Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thức ăn nhanh Mỹ rầm rộ tới Việt Nam

Bloomberg nhận định thị trường Việt Nam đầy tiềm năng, đang là điểm đến của nhiều thương hiệu Mỹ khổng lồ mà mới nhất là nhà hàng thức ăn nhanh (fast-food) McDonald’s.

Ngoài chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh (fast-food) lớn nhất thế giới McDonald’s chính thức khai trương tại TP.HCM vào ngày 8/2, mới đây hãng kem International Dairy Queen Inc. của tập đoàn Berkshire Hathaway Inc cũng đến TP.HCM trong tháng 1. Hai cái tên này gia nhập vào danh sách các thương hiệu Mỹ đã và đang góp mặt tại thị trường Việt Nam từ năm 2010, như hamburger Carl’s Jr, Domino’s Pizza, Dunkin’ Donuts and Baskin-Robbins, Popeyes Louisiana Kitchen, Subway Restaurants và Starbucks Corp.
McDonald’s Việt Nam đã chính thức đưa vào hoạt động cửa hàng tại quận 1, TP.HCM ngày 8/2. Ảnh: Thanh Đạm.

Kiếm "vàng" ngoài nước Mỹ

Ông Markus Taussig, trợ lý giáo sư chuyên ngành Kinh doanh tại Đại học Quốc gia Singapore nhận định: "McDonald Việt Nam sẽ nhắm vào các bậc phụ huynh, vốn không mặn mà với fast-food, nhưng sẵn sàng đến đây để nhìn thấy con mình thích thú ăn burger và 'mua' cảm giác về một cuộc sống hiện đại và tích cực".

Bloomberg cho biết có khoảng 400 nhà hàng McDonald's ở Philippines, 260 nhà hàng ở Malaysia, 195 nhà hàng ở Thái Lan, 150 nhà hàng ở Indonesia và Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên trở thành điểm đến của McDonald's kể từ khi tập đoàn này mở nhà hàng tại Brunei vào năm 1992.

Theo số liệu từ Bloomberg, các thị trường ngoài Mỹ đã giúp McDonald's đạt 68% doanh thu năm 2012, so với 49% hồi năm 2000. Cổ phiếu McDonald's đã tăng 0,5% và đóng cửa ở mức 93,58 USD hôm 5/2 trên sàn New York.

Theo số liệu từ Euromonitor, thị trường thức ăn nhanh trị giá 543,6 triệu USD của VN năm 2012 đã đạt mức tăng trưởng 13,9% và dự kiến sẽ tăng 15% trong năm 2014.

Hiện tại thương hiệu gà rán KFC, thuộc tập đoàn Yum! Brands Inc ra mắt tại Việt Nam từ năm 1997, dẫn đầu thị trường này với thị phần 16%, tiếp đến là Lotteria với 5,8% và theo sau là Jollibee với 1,6%. Burger King ra mắt vào năm 2011 đến nay chỉ chiếm thị phần 0,4%.

Giám đốc Al Fresco's Group Vietnam Craig Jackson nhận định: "Người Việt Nam thích các thương hiệu lớn và ấn tượng. Chiêu marketing như anh hề Ronald McDonald hoặc các nhân vật hóa trang có tác dụng tích cực với thị trường mới nổi này".

Trong vòng một thế kỷ qua, Việt Nam có mức tăng trưởng kinh tế trung bình là 6,6%, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 4 lần, từ 402 USD/tháng trong năm 2000 lên 1.896 USD/tháng năm 2013, theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế. Những con số ấy đã giúp Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình.

Tuy nhiên việc chậm chân hơn các đối thủ như Burger King, KFC, Pizza Hut, Subway hay chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Lotteria của Hàn Quốc... sẽ gây khó khăn hơn cho McDonald's trong việc giành thị phần tại Việt Nam. McDonalds's nhìn thấy cơ hội lớn ở một đất nước có dân số trẻ gia tăng như Việt Nam. "Sự xuất hiện của văn hóa phương Tây tại Việt Nam đang đẩy mạnh nhu cầu tiêu dùng hàng ngoại. Giới trẻ và người lao động sẵn sàng chi tiền để ăn ở các nhà hàng quốc tế như Pizza Hut hay KFC", nhà phân tích Trang Nguyễn của Euromonitor cho biết.

Ngoài việc gia nhập muộn, McDonald's còn phải đối diện với một số thách thức khác, như mức giá. Thêm nữa, McDonald's chỉ sử dụng duy nhất thịt bò Úc cho món burger bò trong khi Việt Nam hạn chế nhập khẩu thịt. Các chuyên gia thương hiệu khuyến cáo McDonald's cần "bản địa hóa" thực đơn của mình.

http://tuoitre.vn/Kinh-te/592857/thuc-an-nhanh-my-ram-ro-toi-viet-nam.html

Theo Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm