Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thưa Bộ trưởng Tiến...

Phiên thảo luận tổ sáng 24/10, giờ giải lao tại đoàn TP.HCM rất đông phóng viên vây lấy Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Tất cả chỉ nhận được những cái lắc đầu và xua tay từ chối của người lẽ ra phải chủ động lên tiếng với báo chí.

Sao có thể thế được? Nhóm phóng viên chỉ biết nhìn nhau. Bà bộ trưởng liệu có hiểu rằng sự chấn động của vụ "phi tang xác bệnh nhân" không thuộc dạng muốn hay không muốn, thích hay không thích trả lời cũng được? Nó ở tầm mức trói buộc trách nhiệm "phải trả lời" của người đứng đầu ngành y tế. Trách nhiệm chính trị của cá nhân bộ trưởng ở đâu? Một lời chia sẻ (không xin lỗi) gia đình nạn nhân và một lời bày tỏ thái độ lên án vị bác sĩ thẩm mỹ, bằng văn bản, từ lãnh đạo Bộ Y tế trước đó, rõ ràng là chưa đủ.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến từ chối trả lời phỏng vấn của báo chí.

Và rồi Bộ trưởng Tiến cũng thể hiện sự quan tâm tới báo chí, theo cách của riêng mình. Thảo luận tổ sau giờ giải lao, bà đặt vấn đề: "Tại sao trong chiến tranh, hệ thống tuyên truyền của ta chỉ có đài tiếng nói chứ tivi chưa có, cộng với một ít báo nhưng đã dấy lên lòng yêu nước, khát vọng cháy bỏng giải phóng dân tộc và cống hiến? Vậy báo chí hiện nay ngoài nêu tiêu cực thì hãy nêu gương tốt và làm sao nêu lên được khát vọng cháy bỏng.

Tôi cho rằng báo chí cần có những định hướng đúng để xã hội thấy những cái dở nhưng cũng phải thấy những cái tốt, nổi bật lên được khát vọng làm giàu chính đáng để xây dựng đất nước. Chúng ta đã thành công rất nhiều trong chiến tranh giải phóng dân tộc ở khâu truyền thông giáo dục tư tưởng. Nên tôn vinh hơn nữa cái tốt, khuấy lên phong trào làm giàu chính đáng, yêu nước và cống hiến".

Trong sự chờ đợi của báo giới, Bộ trưởng Tiến dành thời gian cuối phần thảo luận để phát biểu về "vấn đề đạo đức nghề nghiệp" nói chung, mà theo bà đó là "một sự báo động rất lớn". Bộ trưởng Tiến cho biết: "Với trách nhiệm trong ngành thì tôi cảm thấy rất nặng nề, đã có cố gắng rất lớn và đã ra một loạt văn bản, chỉ thị, tập huấn đến 6.000 cán bộ. Vấn đề này phải có chế tài và chúng tôi đang xây dựng một thông tư. Nhưng cái này không chỉ hướng đến ngành y tế mà phải toàn xã hội tập trung hỗ trợ lên án những hành động thiếu đạo đức nghề nghiệp, không riêng gì trong ngành y mà là những hành động thiếu đạo đức của con người nói chung. Chuyện này với ngành y càng phải nâng cao. Phải có những chế tài thật sự nghiêm túc. Cái này chúng tôi đang tìm mọi biện pháp, kể cả giáo dục, kể cả vấn đề cơ chế tài chính và vấn đề về pháp luật".

Thế nhưng Bộ trưởng Tiến "mở ngoặc" rằng không thể làm được trong một sớm một chiều và cả xã hội phải đồng tâm đồng lòng để xây dựng đạo đức xã hội nói chung và đạo đức ngành y tế nói riêng. "Chúng tôi hết sức đau xót, khổ tâm và day dứt", Bộ trưởng Tiến nói.

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm