, củ sắn, cà chua, các loại khoai, bắp cũng đều hút hàng nên tại các chợ, đơn vị bán lẻ hay tại các siêu thị đồ chay sẵn đều được chuẩn bị hàng hóa chu đáo. Tuy nhiên ghi nhận cho thấy giá cả nhiều mặt hàng vẫn tăng từ 5-15% so với trước đó.

Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, lượng hàng về chợ đạt từ 2.800 - 3.000 tấn/đêm, trong đó nhóm hàng rau củ tăng mạnh và chiếm hơn 60% tổng lượng hàng. Tuy nhiên, các loại hàng chủ đạo như nấm, cà rốt hay bí xanh giá đều đã tăng thêm vài ngàn đồng/kg tùy loại. Các tiểu thương giải thích, do vào vụ nên thường mặt hàng bán được sẽ tăng giá nhẹ, kéo theo tại các chợ lẻ trên địa bàn TP.HCM, mặt hàng phục vụ món chay cũng đồng loạt tăng.

Tại các hệ thống siêu thị, các loại mặt hàng chay cũng được đưa lên kệ nhiều gấp đôi so với năm ngoái. Ghi nhận cho thấy rất nhiều mặt hàng thực phẩm được chế biến làm đồ chay sẵn từ bún, phở khô, các loại mì, thậm chí cả một số sản phẩm chay nhập khẩu “giả” hải sản như cua, mực, chả cá cũng được đưa lên kệ bán để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Hệ thống Saigon Co.op chuẩn bị lượng hàng tăng gần gấp đôi để phục vụ mùa chay, nhiều mặt hàng như mì, hủ tiếu hay các loại thực phẩm làm sẵn như bánh bao, xôi chiên, đậu hũ nhồi rau củ chay được bán khá nhiều. Sức mua đã tăng khoảng 20% kể từ đầu tháng 7 âm lịch so với những tháng trước. Siêu thị Maximark còn tăng cường quầy chế biến sẵn để phục vụ nhu cầu người dân. Tại siêu thị này, năm nay có khoảng 300 mặt hàng thực phẩm chay có mặt trên kệ chủ yếu là đóng hộp và thực phẩm tươi sống, sức mua tăng gấp đôi so với ngày bình thường.

Các doanh nghiệp sản xuất đồ chay nhiều năm như Âu Lạc, Saigon Food, Vissan hay Cầu Tre đều cho biết, đã chuẩn bị lượng hàng hóa dồi dào cho mùa Vu Lan năm nay. Theo đó, có khoảng 1.000 mặt hàng đồ chay có mặt trên các quầy kệ phục vụ nhu cầu người dân với đầy đủ chủng loại như chả giò, chả lụa, lẩu đến các loại thực phẩm giả thịt heo, tôm, cá, bò...

1,5 triệu đồng một bàn tiệc chay

Nhiều nhà hàng, quán ăn chay tại TP.HCM đồng loạt giới thiệu các dịch vụ làm tiệc chay, tiệc bàn, buffet. Với 10 hoặc 15 món ăn cho một phần, khách ăn phải trả từ 130.000-160.000 đồng/phần hoặc các loại bàn tiệc có giá từ 1-1,5 triệu đồng/bàn cũng được nhiều nhà hàng giới thiệu.




 

http://tuoitre.vn/Kinh-te/622462/thuc-pham-chay-dat-khach.html

Theo Dũng Tuấn/Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm