Ngày 21/3, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.
Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh tỉnh, đến 31/12/2022, tổng vốn huy động trên địa bàn đạt 60.457 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cuối năm 2021, dư nợ cấp tín dụng đạt 74.273 tỷ đồng, tăng 17,36% so với cuối năm 2021, đạt 124% kế hoạch đề ra.
Nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh ước đạt 450 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu là 0,61%.
Về tín dụng đối với doanh nghiệp, đến cuối tháng 1, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp toàn tỉnh là 28.062 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 38% tổng dư nợ. Trong đó dư nợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 14.275 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 50,9% trong tổng dư nợ đối với doanh nghiệp.
Trong thời gian qua, NHNN Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó có triển khai thực hiện chương trình tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN và các văn bản sửa đổi, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với 1.990 khách hàng (trong đó có 147 doanh nghiệp).
Bên cạnh đó, các nhà băng đã miễn, giảm, hạ lãi suất đối với 52.752 khách hàng với tổng dư nợ là 24.850 tỷ đồng. Đồng thời thực hiện việc cho vay hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định số 31/2022 của Chính phủ và Thông tư số 03/2022 của Thống đốc NHNN.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận vốn tín dụng thời gian qua. Các doanh nghiệp cũng đưa ra các kiến nghị về việc cần có cơ chế thích ứng linh hoạt, điều chỉnh một số điều kiện để tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi chính sách, nâng hạn mức cho vay và giảm lãi suất vay vốn.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Quý Phương. Ảnh: UBTTH. |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Quý Phương nhấn mạnh năm 2023 là năm rất quan trọng trong tiến trình thực hiện mục tiêu đưa cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đây cũng là năm mà địa phương sẽ hoàn thiện các hồ sơ trình các Bộ, ban, ngành, Chính phủ.
"Tỉnh cam kết chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp, doanh nhân phát triển", ông Phương nói.
Ông Phương đánh giá mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh, doanh nghiệp cần vốn, trong đó chủ đạo hiện nay là vốn tín dụng ngân hàng để mở rộng và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Thông qua hoạt động cho vay, cung cấp các dịch ngân hàng cho doanh nghiệp, ngân hàng cũng có được nguồn thu nhập đáng kể. Vì vậy, ngân hàng và doanh nghiệp luôn phải đồng hành với nhau trong quá trình phát triển.
Hội nghị là dịp để lãnh đạo tỉnh, hệ thống ngân hàng trên địa bàn và cộng đồng doanh nghiệp cùng nhau lắng nghe, chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn về vốn mà doanh nghiệp đang còn gặp phải để góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
Cũng tại hội nghị, một số ngân hàng và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ký kết hợp đồng tín dụng với tổng hạn mức 841 tỷ đồng.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về doanh nhân, câu chuyện kinh doanh, khởi nghiệp, vượt qua khó khăn, kinh nghiệm quản trị... tại Tủ sách doanh nhân. Những cuốn sách được chia sẻ bởi các doanh nhân nổi tiếng thế giới như Bill Gate, Warren Buffett, Elon Musk...