Gần đây, trên một số diễn đàn công nghệ tại Việt Nam xuất hiện bài viết chia sẻ kinh nghiệm sử dụng điện thoại thông minh hiệu quả, hạn chế chai pin. Buộc phải giữ pin ở mức 50-80%, bật quạt, tháo ốp lưng khi sạc, thậm chí đặt báo thức giữa đêm để rút điện mới đi ngủ là những phương thức được đưa ra nhằm kéo dài tuổi thọ linh kiện.
Tuy nhiên, những mẹo này có phần tiêu cực, không mang lại hiệu quả lớn và ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm sử dụng thiết bị.
Mẹo chống chai pin có hiệu quả?
Khác với những lo lắng thường thấy của người dùng, các nhà sản xuất đưa ra lời khuyên nên thoải mái cho việc sử dụng pin. Apple cho biết khách hàng nên sạc thiết bị bất cứ khi nào thấy cần và không nên xả hết 100% trước khi cắm cáp trở lại. Táo khuyết khuyến cáo người dùng không nên để iPhone ở nhiệt độ quá cao, trên 95 độ F (35 độ C).
Bài đăng gây nhiều tranh cãi về cách bảo vệ pin smartphone. Ảnh: Group Tinh tế. |
Khuyến nghị của Google cũng tương tự. “Tính toán lượng sạc vào nhiều hoặc ít là không cần thiết. Bạn không cần điều chỉnh thiết bị bằng cách xả về 0 và sạc đầy”. Google cho biết.
Việc thực hiện các quy trình hà khắc cho tác vụ sạc điện thoại không thể giải quyết việc chai pin hoàn toàn. Yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến tuổi thọ pin là chu trình sạc. Một chu trình sạc được tính khi 100% pin được nạp vào, bất kể người dùng sạc từ mức bao nhiêu.
Do đó, việc khách hàng sử dụng thiết bị càng nhiều, dẫn đến việc sạc liên tục sẽ tiêu tốn chu trình sạc của viên pin. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc giảm tuổi thọ linh kiện.
Theo một khảo sát của Wirecutter với người dùng iPhone, mức pin trung bình còn lại sau 2 năm sử dụng là 85%. Đa số người tham gia cuộc điều tra cho biết họ chỉ sạc khi máy xuống mức pin yếu và thường xuyên nạp điện qua đêm. Số khác còn cắm sạc liên tục khi có thể, dù về nguyên tắc việc này gây hại cho pin.
Nhìn chung, có sự suy giảm tuổi thọ pin sau 2-3 năm sử dụng. Tuy nhiên, không có nhiều ví dụ thực tế cho thấy sự hiệu quả của các mẹo sạc pin đến tuổi thọ linh kiện. New York Times trích một ví dụ về một người dùng iPhone 7, vẫn duy trì 87% dung lượng đỉnh sau 4 năm sử dụng dù trường hợp này khách hàng sạc pin không theo kế hoạch nào.
Không nên hi sinh trải nghiệm vì nỗi sợ điện thoại bị chai pin. Ảnh: Ingitio. |
Trong khi đó, một người dùng khác cũng sử dụng mẫu iPhone 7 trong 6 tháng, tuân thủ kỹ các mẹo sạc pin. Tuy nhiên, mức dung lượng giảm nhanh, chỉ còn 64% sau thời gian ngắn.
New York Times cho rằng quan trọng vẫn là trải nghiệm. Việc giữ pin ở mức 50-80% có thể giúp kéo dài tuổi thọ linh kiện. Đổi lại, người dùng phải canh giờ khi sạc và sử dụng nhanh hết điện hơn.
Sạc nhanh không gây hại cho pin
Sạc nhanh là tính năng tiêu chuẩn ở các mẫu smartphone hiện đại. Apple, Samsung áp dụng mức công suất 25-27 W cho điện thoại của công ty. Trong khi đó, những thương hiệu Trung Quốc đã hỗ trợ mức trên 100 W vào năm nay.
Về mặt nguyên tắc, nhiệt độ là "kẻ thù" của pin. Do đó, các công nghệ sạc nhanh đẩy nhiệt độ của linh kiện này lên cao, có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ.
Sạc nhanh tạo ra nhiều nhiệt độ, nhưng nằm trong tính toán của nhà sản xuất. Ảnh: Xiaomi. |
Tuy nhiên thực tế các nhà sản xuất trang bị nhiều cảm biến để kiểm soát dòng điện, nhiệt độ pin khi sạc nhanh. Do đó, sản phẩm được giữ ở mức đảm bảo tuổi thọ, tự ngắt sạc khi đạt mức nhiệt nhất định. Ngoài ra, mức công suất cao được tính toán để chỉ được áp dụng trong giai đoạn đầu của chu trình nạp năng lượng, sẽ giảm dần khi pin đầy.
Mặt khác, công nghệ pin trên các sản phẩm cũng dần được cải thiện. Các mẫu điện thoại của Xiaomi, Oppo hay Vivo sở hữu pin có chu trình sạc được mở rộng. Những thiết bị này đảm bảo được độ bền của pin ở mức 1.200-1.800 lần sạc thay vì mức khoảng 800 như trước đó.
Đồng thời, sạc không dây cũng từng là tác nhân bị nghi ngờ gây chai pin bởi nó tỏa nhiều nhiệt khi hoạt động. Tuy nhiên, theo ông Menno Treffers, người sáng lập và Chủ tịch của Wireless Power Consortium, cơ quan duy trì tiêu chuẩn Qi, hiện chưa ghi nhận được tác động tiêu cực nào của việc sạc không dây kéo dài lên sản phẩm.