Liên quan đến vụ Công ty Việt Á nâng giá kít xét nghiệm Covid-19, Bộ Công an làm rõ Công ty CP Công nghệ Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm cho CDC và nhiều cơ sở y tế của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với tổng doanh thu gần 4.000 tỷ đồng. Hôm 10/12/2021, cơ quan điều tra đã khám xét khẩn cấp 16 địa điểm tại 8 địa phương (Hà Nội, TP.HCM, Hải Dương, Thừa Thiên - Huế, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Nghệ An) và triệu tập hơn 30 người liên quan.
Ngày 19/12, trao đổi với Zing, ông Hoàng Văn Đức, Giám đốc CDC tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết việc Bộ Công an điều tra vụ Công ty Việt Á không liên quan đến CDC tỉnh Thừa Thiên - Huế.
"CDC tỉnh làm đúng theo quy định và không liên quan đến việc thổi giá kit xét nghiệm của Công ty Việt Á. Sự việc ở đây là Bộ Công an làm việc với công ty con của Việt Á ở Thừa Thiên - Huế", ông Đức cho hay.
Các bị can Phạm Duy Tuyến (bìa trái) và Phan Quốc Việt. Ảnh: Bộ Công an. |
Tại Nghệ An, trao đổi với Zing, lãnh đạo CDC tỉnh này cho biết việc Bộ Công an điều tra khám xét, rà soát một số cơ sở y tế ở địa bàn trong vụ Công ty Việt Á không liên quan đến CDC Nghệ An.
"Không có việc công an hay ngành y tế Nghệ An khám xét các cơ sở y tế từng nhập bộ kit test Covid-19 từ Công ty Việt Á. Về quy trình mua bộ test này, địa phương đã thực hiện nghiêm túc, bài bản", lãnh đạo CDC Nghệ An nói và cho rằng việc công an khám xét có thể liên quan nơi ông Phan Quốc Việt từng cư trú khi về TP Vinh làm việc.
Còn lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An nói rằng ngành chức năng ban đầu xác định có 7-8 cơ sở y tế mua các bộ kit xét nghiệm Covid-19 trong thời gian phòng, chống dịch. Tuy nhiên, ngành chức năng chưa phát hiện sai phạm hay có vấn đề nâng khống trong vụ việc này.
"Hiện, Sở Y tế chưa nhận được thông tin gì từ phía cơ quan công an về việc phối hợp kiểm tra đơn vị cung cấp bộ kit xét nghiệm Covid-19", vị lãnh đạo này nói với Zing.
Hôm 17/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố ông Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á) và 4 bị can là thuộc cấp về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC Hải Dương), Nguyễn Mạnh Cường (cựu Kế toán trưởng CDC Hải Dương) cũng bị khởi tố tội danh trên.
Cơ quan chức năng đã phong tỏa, ngăn chặn, kê biên nhiều tài khoản, sổ tiết kiệm của Phan Quốc Việt và nhóm bị can thuộc Công ty Việt Á trị giá hơn 320 tỷ đồng, 100.000 USD và 20 bất động sản ở nhiều địa phương. Ngoài ra, ông Phạm Duy Tuyến cũng bị kê biên 8 bất động sản.
Theo điều tra, Công ty Việt Á do Phan Quốc Việt thành lập. Tháng 3/2020, sau khi Hội đồng Khoa học và Công nghệ quốc gia thông qua, Bộ Y tế đã cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kit xét nghiệm SARS-CoV-2 của Công ty Việt Á.
Phan Quốc Việt và thuộc cấp khai lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu thiết bị xét nghiệm SARS-CoV-2 của các địa phương trên cả nước, trong đó có tỉnh Hải Dương, Việt và ông Phạm Duy Tuyến thỏa thuận để Công ty Việt Á cung cấp sản phẩm cho CDC Hải Dương sử dụng trước, sau đó mới hợp thức thủ tục đấu thầu theo hình thức chỉ định thầu rút gọn.
Ông Tuyến còn thống nhất để Công ty Việt Á chi tiền “lại quả” cho mình theo hợp đồng ký kết. Sau đó, Phan Quốc Việt đã nâng khống giá đầu vào thiết bị ở mức 470.000 đồng/kit để có tiền chi hoa hồng cho giám đốc CDC Hải Dương.
Cơ quan điều tra xác định từ tháng 2 đến tháng 11/2021, CDC Hải Dương đã hợp thức ký kết và thanh toán cho Công ty Việt Á 5 hợp đồng cung cấp vật tư, thiết bị y tế với tổng số tiền hơn 151 tỷ đồng. Trong đó, ông Tuyến nhận được số tiền chi ngoài hợp đồng gần 30 tỷ.
Cơ quan công an tiếp tục điều tra mở rộng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan để làm rõ bản chất, yếu tố tư lợi nhằm thu hồi tài sản cho Nhà nước.