Những ngày qua, mạng xã hội và báo chí Malaysia đưa tin, gạo giả độc hại của Trung Quốc được làm từ khoai tây, khoai lang với nhựa tổng hợp, ép thành dạng hạt gạo, được cho là đã có mặt tại những vùng nông thôn ở châu Á, như Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, và gần đây là Singapore.
Báo Straits Times của Singapore ngày 19/5 cho biết, loại gạo giả này được làm từ nguyên liệu là khoai tây, khoai lang trộn với nhựa tổng hợp có chứa độc tố. Hợp chất này được trộn lẫn vào nhau rồi sau đó được đem đi định hình thành hạt gạo.
Giới chuyên gia y tế và dinh dưỡng Singapore cảnh báo, loại gạo này khi nấu lên rất dai, ăn vào có thể bị tổn hại nghiêm trọng đến hệ tiêu hóa hoặc thậm chí tử vong.
Hiện nay có thông tin loại gạo này đã tràn sang các quốc gia có dân số nông thôn đông như Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam. Mới đây có tin gạo giả đã xuất hiện ở Singapore.
Tin tức về loại gạo giả đang lan truyền rất nhanh trên các ứng dụng mạng xã hội như WhatsApp và Facebook. Theo Straits Times, loại gạo làm từ nhựa này từng được bán rất nhiều ở thị trường Trung Quốc, nhất là tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thiểm Tây.
Chén cơm hàng ngày của người tiêu dùng châu Á có thể bị ảnh hưởng độc hại từ loại gạo giả làm bằng nhựa được cho là xuất xứ từ Trung Quốc - Ảnh:Straits Times. |
Bộ Nông nghiệp Malaysia cho biết, dù chưa nhận được bất kỳ khiếu nại nào liên quan đến gạo làm từ nhựa, nhưng cơ quan này cũng đã hướng dẫn người tiêu dùng Malaysia cách phân biệt loại gạo giả này.
Còn Bộ trưởng Thương mại nội địa Malaysia Hasan Malek cho biết, cho dù thông tin đang lan truyền trên Internet là thật hay giả, thì bộ này cũng không thể xem nhẹ vấn đề trên.
Ông cũng lưu ý, có khả năng gạo giả được bán sang các nước bằng đường buôn lậu qua biên giới. Rất khó phát hiện nếu những nhóm buôn lậu trộn loại gạo làm bằng nhựa như trên với gạo thật để qua mắt cảnh sát biên phòng và bán ra thị trường ở các nước châu Á.
“Chúng tôi sẽ tiến hành điều tra trên phạm vi toàn quốc. Các nhóm điều tra sẽ tập trung vào những cửa hàng nhỏ lẻ, để kiểm tra liệu họ có đang bán loại gạo giả này hay không, nhất là ở các khu vực ngoại ô và vùng nông thôn”, ông Hasan cho biết.
Theo một nguồn tin giấu tên trong ngành lúa gạo Malaysia, những loại gạo như vậy chắc chắn không thể bày bán công khai ở các siêu thị lớn.
"Nếu loại gạo này có ở Malaysia, rất có thể nó được bán ở các cửa hàng nhỏ," nguồn tin cho biết. Ông này cũng lưu ý, để tránh bị phát hiện, gạo rởm rất có thể được trộn lẫn với gạo thường, và buôn lậu qua đường biên giới.
Chuyên gia dinh dưỡng Mary Easaw-John ,Viện Tim mạch quốc gia Malaysia cho biết, "một số chất, chẳng hạn như nhựa tổng hợp, không thể ăn được, và về lâu dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tiêu hóa."
Trao đổi với báo chí, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội), cho rằng gạo giả là thông tin không có thật. Vì giá thành gạo hiện nay khá rẻ. Trong khi đó để sản xuất gạo giả có thể còn cao hơn giá gạo thật. Không có lợi nhuận họ sẽ không làm.
Còn Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) ngày hôm nay (20/5) cho biết, đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xác minh thông tin gạo giả xuất hiện ở Việt Nam.
Trước đó, đầu năm 2012, nghi vấn gạo nhựa cũng gây xôn xao ở Hà Nội, khi nhiều người dân ở quận Hoàng Mai khẳng định đã mua gạo nhựa về nấu cơm và không thể ăn được.
Tuy nhiên, thời điểm đó, Cục an toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã khẳng định thông tin gạo giả tại Hà Nội là chưa chính xác.
Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã có kết quả phân tích năm mẫu gạo cho thấy có các chỉ tiêu (protein, tinh bột, vitamin B1) phù hợp với thành phần gạo Việt Nam, không phải là gạo giả. Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cũng không phát hiện chất tẩy trắng, chất đánh bóng trong các mẫu phân tích.