Ngày 18/12, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 120 và Chỉ thị số 23 của Thủ tướng về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Giám đốc WB tại Việt Nam Ousmane Dione đồng chủ trì hội nghị.
Phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thời gian qua, ĐBSCL đã có bước phát triển khá, đạt được nhiều thành tựu trên nhiều mặt trong phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: MPI. |
Tuy nhiên, vùng vẫn còn một số vấn đề khó khăn như cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, đào tạo nghề, việc làm, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu.
Theo Bộ trưởng Dũng, trong thời gian tới, cần quy hoạch lại vùng ĐBSCL bởi chỉ khi xác định rõ chiến lược, định hướng phát triển, tầm nhìn một cách dài hạn, căn cơ và bài bản thì mới phát triển nhanh và bền vững được.
Cụ thể, cần đánh giá một cách tổng thể để khai thác hết tiềm năng và lợi thế của vùng. Các địa phương cần liên kết, hợp tác, hỗ trợ để tránh được các thách thức và tận dụng được hết các cơ hội, tiềm năng. Về lâu dài, cần có một bức tranh tổng thể cho vùng để sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả nhất trong phát triển.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế điều phối vùng thông qua việc thành lập hội đồng điều phối vùng ĐBSCL để điều hành, giải quyết các vấn đề một cách đồng bộ vì lợi ích chung của cả vùng, tạo sự xuyên suốt trong chỉ đạo và liên kết phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tập trung nguồn lực để phát triển vùng ĐBSCL. Giai đoạn trước, vốn ngân sách đầu tư cho vùng ĐBSCL chiếm 17,2% tổng vốn đầu tư công của cả nước. Con số này tăng lên 18% trong giai đoạn 2016-2020.
Tuy nhiên nguồn vốn nêu trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về phát triển của vùng ĐBSCL.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam làm đầu mối, các tổ chức quốc tế khác thu xếp 1 khoản vay hỗ trợ chính sách phát triển cho vùng ĐBSCL, trước mắt với quy mô khoảng 1,05 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2023”, Bộ trưởng Dũng nói.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận các vấn đề về quy hoạch vùng, các ưu tiên cho sản xuất của vùng ĐBSCL, vấn đề ngăn mặn và giữ nước ngọt, các thách thức do biến đổi khí hậu, sự biến đổi ở thượng nguồn sông Mê Công, việc khai thác tài nguyên nước và các tài nguyên khác...
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích, 19% dân số cả nước, mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc; có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam. Vùng có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và tiểu vùng sông Mê Công.