Theo Tiến sĩ Primrose Freestone (Đại học Leicester, Anh), việc nhiễm khuẩn khi ngồi trên toilet công cộng gần như khó có thể xảy ra, do phần lớn các bệnh đường ruột do vi khuẩn truyền từ tay đến miệng. Điều này xảy ra khi tay, thực phẩm hay bề mặt tiếp xúc có dính chất thải chứa mầm bệnh.
Đồng thời, da người cũng có một lớp vi khuẩn và vi sinh vật có vai trò như một tấm khiên bảo vệ hiệu quả. Phía dưới, hệ miễn dịch liên tục hoạt động để chống lại các mầm bệnh tiến vào cơ thể.
Nếu nhà vệ sinh công cộng có vẻ sạch sẽ, bạn không nên quá lo lắng về chuyện lây bệnh. Ảnh: Reader's Digest. |
Do đó, bạn không cần phải đi tiểu trong tư thế “squat” trên bồn cầu. Điều này không chỉ dễ khiến bạn bị thương mà còn tăng khả năng viêm nhiễm. Đồng thời, tư thế này khiến việc đi tiểu trở nên khó khăn hơn và dễ khiến bàng quang không được xả hết hoàn toàn. Hậu quả là về lâu dài bạn có thể sẽ mắc chứng buồn tiểu thường xuyên, thậm chí còn bị viêm bàng quang.
Nếu quá lo lắng, bạn có thể đem theo giấy sát khuẩn để lau bệ toilet trước khi sử dụng. Tuy nhiên, bồn cầu không phải là nơi duy nhất tập trung nhiều vi khuẩn. Các vi khuẩn này có thể phát tán trong không khí, cửa và sàn nhà vệ sinh. Do đó, bạn nên rời khỏi buồng vệ sinh ngay sau khi xả nước xong và rửa tay thật kỹ bằng xà phòng trong khoảng 20-30 giây.
Vấn đề là không phải ai cũng sẽ rửa tay sau khi đi vệ sinh. Do đó, khả năng cao là tay nắm cửa ra vào chính sẽ là nơi có nhiều vi khuẩn. Bạn nên dùng một khăn giấy hoặc tay áo để mở cửa.
Bên cạnh đó, bạn nên tránh sử dụng điện thoại khi vào nhà vệ sinh, điều này khiến màn hình điện thoại - vốn đã đầy rẫy vi khuẩn - càng dễ trở thành nguồn lây nhiễm bệnh hơn.