Ngày 22/10, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên - Huế khai mạc tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh sau một tuần tạm hoãn vì mưa lũ.
Đại hội có sự tham dự của 350 đại biểu đại diện hơn 53.000 đảng viên trong toàn tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên - Huế lần XVI nhiệm kỳ 2020-2025, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chia sẻ với nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế về những thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên - Huế lần XVI. Ảnh: N.M. |
"Tôi xin thay mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chia sẻ những đau thương, mất mát lớn lao của nhân dân Thừa Thiên - Huế. Xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình có người mất do mưa, bão, lũ lụt, sạt lở đất vừa qua", Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội nói.
Vì sao có nhiều lợi thế nhưng phát triển chưa tương xứng?
Phát biểu khai mạc Đại hội, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá trong 5 năm qua, Thừa Thiên - Huế đã có nhiều nỗ lực đổi mới tư duy khai thác các tiềm năng, lợi thế cho phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng dịch vụ và công nghiệp, nên đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng.
"Với sự khiêm tốn, phẩm chất khiêm nhường, đằm thắm của con người tỉnh Thừa Thiên - Huế, chúng ta có quyền tự hào về những kết quả từ sự đoàn kết, nhất trí, nỗ lực của cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng", bà Phóng nói.
Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chỉ đạo Đại hội. Ảnh: N.M. |
Bên cạnh tự hào với những thành tựu mà tỉnh Thừa Thiên - Huế đạt được, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng cần nghiêm túc xem lại những mặt còn tồn tại, hạn chế với trách nhiệm cao.
"Vì sao chúng ta là tỉnh có nhiều lợi thế riêng có, nhưng phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; kết cấu hạ tầng sao còn thiếu đồng bộ; công tác quy hoạch, quản lý đô thị tại sao chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Tại sao công tác bảo tồn, tôn tạo di tích còn chậm", bà Phóng đặt vấn đề.
Theo Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội, đây chính là những khó khăn, hạn chế cơ bản, là lực cản trong tiến trình đi lên của Thừa Thiên - Huế.
"Tôi đề nghị Đại hội thảo luận sâu về những hạn chế, yếu kém này, phân tích kỹ nguyên nhân để tìm giải pháp khắc phục một cách có hiệu quả, để đưa tỉnh phát triển vững chắc, bền vững trong những năm tiếp theo", Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu.
Xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng về văn hoá, di sản
Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh Thừa Thiên - Huế luôn được Đảng và Nhà nước xác định là tỉnh có vị trí rất quan trọng ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước với tư cách là một cực tăng trưởng.
Tuy nhiên để phát triển tương xứng với những tiềm năng sẵn có, bà Phóng cho rằng tỉnh Thừa Thiên - Huế cần phải huy động, tập trung mọi nguồn lực, xây dựng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng về văn hoá, di sản, sinh thái.
"Thừa Thiên - Huế phải phấn đấu thực sự trở thành trung tâm của vùng và cả nước về văn hoá, du lịch, về y tế chuyên sâu, về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ", Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội nói.
Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu. Ảnh: N.M. |
Phát biểu tại Đại hội, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu thừa nhận tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, khuyết điểm về nhiều mặt. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người còn thấp.
Các trung tâm văn hóa - xã hội chưa phát huy vai trò, vị thế tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân toàn tỉnh đặt trọn niềm tin vào Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16.
"Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang nỗ lực phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị; góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng", ông Lưu cho hay.